Có một Việt Nam quyến rũ, nghĩa tình…
Kết quả khảo sát từ mạng lưới InterNations cho thấy, Việt Nam được bình chọn đứng thứ 9 số những quốc gia/vùng lãnh thổ thân thiện nhất thế giới năm 2021. Chính những giá trị gắn bó trong gia đình, thân thuộc trong làng xóm đã làm nên một Việt Nam đáng sống, đáng thử nghiệm với những người nước ngoài.
Đất nước đáng để du lịch
Một trong những “nét đáng yêu” của Việt Nam đó là sự an toàn của điểm đến du lịch, ngay cả khi đi du lịch một mình. Theo thông tin của Worldpopulationreview, tâm lý du khách khi đi du lịch nước ngoài đều rất dễ cảm thấy bị cô lập khi đến một đất nước hoàn toàn xa lạ, gặp gỡ những con người không cùng chung ngôn ngữ ở nền văn hóa mới mẻ, với những phong tục tập quán và thói quen không giống mình…
Nhưng ở đây có một Việt Nam khác với nửa còn lại của thế giới. An toàn và thân thiện là điều mà du khách dễ dàng cảm nhận được khi tiếp xúc với con người nơi đây. Theo chia sẻ của nhiều người nước ngoài đã đến du lịch, ngay cả một người ít kinh nghiệm với chi phí hạn hẹp cũng có thể trải nghiệm được văn hóa và thiên nhiên ở Việt Nam. Ở đây cũng có rất nhiều chỗ lưu trú có mức giá phải chăng và món ăn đường phố hợp túi tiền. Phương tiện giao thông để di chuyển cũng rất thuận tiện cho du khách khi trải nghiệm du lịch.
Yếu tố làm nên sức hút cho du lịch Việt xuất phát từ tinh thần của cộng đồng dân cư. Sự thân thiện, chu đáo mỗi khi “khách đến nhà” là một nét đẹp văn hóa đã có từ ngàn đời của người Việt. Là một trong những đất nước đi qua nhiều đau thương bởi chiến tranh nhưng sự thân thiện trong lối sống, cách ứng xử của con người luôn hiện hữu.
Bởi vậy, tinh thần đó được đưa vào trong du lịch và hoạt động đón tiếp khách quốc tế. Thân thiện không chỉ thể hiện tình cảm chân thành, ứng xử chan hòa của người dân, mà đó còn là một cử chỉ văn hóa để thu hút khách du lịch nước ngoài. Thân thiện như một lực hấp dẫn tự nhiên khiến ai cũng có cảm giác hài lòng, bình an khi đặt chân đến dải đất hình chữ S.
Nhận định về Việt Nam, 83% số người tham gia khảo sát của InterNations đánh giá cao về sự thân thiện với người nước ngoài của của người dân Việt Nam. Một người Bỉ sống tại Việt Nam tham gia cuộc khảo sát của InterNations nói rằng, đất nước này “ít căng thẳng hơn nhiều nơi khác, vì người dân nơi đây luôn cười thân thiện”.
Sự thân thiện ấy còn được thể hiện trong hoàn cảnh nào người Việt vẫn nở nụ cười và hiện hữu ở mọi nơi, từ trong nếp nhà ra đến phố thị, trong cách người dân ra đường hào hứng chào đón nồng nhiệt mỗi khi có đoàn xe chở các vị khách quý đi qua, trong nụ cười gần gũi với khách du lịch, trong những món ăn ngon đậm chất Việt như một sự quảng bá không lời đầy tinh tế...
Ở Việt Nam nổi bật bởi sự đa dạng văn hóa vùng miền và không hiếm danh lam thắng cảnh dễ làm “say lòng” du khách nước ngoài. Chẳng hạn như vịnh Hạ Long, nơi được mô tả có “cảnh quan đẹp khó tin”, nơi du khách có thể chèo thuyền, thư giãn trên bãi biển và thưởng thức hải sản do ngư dân địa phương đánh bắt.
Một nhiếp ảnh gia người Thụy Điển khi đi tới các vùng miền ở Việt Nam để chụp những bức ảnh nghệ thuật đã chia sẻ về văn hóa đa dạng vùng Trung du miền núi phía Bắc rằng: “Ở đây người Mông Đen và người Dao Đỏ sống gần nhau nhưng khác ngôn ngữ. Họ có một cuộc sống bình dị ở vùng cao, phụ nữ làm nghề thủ công còn đàn ông làm ruộng. Những ngôi làng của họ đẹp như tranh vẽ, với ruộng bậc thang và những dãy núi bao quanh”.
Một điểm nữa khiến Việt Nam trở thành điểm đến ngày càng được nhiều người nước ngoài lựa chọn đó là sự phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Ông Phương Tiến Minh – Giám đốc Toàn quốc Khối Ngân hàng Bán lẻ và Quản trị Tài sản của Ngân hàng HSBC Việt Nam cho biết: “Nhờ vào một nền văn hóa đầy màu sắc và sự thân thiện của người dân Việt Nam, nơi đây là một lựa chọn tuyệt vời cho các chuyên gia trẻ tuổi và những người đã có kinh nghiệm làm việc từ khắp nơi trên thế giới - những người đang tận hưởng cuộc sống ở đây và nhận được nhiều thành quả xứng đáng”.
Và sự quyến rũ từ những nếp nhà
Việt Nam có một cộng đồng bản địa nhiều màu sắc nhưng rất đồng điệu, hòa quyện với nhau từ nếp sống sinh hoạt đến giá trị tinh thần. Đâu đâu trên khắp đất nước Việt này cũng có thể bắt gặp những mái nhà đơn sơ, giản dị, những con đường quê với lối sống nông thôn bình yên hiếm có.
Đó còn là những truyền thống tốt đẹp của người Việt được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử, nuôi dưỡng lớn khôn trong mỗi gia đình, mỗi tế bào xã hội. Nhiều giá trị văn hóa được gia đình gìn giữ và truyền nối cho thế hệ sau, làm nên những nét đặc sắc trong du lịch.
Ở Việt Nam không thiếu những thương hiệu ẩm thực được vinh danh trên bản đồ quốc tế. Phở Thìn là một thương hiệu nổi tiếng và cũng là niềm tự hào của người dân phố cổ Hà Nội nói riêng. Đến nay, thương hiệu này được nhiều người ưu ái gọi với cái tên “vua phở Hà thành” và vươn ra khắp châu Á. Và với người Hà Nội xưa, nhiều người vẫn luôn nhắc đến câu chuyện ông Thìn Lò Đúc mở quán phở nuôi 10 người anh chị em trong gia đình.
Gia đình cũng là mảnh ghép để tạo nên những làng nghề Việt. Nghề dệt thổ cẩm, đan lát của đồng bào dân tộc ở Tà Lai (Đồng Nai) cũng được truyền nối qua nhiều thế hệ. Ka Tuyền, một hướng dẫn viên du lịch cho hay, bản thân cô mang 2 dòng máu dân tộc là Mạ và Xtiêng nên ngay từ khi còn nhỏ đã được cha mẹ và bà ngoại hướng dẫn dệt vải, đan lát. Từ đó dần quen với nghề truyền thống của đồng bào nơi đây và tạo nên những sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Cũng chính từ gia đình, những truyền thống, văn hóa tốt đẹp được sản sinh và nuôi dưỡng. Đó là đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, là sự đền đáp, báo ơn đối với những bà mẹ anh hùng, là truyền thống thờ cúng tổ tiên,…Văn hóa hướng về nguồn cội ấy khiến cho du khách nước ngoài yêu hơn sự gắn bó trong đời sống gia đình Việt. Những vị khách thập phương có thể vì hiếu kỳ, cũng có thể vì đã đem lòng yêu một Việt Nam thân thiên và gần gũi trong từng nếp sống, nếp sinh hoạt mà một lần nữa trở lại nơi đây.
Văn hóa gia đình, làng xóm cũng là cái nôi của tinh thần tương thân, tương ái, không ngần ngại cùng chia sẻ khó khăn. Bởi vậy mà trong cuộc chiến chống dịch, ở Việt Nam lan tỏa rất nhiều những hình ảnh người dân quyên góp, giúp đỡ, ủng hộ cho đồng bào bị mắc kẹt trong những vùng giãn cách. Wendy, một du khách Austraylia, mắc kẹt tại TP HCM kể, từ khi địa phương này thực hiện giãn cách xã hội, cô đã nhận bánh mì, rau và nhiều những mặt khác hàng được giúp đỡ bởi người hàng xóm Việt Nam. Cô chia sẻ: “Tôi vô cùng cảm động trước lòng tốt của họ. Cảm ơn vì tất cả những gì tôi có với họ. Tôi yêu Việt Nam và mong mọi người an toàn. Đại dịch sẽ sớm lắng xuống, vì vậy mọi thứ sẽ trở lại bình thường”.
Anthony, một du khách người Đức đã đề nghị ở lại hơn một năm tại một nhà dân ở Hội An. Sau khi mắc kẹt vào tháng 3 năm ngoái, anh đã kiếm thêm thu nhập bằng cách dạy các khóa học tiếng Anh trực tuyến, nhưng cũng chỉ đủ mua thức ăn và các chi phí cơ bản.
May mắn thay, chủ nhà trọ đã cho anh thuê nhà hoàn toàn miễn phí và chỉ thu tiền điện nước. Anthony chia sẻ lại rằng: “Thỉnh thoảng chủ nhà mời tôi ăn tối cùng gia đình. Tôi hoàn toàn cảm động trước sự ân cần và hiếu khách của họ. Tôi coi Hội An là quê hương thứ hai của mình. Tôi sẽ kể cho gia đình và bạn bè nghe mọi chuyện sau khi trở về nhà”.
Việt Nam đã và đang ngày càng chứng minh được sức hút của bản thân trên bản đồ du lịch quốc tế. Tỷ lệ khách du lịch muốn quay trở lại Việt Nam ngày càng tăng bởi sự quyến rũ từ thiên nhiên và sự hồn hậu của người dân trên dải đất hình chữ S xinh đẹp.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/co-mot-viet-nam-quyen-ru-nghia-tinh-post408944.html