Có năm chỉ tuyển được 20 SV, giảng viên bỏ việc, trường CĐ lo nguy cơ 'tự diệt'

Trường CĐ nghề tuyển sinh đạt 15%, 20 SV nhập học/năm. Trường báo cáo đơn vị chủ quản nhưng không được quan tâm nên sốt ruột trước nguy cơ giải thể.

Kể từ khi chuyển sang Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý, tức là không được nằm trong hệ thống tuyển sinh đại học, cao đẳng chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo khiến công tác tuyển sinh của một số trường cao đẳng đạt tỷ lệ thấp, không ít trường điêu đứng trước nguy cơ giải thể trong bối cảnh tự chủ.

Bàn về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Trương Đức Tú – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị trăn trở khi thực tế 5 năm gần đây, nhà trường không đạt chỉ tiêu tuyển sinh như kế hoạch đề ra khiến trường phải đối mặt với muôn vàn khó khăn dù đã báo cáo với cơ quan chủ quản.

Nguồn ảnh: tuyengiao.vn

Nguồn ảnh: tuyengiao.vn

Có năm, trường chỉ tuyển được 20 sinh viên

Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị là cơ sở giáo dục đại học công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị. Năm 2007, trường chuyển từ trường trung cấp lên cao đẳng.

Chia sẻ về thuận lợi, theo thầy Tú: “Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh nên có nhiều thuận lợi như: Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo nhà trường trong quản lý, giải quyết khó khăn, vướng mắc theo đúng quy định của pháp luật. Quyết định bổ nhiệm, thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm và cách chức Hiệu trưởng nhà trường. Về công tác giáo dục nghề nghiệp, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị thuộc quản lý của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, theo thầy Tú, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với nhà trường là không tuyển được sinh viên dẫn đến áp lực trong bối cảnh tự chủ.

“Tuyển sinh không có thì lấy đâu ra tự chủ” - thầy Tú nói.

Cụ thể, 5 năm trở lại đây, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị gặp khó trong công tác tuyển sinh (tỷ lệ tuyển sinh chỉ đạt 15%/năm). Có năm trường chỉ tuyển được gần chục sinh viên Lào vào học, sinh viên trong nước rất ít. Đặc biệt, có năm, trường chỉ tuyển được tổng số 20 sinh viên.

“Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tạo điều kiện nhưng công tác tuyển sinh của trường gặp rất nhiều khó khăn. Mệt nhọc và vất vả nhất là hiện nay trường do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý về ngành dọc mà không có dữ liệu tuyển sinh chung nên các trường rất khó tiếp cận thí sinh.

Đáng lo ngại là, trong bối cảnh các trường đang trên đà tự chủ, nếu trường không tuyển sinh được thì sẽ tự diệt, có nguy cơ xóa trường sau năm 2025”, thầy Tú trăn trở.

Giảng viên bỏ dạy, chuyển việc, trường không tuyển được bác sĩ

Không chỉ khó tuyển sinh, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị còn đang phải đối mặt với tình trạng đội ngũ giảng viên dần bỏ, chuyển việc, nhà trường khó tuyển dụng bác sĩ.

Hiện tại, trường có 3 Khoa (Khoa Dược, Khoa Y tế cộng đồng và Khoa điều dưỡng); 2 Phòng (Phòng tổ chức hành chính; Phòng Đào tạo, khảo thí và cơ bản) và 1 phòng khám chuyên môn. Về đội ngũ nhân sự, hiện trường có 30 giảng viên cơ hữu. Trong đó, có 1 Hiệu trưởng. Nhà trường khuyết 1 vị trí phó hiệu trưởng vì chưa đạt các điều kiện tiêu chuẩn nên chưa được bổ nhiệm.

Theo thầy Tú, giảng viên của trường bỏ, chuyển việc dẫn tới tình trạng thiếu đội ngũ. Bên cạnh đội ngũ giảng viên có trình độ cử nhân Điều dưỡng, Dược sĩ thì một số ngành đặc thù cần phải có giảng viên là bác sĩ đứng lớp thì không tuyển dụng được trong khi một số bác sĩ sắp đến tuổi nghỉ hưu.

Thầy Tú cho biết thêm, một số trường đại học, cao đẳng tư thục trên địa bàn được linh động mở các bệnh viện, trung tâm ở ngoài trường nên thu hút bác sĩ về làm việc. Trường cao đẳng công lập không được mở bệnh viện, trung tâm đặt ngoài trường nên khó thu hút người làm, giảng viên là bác sĩ”, thầy Tú nói.

Trước những khó khăn, lãnh đạo nhà trường đã báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và các bên liên quan nhưng đến nay chưa được giải quyết" - thầy Tú chia sẻ.

Về việc thực hiện quy hoạch, sáp nhập các trường nghề lại với nhau theo mục tiêu đặt ra trong quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 73/QĐ-TTg, thầy Tú cho rằng, dù nhà trường gặp nhiều khó khăn nhưng các trường đào tạo y tế tồn tại độc lập vẫn tốt hơn so với sáp nhập.

“Nếu đến năm 2025, công tác tuyển sinh của trường không khả quan hơn thì trường có hai lựa chọn là tự giải tán hoặc chấp nhận sáp nhập để trở thành một khoa của bệnh viện nào đó. Khoa này sẽ thực hiện chức năng chuyên về đào tạo, trong đó có đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho nhân viên bệnh viện, sinh viên ở ngoài vào học”, thầy Tú chia sẻ thêm.

Trước mắt, nhà trường tích cực quảng bá để tuyển sinh và chỉ có thể chờ thời cơ thay đổi nhận thức của học sinh, phụ huynh về lựa chọn học ở các trường cao đẳng.

"Song, dù Ủy ban nhân dân tỉnh tạo điều kiện nhưng không tuyển được sinh viên thì rất khó để nhà trường tiếp tục duy trì chức năng, nhiệm vụ giáo dục đào tạo”, thầy Tú nói.

Ngọc Mai

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/co-nam-chi-tuyen-duoc-20-sv-giang-vien-bo-viec-truong-cd-lo-nguy-co-tu-diet-post233673.gd