Có một thời để nhớ của Hà Nội qua tác phẩm 'Khung trời thuở ấy'
Trong những ngày chớm thu, Nhà xuất bản Văn học vừa cho ra mắt cuốn sách 'Khung trời thuở ấy' của tác giả Nguyễn Quốc Hùng, MA.
Là nhà giáo hơn 80 tuổi suốt đời gắn bó với Hà Nội, tác giả đã đưa bạn đọc về một thời để nhớ với những kỷ niệm thân thương của thời cắp sách với Hà Nội xưa những năm 1960. Ở đó là những trò chơi tinh nghịch, với những mùa hoa phượng cháy đỏ, những ngày nghỉ hè đầy ắp niềm vui, cũng biết bao người thầy, cô giáo, người bạn trong vòng quay bất tận của tuổi học trò.
Bạn đọc như được sống lại những khung cảnh của giáo dục xưa, nền giáo dục đã hình thành nên những người con gái hiền thục, đảm đang trong công việc, sang trọng trong ăn mặc, tinh tế trong ứng xử. Cùng với đó là những người con trai với tính cách mạnh mẽ, kiên cường và linh hoạt. Trong tâm tưởng của tác giả: Ngôi trường là nơi ông cùng các bạn được an toàn, yên vui, được thương yêu để dựng xây lâu đài trí tuệ và những tâm hồn trong sáng.
Trong những trang sách "Khung trời thuở ấy" còn thấp thoáng phong vị Hà Nội xưa, với những nề nếp, tập tục lễ nghi: luộc bánh chưng, tảo mộ, thăm hỏi họ hàng, thầy cô… và những hương vị, cảnh vật bốn mùa xuân, hạ, thu đông rất đặc trưng Hà Nội để dù có cách xa đến mấy cũng không thể mờ phai.
Cuốn sách "Khung trời thuở ấy" là một món quà nhỏ đầy ý nghĩa cho bạn đọc trước một thềm năm học mới, nó sẽ kết nối chúng ta với những giá trị vĩnh hằng mà nền giáo dục của Việt Nam nói chung và của Hà Nội nói riêng đã kiến tạo nên, để những gì tinh hoa từ muôn năm cũ mãi còn lưu dấu trong cuộc sống hôm nay và mai sau./.