Có nên cấm sử dụng điện thoại khi lái ô tô?

Tại bản đề nghị xây dựng luật mới có tên Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vừa công bố, Bộ Công an đề xuất sẽ cấm sử dụng điện thoại khi điều khiển ô tô.

Theo Bộ Công an, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chỉ có quy định người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy không được sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ), còn người điều khiển ô tô không quy định. Tuy nhiên, Công ước Vienna 1968 bắt buộc luật quốc gia phải quy định người điều khiển phương tiện không được phép sử dụng ĐTDĐ khi phương tiện đang di chuyển.

Từ đó Bộ Công an đề xuất trong luật mới có tên Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cần mở rộng việc cấm sử dụng ĐTDĐ với cả người đang lái ô tô. Pháp Luật TP.HCM ghi nhận nhiều ý kiến góp ý cho đề xuất này.

Ông PHẠM QUYẾT CHIẾN, Tổng giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ vận tải Hai Bảy Bảy:

Cấm là giết chết Google Maps

Ông PHẠM QUYẾT CHIẾN

Trên các loại ĐTDĐ đời mới hiện nay đều gài các phần mềm tìm đường, chỉ dẫn đi đường. Phần mềm Google Maps còn chỉ rõ các khúc đường quanh cua, đèo dốc, ngã ba, ngã tư, loại biển báo, tốc độ cho phép chạy xe. Đây là ứng dụng góp phần tăng tiện ích, an toàn cho người lái xe.

Cạnh đó, với các phần mềm thông minh dùng cho các dịch vụ gọi xe, chỉ đường, tính giá cước… hiện được các hãng taxi sử dụng đã thay cho loại bộ đàm cầm tay có từ hơn 20 năm trước. Sử dụng các ứng dụng thông minh này trên taxi, xe kinh doanh vận tải, người lái không còn phải dùng đến tay nữa. Như vậy, quan ngại về vướng tay, bận bịu với chiếc ĐTDĐ khi lái xe không còn. Cấm sử dụng ĐTDĐ khi lái xe e rằng sẽ “giết chết” Google Maps và những phương thức giao tiếp, đi đường thông minh, hiện đại.

Thực tế cho thấy sử dụng điện thoại cầm tay khi lái xe làm tăng tai nạn giao thông. Ảnh: LƯU ĐỨC

Thực tế cho thấy sử dụng điện thoại cầm tay khi lái xe làm tăng tai nạn giao thông. Ảnh: LƯU ĐỨC

Ông NGUYỄN HOÀNG LONG, Giám đốc Trung tâm Sát hạch lái xe Hoàng Gia:

Chỉ nên khuyến cáo hạn chế dùng, không nên cấm

Ông NGUYỄN HOÀNG LONG

Tại các nước phát triển như Mỹ, Đức, Nhật Bản... đều cho phép sử dụng điện thoại rảnh tay với công nghệ kết nối Bluetooth trên ô tô.

Tuy nhiên, việc vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại (dù không dùng đến tay) là hành vi phân tán sự tập trung của tài xế. Tài xế không ở tư thế sẵn sàng xử lý các tình huống bất ngờ trên đường. Vì thế, vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại liên tục, kéo dài là tiềm ẩn tai nạn và rủi ro.

Hiện nay mọi người hầu như gắn liền với cái ĐTDĐ ở mọi lúc, mọi nơi để giải quyết công việc hằng ngày. Như vậy, không nên cấm sử dụng ĐTDĐ hoặc điện thoại thông minh (dù chỉ là nghe, nói) mà chỉ nên khuyến cáo hạn chế sử dụng khi đang lái ô tô.

Hiện ở các trung tâm, cơ sở đào tạo lái xe của chúng tôi đều có phần hướng dẫn thêm kỹ năng sử dụng ĐTDĐ khi ngồi sau vô lăng. Chúng tôi luôn khuyến cáo người lái chỉ nên trả lời, trao đổi ngắn gọn các cuộc gọi đi, đến. Với các cuộc gọi dài, phải giải quyết cho xong công việc thì bạn nên tấp xe vào lề, dừng xe đúng nơi quy định rồi mới sử dụng ĐTDĐ.

Một chuyên gia đăng kiểm cao cấp:

Sẽ cản đường ngành sản xuất ô tô

Nếu luật mới cấm sử dụng ĐTDĐ khi lái ô tô thì sẽ dẫn đến việc các nhà sản xuất ô tô trong nước không còn gắn các loại thiết bị nối kết thông tin liên lạc (có dây hoặc không dây) trên xe nữa. Như vậy sẽ là một bước lùi đối với ngành sản xuất ô tô trong nước.

Cạnh đó, với các nhà nhập khẩu, hãng xe nước ngoài khi nhập ô tô vào Việt Nam thì họ sẽ không nhập các loại xe có nối kết thông tin hiện đại nữa. Vì nhập về mà cấm dùng thì giá thành xe vẫn cao thì nhập làm gì.

Điều cần lưu ý là Công ước Vienna 1968 ra đời từ thời công nghệ thông tin chưa bùng nổ, không có kiểu điện thoại không cần cầm tay như bây giờ.

Sử dụng điện thoại cầm tay khi lái xe làm tăng tai nạn

Theo TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức, năm 2018, thực hiện quan sát trên 210.000 người điều khiển phương tiện có hành vi sử dụng ĐTDĐ trong khi lái xe tại chín địa điểm tại TP.HCM và Bình Dương cho thấy: Tỉ lệ sử dụng điện thoại khi đang điều khiển phương tiện hằng ngày cao nhất rơi vào nhóm lái xe tải (50%), tiếp đến là lái xe con (39%), nhóm lái xe khách/xe buýt (37%) và thấp nhất là nhóm lái xe máy (8%).

Hình thức sử dụng phổ biến là gọi điện thoại dạng cầm tay và nhắn tin, có rất ít người gọi điện thoại dạng rảnh tay (Bluetooth hoặc tai nghe lotus).

Cần cụ thể hóa hành vi sử dụng điện thoại

Thượng tá TRẦN VĂN THƯƠNG

Nghị định 46/2016 chỉ xử phạt hành vi dùng tay sử dụng ĐTDĐ. Đề xuất của Bộ Công an bỏ hai chữ chỉ hành vidùng tay” và có quy định là “sử dụng ĐTDĐ” với nội hàm rộng hơn gồm cả các hành vi nhìn, nghe, nói.

Thực tế, từ nhiều năm qua, trên các ô tô đã có các giải pháp kỹ thuật kết nối giữa ĐTDĐ với người nghe, sử dụng như lotus (tai nghe có dây hoặc không dây), điện thoại rảnh tay (với công nghệ kết nối Bluetooth).

Hiện nay công nghệ đã phát triển cho ra đời các loại điện thoại mà người sử dụng không cần dùng đến tay, chỉ cần giọng nói đọc số máy, tên người cần gọi là nói, nghe, nhận được cuộc gọi… trong khi hai tay vẫn ôm vô lăng, gạt cần số.

Như vậy, trong đề xuất Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (hoặc nghị định, thông tư dưới luật), rất cần cụ thể hóa hành vi bị cấm là dùng tay hay hành vi nhìn, nghe, nói, nhắn tin… Và cũng rất cần minh định rõ loại phương tiện, thiết bị bị cấm là ĐTDĐ hay cả điện thoại thông minh với các chức năng kết nối nghe, nhìn, nói.

Thượng tá TRẦN VĂN THƯƠNG, nguyên Phó Trưởng phòng CSGT
đường bộ - đường sắt (PC08, CA TP.HCM)

LƯU ĐỨC - HOÀNG TUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/ban-doc/co-nen-cam-su-dung-dien-thoai-khi-lai-o-to-863973.html