Có nên bảo quản trứng trong tủ lạnh?

Việc dự trữ sẵn trứng trong tủ lạnh là thói quen của rất nhiều bà nội trợ, vậy có nên bảo quản trứng trong tủ lạnh?

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh Dưỡng Việt Nam cho hay, trứng là thức ăn quen thuộc và giàu dinh dưỡng, các chất dinh dưỡng có tỉ lệ cân đối, do vậy trứng có thể sử dụng cho cả trẻ em và người lớn.

Một quả trứng cung cấp trung bình 78 calo; 6,5 g protein; 5,5 g chất béo; 0,5 g carbohydrate. Ngoài ra, trứng còn chứa rất nhiều các vitamin và khoáng chất như vitamin A, folate, vitamin B5, vitamin B12, vitamin B2 cùng với phospho, canxi và kẽm.

Sử dụng trứng là cách tốt để tăng lượng HDL - loại cholesterol tốt giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, đột quỵ và các bệnh lý khác. Theo nhiều nghiên cứu, ăn hai quả trứng mỗi ngày trong sáu tuần giúp tăng nồng độ HDL lên 10%.

"Trứng là thực phẩm dinh dưỡng dễ ăn, dễ chế biến nên được nhiều gia đình tích trữ để dùng dần", bác sĩ Lâm nói.

Có nên bảo quản trứng trong tủ lạnh?

Có nên bảo quản trứng trong tủ lạnh?

Về băn khoăn có nên bảo quản trứng trong tủ lạnh không, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm nói, điều này phụ thuộc vào trứng mới hay cũ. Nếu trứng còn tươi (trứng gà, vịt mới đẻ) ăn hết được trong 1-2 tuần thì không nhất thiết cần phải bảo quản trứng vào tủ lạnh.

Tuy nhiên, ăn không hết trứng ngay, để lâu ở môi trường bên ngoài có thể bị hỏng. Do vậy, trong trường hợp này cần phải bảo quản trong ngăn mát để trứng không bị hỏng, kém tươi.

Để phát hiện ra trứng kém tươi hoặc có dấu hiệu hỏng, PGS Lâm lưu ý, khi đập trứng chúng ta sẽ thấy lòng trắng đục hơn bình thường hoặc lòng đỏ dính vào vỏ trứng.

Ngoài ra, việc cân nhắc có nên bảo quản trứng trong tủ lạnh hay không còn phụ thuộc vào thời tiết. Nếu thời tiết lạnh (mùa đông như miền bắc) thì không cần thiết phải để trứng vào tủ lạnh. Nếu thời tiết nóng trên 30 độ thì nên bảo quản trứng trong tủ lạnh, tránh làm giảm chất lượng của trứng.

Bảo quản trứng an toàn

Cách bảo quản trứng trong tủ lạnh rất quan trọng. Để trứng không giảm chất lượng, tránh nguy cơ ngộ độc do vi khuẩn có hại phát triển cần lưu ý tới 2 vấn đề phải sạch và kín.

Trứng khi mua về cần rửa sạch với xà phòng dưới vòi nước để khô, sau đó xếp vào hộp kín và bảo quản vào ngăn mát (không để ở cánh tủ lạnh).

"Mọi người thường bảo quản trứng ở cửa tủ lạnh. Thực tế, đây không phải là nơi thích hợp để bảo quản trứng", PGS Lâm nói.

Các nhà khoa học chỉ ra rằng cửa tủ lạnh là phần dễ bị thay đổi nhiệt độ nhất mỗi khi bạn mở. Điều này khuyến khích các vi khuẩn phát triển và làm suy yếu lớp màng bảo vệ của trứng, từ đó tăng nguy cơ nhiễm khuẩn. Vì vậy, theo các chuyên gia, người dân nên bảo quản trứng ở phần sâu hơn trong tủ lạnh, trong hộp kín và nhiệt độ cần luôn ổn định mức dưới 20 độ C.

Không nên bảo quản trứng ở cánh cửa tủ lạnh.

Không nên bảo quản trứng ở cánh cửa tủ lạnh.

Bên cạnh đó, PGS Lâm cảnh báo, nếu trứng mua không rửa xếp ngay vào tủ lạnh sẽ rất nguy hiểm vì trên bề mặt trứng sẽ dính các chất bẩn (đất, phân gà, vịt) chứa các vi khuẩn gây bệnh. Trứng thường có salmonella gây rối loạn tiêu hóa. Vi khuẩn này có thể lan sang các thực phẩm khác sẽ rất nguy hiểm ngây ra ngộ độc, thậm chí tử vong.

Ăn trứng thế nào để đảm bảo sức khỏe?

Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, để đảm bảo tốt cho sức khỏe với trẻ nhỏ dưới 5-6 tháng một tuần chỉ nên ăn 3 lần, mỗi lần ½ lòng đỏ trứng gà dưới dạng nấu bột hay nấu cháo.

Trẻ trên 7 tháng mỗi ngày có thể ăn 1 quả trứng gà hoặc ½ quả trứng vịt hoặc 6 quả trứng chim cút. Người lớn một tuần có thể ăn 3-4 lần trứng.

Nguyễn Ngoan

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/co-nen-bao-quan-trung-trong-tu-lanh-ar875425.html