Có nên bằng mọi giá cho con vào lớp chọn?

Ai đã làm cha làm mẹ đều mong muốn con mình học hành giỏi giang, thành đạt. Để được như vậy thì việc chọn môi trường học hành tốt nhất cho con luôn là điều làm cho các bậc phụ huynh trăn trở.

Xin cho con vào học ở trường điểm đã đành, lớp cũng phải là lớp điểm, lớp chọn thì cha mẹ mới yên lòng. Vì thế một cuộc đua thầm lặng nhưng quyết liệt diễn ra. Nếu con được vào lớp chọn thì cha mẹ vui mừng còn trượt thì buồn toàn tập. Thực tế lớp chọn có đúng với những gì mà các bậc phụ huynh kỳ vọng hay không?

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ưu điểm của lớp chọn

Một lớp chọn dựa trên kết quả đánh giá chất lượng học sinh qua thi tuyển đầu vào một cách minh bạch thì bao giờ cũng là một lớp đáng giá. Cả phụ huynh và học sinh của những lớp chọn ấy luôn tự hào ngẩng cao đầu bởi họ đáng được như vậy. Khi đã là thành viên của lớp chuyên lớp chọn thì các em được thụ hưởng một môi trường giáo dục tốt với những thầy cô là giáo viên giỏi, đầy nhiệt huyết, với trang thiết bị học tập luôn đạt chuẩn cao.

Xung quanh các em là những bạn bè giỏi, chăm chỉ nên để trụ vững trong môi trường đó, em nào cũng phải cố gắng không ngừng nghỉ để không bị loại ra khỏi lớp. Các em dần quen với nhịp độ học tập cao hơn hẳn so với các lớp thường nhưng không quá tải bởi chất lượng đầu vào của học sinh lớp chọn hoàn toàn có thể đáp ứng được nhịp độ ấy.

Lớp chuyên, lớp chọn luôn đứng đầu về danh sách học sinh đạt thành tích cao là điều dễ hiểu khi mà một rừng toàn “siêu sao” tập trung ở đó. Các em chính là những nhân vật không chỉ thành đạt trong thời gian học tập ở trường mà còn thành đạt trong tương lai nếu biết cố gắng không ngừng.

Mặt trái của lớp chọn

Các lớp chọn thường được nhà trường, thầy cô giáo và các bậc phụ huynh đặt nhiều kỳ vọng. Các em phải gắng sức học hành để đáp ứng được những kỳ vọng đó khiến thời gian cho các hoạt động tập thể và thư giãn khác bị rút ngắn lại.

Do đặc thù giới tính phù hợp với một số môn học nên trong các lớp chuyên thường có sự chênh lệch giới tính rõ rệt. Ví dụ các lớp chuyên về các môn xã hội chỉ toàn nữ, ngược lại các lớp chuyên về các môn tự nhiên hầu hết là nam. Sự chênh lệch này đôi khi cũng ảnh hưởng đến các hoạt động của lớp, đến tinh thần học sinh. Có cô bé nằng nặc đòi cha mẹ xin chuyển về lớp thường vì cả lớp chỉ mình em là nữ, không biết nói chuyện với ai, đã thế các bạn nam lại vô tâm, hay trêu chọc khiến em khó chịu.

Vào được lớp chọn là niềm tự hào nhưng nếu bị đặt “ngồi nhầm chỗ” trong lớp chọn thì thật là tai hại. Như người bước hụt chân, các em bị đặt nhầm luôn ở thế bị động trong học tập, lúc nào cũng phải gồng mình lên để theo kịp tiến độ học tập của cả lớp. Khoảng cách về kiến thức giữa em đó với các bạn trong lớp càng ngày càng xa khiến cho em không còn muốn cố gắng nữa khi mà em luôn là nhân vật “đội sổ”. Các bạn khác cũng không có mấy thiện cảm với một bạn vào lớp chọn của mình bằng con đường không minh bạch. Và như vậy, ảnh hưởng nhiều tới chất lượng học tập của tập thể lớp.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Khi lớp chọn biến tướng

Để vào được lớp chọn, học sinh cần phải qua thi tuyển để đánh giá lực học và đó chính là tiêu chí quan trọng nhất. Nhưng thực tế có nhiều lớp chọn lại có tiêu chí khác, chẳng hạn như lớp “ngoại giao”…. Những lớp này dựa trên tiêu chí hoàn toàn mâu thuẫn với tiêu chí của lớp chọn đúng nghĩa, do đó mà trình độ học sinh cũng “tạp pí lù”, động cơ học tập không được đặt lên vị trí ưu tiên hàng đầu nữa. Kết quả là chỉ những học sinh giỏi thực sự mới có thể theo được chương trình học của lớp chọn còn những học sinh khác thì không cần học vì đã có cha mẹ học hộ rồi. Chính vì thế, một số lớp chọn có chất lượng không được như nó cần phải có, thậm chí còn thua kém những lớp thường.

Lớp chọn bị biến tướng không phải lỗi của học sinh mà lại là lỗi của nhà trường và phụ huynh. Cuộc đua không chính đáng của những người lớn đã làm hỏng bản chất của lớp chọn, gây nên sự sa sút về chất lượng dạy và học, sự nghi kỵ mất đoàn kết của học sinh. Thói ngông nghênh cậy cha mẹ giàu có, có chức quyền bắt đầu xuất hiện trong bộ phận học sinh yếu kém của lớp gây nên không khí căng thẳng, chia rẽ mất đoàn kết và không còn làm cho các em học sinh khá giỏi thấy đam mê học hành.

Không phải học sinh nào cũng thích vào lớp chọn, khi năng lực của các em có hạn thì việc “ngồi nhầm chỗ” là để làm vui lòng cha mẹ chứ bản thân các em không muốn. Nếu các em học ở lớp bình thường thì còn phát huy được nội lực của chính mình nhưng khi phải cố gắng quá mức thì các em chán nản, buông xuôi và tuột dốc. Đó là điều vô cùng đáng tiếc.

Đừng làm khổ con mình!

Vẫn biết cha mẹ nào sinh con ra cũng có quyền tự hào về con mình và muốn đặt con vào những nơi có điều kiện tốt nhất. Tuy nhiên, sẽ là nguy hiểm nếu cứ ép con ngồi ở nơi không đúng với khả năng, sở trường của chúng để rồi dẫn đến bao hệ lụy khó lường. Hãy để cho con cái thể hiện những gì mà chúng có, tạo điều kiện để chúng được phát huy tối đa khả năng tiềm ẩn của mình. Đừng vì ích kỷ, ham danh vọng mà vô tình làm khổ con, thậm chí biến con thành cỗ máy phế thải.

Nguyễn Vũ

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/co-nen-bang-moi-gia-cho-con-vao-lop-chon-d191061.html