Có năm Ất Tý không?

Người Việt vẫn quen với tên gọi âm lịch của các năm như: Mậu Tuất, Kỷ Hợi, Nhâm Tý... Tuy nhiên, không phải mọi người đều hiểu về cách gọi tên năm như trên. Nhân một bạn đọc nêu thắc mắc về cách gọi tên năm âm lịch: 'Năm sắp đến 2020 là năm Canh Tý, vậy có năm Ất Tý không?', chúng tôi xin mạn phép có đôi lời kiến giải.

Tranh minh họa Thập nhị chi (12 con giáp). Nguồn: Internet.

Tranh minh họa Thập nhị chi (12 con giáp). Nguồn: Internet.

Không kết hợp khác tính âm - dương

Trong cách tính toán sự vận hành của thời gian, định thứ tự và gọi tên các đơn vị thời gian, lâu nay chúng ta dùng hệ đếm gọi là can chi theo cách tính của người Trung Hoa từ thời trước, gồm 2 hệ nhỏ là hệ can và hệ chi.

Tính theo trời thì có Thiên Can, gồm có 10 yếu tố phối hợp âm dương xen kẽ với nhau: Giáp (+), Ất (-), Bính (+), Đinh (-), Mậu (+), Kỷ (-), Canh (+), Tân (-), Nhâm (+), Quý (-). Tính theo đất thì có Thập Nhị Địa Chi, cũng theo quy ước phối hợp âm dương luân phiên với nhau, gồm Tý (+), Sửu (-), Dần (+), Mão (-), Thìn (+), Tỵ (-), Ngọ (+), Mùi (-), Thân (+), Dậu (-), Tuất (+), Hợi (-). Mỗi chi lấy một con vật làm tượng trưng, trừ con rồng là loài vật hư cấu, các con còn lại là những con vật sống trên mặt đất, gần gũi với cuộc sống của người nông dân. Riêng năm Mão, người Việt Nam lấy con vật tượng trưng là con mèo, còn theo người Trung Hoa, người Nhật... thì ứng với con thỏ.

Để gọi tên mỗi năm, người ta phải lấy một Can ghép trước một Chi. Ví dụ: Mậu Tuất, Kỷ Hợi, Nhâm Tý... theo quy luật kết hợp can – chi cùng tính chất (cùng màu) với nhau - dương với dương và âm với âm - còn trái dấu với nhau thì không kết hợp được.

Phối hợp các can chi với nhau theo quy ước từ thời xa xưa như ở trên, ta có hệ đếm gồm 60 đơn vị, gọi là một hội (lục thập hoa giáp).... gọi là hệ Can chi hay Lục giáp. Cũng vì không thể kết hợp khác tính âm - dương theo quy ước, nên có một nửa số kết hợp sẽ không tồn tại (các ô màu xám) trong bảng (xem bảng can chi):

Như vậy, căn cứ vào bảng trên, một hội (lục thập hoa giáp) gồm 60 năm sẽ bắt đầu từ năm thứ 1 (Giáp Tý) và kết thúc vào năm thứ 60 (Quý Hợi), và năm nay 2020 – năm Canh Tý – là năm thứ 37 trong lục thập hoa giáp. Từ bảng trên ta cũng dễ dàng tra cứu mà biết tên các năm tiếp theo sắp tới, ví dụ năm 2021 sẽ là năm thứ 38 trong hội, có tên Tân Sửu, năm 2022 (năm thứ 39) Nhâm Dần, năm 2023 (năm thứ 40) Quý Mão.

Đồng thời cũng sẽ không bao giờ có các năm Ất Tý, Đinh Tý, Kỷ Tý, Tân Tý, Quý Tý... (không có những năm giao nhau ở tất cả các ô màu xám trong bảng trên).

Thuyết tam tài

Thực ra, theo truyền thống từ thuở xa xưa, cha ông ta luôn quan niệm rằng lối đặt tên của năm bao hàm cả trời - đất như vậy là hướng thượng, con người tồn tại trong khoảng đất trời phải biết sống hòa mình cùng thiên nhiên theo thuyết Tam Tài: Thiên, địa, nhân “Thiên sinh, địa dưỡng, nhân hòa”. Cho nên, khi đặt tên năm thì phải dùng cả Can của trời lẫn Chi của đất để hài hòa với con người ở khoảng giữa.

Cũng có trường hợp người ta gọi tên năm theo lối nói tắt, lược bớt yếu tố can, chỉ gọi yếu tố chi: Năm Tý, năm Sửu, năm Dần... hoặc gọi luôn tên năm bằng tên con vật theo tiếng Việt: Năm Chuột, năm Trâu, năm Cọp...

Suy cho cùng, đó cũng là biểu hiện của việc giao thoa tiếp biến văn hóa giữa các dân tộc trên thế giới với nhau, trên cơ sở tiếp thu cái hay, cái mới của quốc tế với lòng tự tôn dân tộc cao độ, hòa nhập mà không hòa tan, giữ vững bản sắc văn hóa nước nhà.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/co-nam-at-ty-khong-4061006-b.html