Có một thời thanh xuân ở đó
'Phượng vỹ trường xưa' - cuốn đặc san dày 448 trang là quà tặng cho các cựu học sinh Võ Tánh và Nữ Trung học Nha Trang. Võ Tánh (nay là Trường Trung học phổ thông Lý Tự Trọng) là trường cấp 3 toàn học sinh nam và Nữ Trung học (nay là Trường Trung học cơ sở Thái Nguyên) là trường cấp 3 toàn học sinh nữ trước năm 1975.
“Phượng vỹ trường xưa” - cuốn đặc san dày 448 trang là quà tặng cho các cựu học sinh Võ Tánh và Nữ Trung học Nha Trang. Võ Tánh (nay là Trường THPT Lý Tự Trọng) là trường cấp 3 toàn học sinh nam và Nữ Trung học (nay là Trường THCS Thái Nguyên) là trường cấp 3 toàn học sinh nữ trước năm 1975. Hai ngôi trường đã đào tạo nên biết bao học sinh, lớn lên vào đời, có nhiều người có địa vị trong xã hội. Hai trường cũng từng tổ chức các cuộc họp mặt riêng lẻ, và lần này, có người tuổi 50, 60 và hơn thế nữa cùng tụ hội trong lần gặp mặt mang tên: “Phượng vỹ trường xưa”. Cuốn đặc san là cả một trời kỷ niệm thanh xuân của những người nay đã là ông bà. Trong quá trình gần 1 năm tập họp nội dung để hoàn thành đặc san, cuốn sách đã công bố gần hết hình ảnh của học sinh hai ngôi trường, có thể là một tư liệu quý giá cho mai sau.
Cuốn tuyển tập với bìa sách vẽ hai bàn tay nam và nữ chạm vào nhau giữa mùa hoa phượng. 100 bài viết, hình ảnh của những tác giả là cựu học sinh hai trường, lắng kể về thời thanh xuân của mình bằng giọng văn trong veo của thời chưa lo cơm áo. Trong đó, có cả kỷ niệm của những người thầy một thời, nhắc lại chuyện dạy học. Như thầy Bùi Ngoạn Lạc kể chuyện lớp học từ năm 1965, hay thầy Đinh Thư với lời thơ: “Cuối con đường phượng đỏ. Tình ơi! Tình chân mây”. Thầy Trần Văn Châu phát biểu trong cuộc hội ngộ: “Tính ra từ ngày thành lập trường Võ Tánh đã được 64 năm và trường Nữ Trung học được 54 năm. Hai trường cũng đã đi vào quên lãng, không còn tên trường đã hơn 40 năm, vậy mà tình thầy trò vẫn sâu đậm…”.
Sẽ không kể hết được những bài viết trong cuốn đặc san mang thanh xuân trở về của hai trường nam Võ Tánh và Nữ Trung học. Những bài thơ còn vụng, lời văn rất đời thường, nhưng ở đó, tôi thấy một mùa hoa phượng có những chàng trai Võ Tánh tan trường vội đến trước cổng trường Nữ Trung học để theo chân ngọ về.
KHUÊ VIỆT TRƯỜNG