Có nên cắm điện cây nước nóng lạnh cả ngày?
Cây nước nóng lạnh sẽ tiêu thụ khoảng 1022kW/năm nếu cắm điện liên tục. Mức tiêu thụ điện năng trung bình của cây nước nóng lạnh sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như thời gian sử dụng, công nghệ...
Cắm điện cả ngày, cây nước nóng tiêu tốn bao nhiêu điện?
Vì sự tiện lợi nên cây nước nóng lạnh được sử dụng khá phổ biến ở các văn phòng, công sở, gia đình... Trong những thiết bị ngốn điện nhiều nhất, ngoài máy điều hòa và tủ lạnh thì cây nước nóng lạnh chính là 'thủ phạm' khiến hóa đơn tiền điện nhà bạn tăng cao.
GS.TS Nguyễn Đức Lợi, Hội Khoa học và Công nghệ Nhiệt lạnh cho biết, mức độ tiêu thụ điện năng của cây nước nóng lạnh sẽ phụ thuộc vào chế độ nóng lạnh cũng như công nghệ làm nóng/ lạnh của thiết bị. Cây nước nóng lạnh ở chế độ chờ sẽ tiêu thụ khoảng 160W/ giờ. Trong khi đó, nếu sử dụng chế độ lạnh hoặc chế độ đun sôi nước nóng, thiết bị này sẽ tiêu thụ khoảng 2.8kW/ngày. Cũng có nghĩa là cây nước nóng lạnh sẽ tiêu thụ khoảng 1022kW trong vòng 1 năm sử dụng.
Công nghệ làm nóng/ lạnh của cây nước cũng là một trong những yếu tố quyết định với mức điện năng tiêu thụ của thiết bị. Hiện nay, trên thị trường có 2 loại công nghệ làm nóng/ lạnh nước trên cây nước nóng lạnh là công nghệ chip điện tử và công nghệ block.
Trong đó, công nghệ chip điện tử chỉ làm lạnh nước ở nhiệt độ khoảng 10 độ C và nhiệt độ làm nóng nước đạt khoảng 80 độ C. Còn công nghệ block lại có khả năng làm nóng nước tới 90 độ C và khi nhiệt độ nước xuống thấp rơ le sẽ tự động bật để tăng nhiệt độ nước. Ở khoang lạnh, rơ le nhiệt cũng hoạt động theo cơ chế tương tự. Khi nước đạt ngưỡng nhiệt, rơ le sẽ tự động ngắt để đảm bảo an toàn và tiết kiệm điện.
Về mức tiêu thụ điện năng trung bình của cây nước nóng lạnh sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như thời gian sử dụng, công nghệ... nên không có một công thức chung nào. Theo KS Nguyễn Việt Dũng, Đại học Bách khoa Hà Nội, việc cắm cây nước nóng lạnh liên tục là không cần thiết vì hầu hết thời gian các thành viên trong gia đình đi học, đi làm hoặc ngủ thì sẽ không sử dụng tới. Chính vì thế, người dùng nên rút điện cây nước nóng lạnh trong các khoảng thời gian này để tiết kiệm điện.
Ngoài ra, bình thủy điện cũng là thiết bị sử dụng phổ biến tại nhiều gia đình Việt vì có thói quen uống trà nên trên bàn lúc nào cũng có một bình thủy điện cắm sẵn. Bình có dung tích khoảng 4-6 lít, có công suất tiêu thụ điện khoảng 600W - 1200W, có chế độ đun sôi lại mỗi 6 tiếng hoặc theo cài đặt riêng của nhà sản xuất. Nếu cắm bình thủy điện liên tục thì trong một tháng, thiết bị này sẽ tiêu tốn khoảng 35-100 kWh. Do đó, để tiết kiệm điện, người sử dụng nên ngắt điện khi đi ngủ vào ban đêm, hoặc thời gian không sử dụng tới.
Tiết kiệm điện cho cây nước nóng lạnh
GS.TS Nguyễn Đức Lợi cho biết, để tiết kiệm điện cho cây nước nóng lạnh, khi sử dụng cần lưu ý nên chọn mua cây nước có chức năng tự ngắt điện. Đây là tính năng hữu ích để giảm thiểu lượng điện tiêu thụ của cây nước nóng lạnh. Khi không sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định, thiết bị sẽ tự động ngắt điện để duy trì nhiệt độ của bình chứa nước. Như vậy không phải lo lắng về việc quên tắt công tắc hoặc để cây nước hoạt động liên tục.
Khi không có nhu cầu sử dụng máy trong thời gian dài hoặc không có bình nước lắp trên máy thì hãy rút nguồn dây điện. Trước khi cắm điện sử dụng, bạn hãy đặt bình lên máy tầm 10 phút. Nên đặt máy nóng lạnh cách tường khoảng 10 - 15 cm để tránh việc tỏa nhiệt làm ảnh hưởng đến hoạt động cũng như tuổi thọ của thiết bị. Sử dụng ổ cắm riêng để tránh chập điện hoặc quá tải.
Vệ sinh và bảo trì thường xuyên sẽ giúp cây nước nóng lạnh hoạt động hiệu quả và tiết kiệm điện. Nên lau chùi bề mặt của thiết bị sạch sẽ để tránh bám bụi và ẩm mốc. Cũng nên kiểm tra và thay thế các linh kiện hư hỏng hoặc cũ kỹ như ống dẫn, van xả, bộ lọc... Đồng thời cũng nên xả bình chứa nước ít nhất một lần mỗi tháng để loại bỏ các chất cặn bã và vi khuẩn gây hại cho sức khỏe.
Sau một thời gian sử dụng, cây nước nóng lạnh bị bám bẩn và đóng cặn, dẫn đến hoạt động kém hiệu quả và chất lượng nước uống không đảm bảo. Vì vậy, vệ sinh cây nước nóng lạnh cần được tiến hành thường xuyên, đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng. Trước khi tiến hành vệ sinh, phải rút phích cắm ra khỏi nguồn điện. Xả hết lượng nước trong bình. Tháo rời từng bộ phận, vệ sinh bằng khăn mềm, sạch. Không dùng các chất tẩy rửa mạnh vì có thể bào mòn, làm hư hại các bộ phận của máy, đặc biệt là có thể gây độc nước uống.
Sử dụng dụng cụ vệ sinh chuyên dụng làm sạch các cặn vôi hóa trong các khe nhỏ ở bồn nước và hai vòi nước. Tuyệt đối không dùng các vật sắc nhọn cậy các chỗ vôi hóa. Sử dụng nước sạch rửa nhiều lần bồn nóng, bồn lạnh; đồng thời lắp lại các bộ phận như ban đầu. Vệ sinh vỏ ngoài cây nước bằng khăn mềm và sạch.
Chuyên gia lưu ý để tiết kiệm điện, người dùng nên điều chỉnh nhiệt độ phù hợp với từng mùa để giảm thiểu công suất tiêu thụ điện của cây nước nóng lạnh, có thể điều chỉnh nhiệt độ phù hợp với từng mùa. Trong mùa hè có thể giảm nhiệt độ của bình chứa nước xuống mức thấp nhất hoặc tắt chế độ làm nóng hoàn toàn. Ngược lại, trong mùa Đông có thể tăng nhiệt độ của bình chứa nước lên mức cao nhất hoặc tắt chế độ làm lạnh hoàn toàn. Bằng cách này sẽ không phải chờ đợi quá lâu để có được ly nước ấm hoặc ly nước lạnh theo ý muốn.
Giải pháp bảo quản, tăng tuổi thọ cây nước nóng lạnh là cần phải có dây tiếp đất, tránh rò rỉ điện. Để ở nơi thông thoáng, tránh nhiệt độ cao, hoặc bị ảnh hưởng do mưa, gió và ánh nắng mặt trời. Không cắm chung ổ điện với các thiết bị điện khác, tránh chập cháy. Sử dụng loại nước uống tinh khiết có chất lượng, tránh loại nước vẩn đục, có chứa tạp chất. Tránh làm cho nước tràn ra bề mặt của cây nước trong quá trình sử dụng. Bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên, đúng cách...