Có nên cho trẻ dùng ChatGPT?

Đi kèm mặt tích cực, ChatGPT cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như phát tán thông tin sai lệch, đạo văn hay ảnh hưởng đến vấn đề chép bài của HS, SV...

Ảnh minh họa: INT

Ảnh minh họa: INT

Nếu gia đình bạn có mối quan hệ lành mạnh với công nghệ, tất cả thành viên đều đang cần đến nó thì hãy lập kế hoạch sử dụng một cách hiệu quả. Nhất là đối với con cái, việc đưa ra một chiến lược rõ ràng sẽ giúp trẻ trải nghiệm tốt hơn với Internet.

Sử dụng ChatGPT như thế nào?

Công nghệ đã cung cấp nhiều lợi ích cho xã hội, nhưng cũng mang lại một số tác động tiêu cực không mong muốn mà chính người lớn chúng ta cần giám sát, giải thích cặn kẽ để giúp trẻ có cái nhìn tốt hơn.

Tại Việt Nam, cụm từ “ChatGPT”, “OpenAI” gần đây đã lọt tốp từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất. Ngoài ra, chương trình này cũng trở thành chủ đề được đề cập phổ biến trên mạng xã hội Facebook.

Hiện, ChatGPT như một cơn sốt khiến cho người dùng trên cả thế giới lao vào tìm hiểu, được mệnh danh là AI thông minh nhất thế giới.

ChatGPT đang dần bộc lộ điểm yếu. Do vậy, chuyên gia khuyến cáo việc người trẻ phụ thuộc vào nó sẽ bị nhiễu thông tin khi ứng dụng này chưa hoàn thiện. Đặc biệt, với học sinh, ứng dụng này cũng có thể dẫn đến một số mối lo mà một trong số đó là nguy cơ gian lận. Bên cạnh đó, lạm dụng ChatGPT có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các kỹ năng tư duy của học sinh, sinh viên.

ChatGPT có thể trò chuyện, tạo văn bản, hình ảnh và video mới, thậm chí là làm thơ, viết đơn xin việc, viết mã.

Cô Nguyễn Hương Giang, Trường THPT Ứng Hòa B (Hà Nội) cho rằng, nếu muốn dùng, cha mẹ hãy cùng con xác minh thông tin chéo với những trang tìm kiếm khác để kiểm chứng. Đi kèm với mặt tích cực, ChatGPT cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như phát tán mạnh mẽ những thông tin sai lệch, tiếp tay cho kẻ xấu lừa đảo, “rửa” bản quyền, đạo văn hay ảnh hưởng đến vấn đề chép bài của học sinh, sinh viên.

Chưa kể đến, ChatGPT cũng giống như những trang tìm kiếm thông tin khác, có thể đúng hoặc sai. Nhưng nguy hiểm hơn, khi những thông tin được ChatGPT đưa ra với văn phong khá giống con người, có tính logic cao nên người dùng rất khó để phân biệt được tính chính xác của thông tin.

Trong khi đó, đối với trẻ em, việc xác minh thông tin đúng - sai còn yếu. Do vậy, cha mẹ cần kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng ứng dụng này.

Theo chuyên gia công nghệ Nguyễn Minh Hưng, với nhiều học sinh được cha mẹ cho sử dụng điện thoại cá nhân thì càng cần thiết trong việc quản lý khi sử dụng ứng dụng này. Đây là AI hoạt động trên nền web, chưa có phiên bản ứng dụng di động cài trên điện thoại hay các thiết bị cá nhân. Lợi dụng điều này, không ít nhà phát triển độc lập đã tạo ra nhiều phiên bản ứng dụng sử dụng từ khóa “ChatGPT” gây nhầm lẫn cho người dùng.

Đáng chú ý, chương trình vẫn chưa hỗ trợ đăng ký tài khoản tại Việt Nam, buộc những người muốn dùng thử phải sử dụng một số biện pháp kỹ thuật để đăng ký. Một phương án khác để có tài khoản là tìm kiếm ở những trang chia sẻ miễn phí trên mạng. Điều này khiến nhiều kẻ lừa đảo dụ dỗ trả tiền hoặc nắm được thông tin của người dùng công nghệ. Đây là điều không tốt đối với trẻ, nhất là khi được sử dụng điện thoại riêng.

Cùng nhau thảo luận

Cô Nguyễn Thùy Dương - Chuyên viên tư vấn tâm lý trẻ vị thành niên Trung tâm IG - cho biết, trẻ em thường sử dụng công nghệ khác với người lớn. Việc sử dụng công nghệ của trẻ sẽ thay đổi tùy từng độ tuổi. Cho trẻ sử dụng thiết bị công nghệ theo một thời gian nhất định trong ngày sẽ tạo thói quen cho bé. Tùy thuộc vào độ tuổi để cho trẻ thời gian giải trí.

Đối với trẻ sơ sinh đến 18 tháng tuổi, cần tránh xa các loại màn hình, kể cả tivi. Từ 2 - 5 tuổi, có thể cho trẻ sử dụng tivi, máy tính, smartphone… nhưng một ngày không quá 1 tiếng. Khoảng thời gian sẽ tăng lên 2 tiếng đối với trẻ trên 6 tuổi. Bên cạnh đó, cần phân bổ thời gian hợp lý với giấc ngủ, các hoạt động học tập, ăn uống và tập thể dục…

“Có thể thấy rằng, trẻ sử dụng công nghệ và phương tiện truyền thông để tạo ra một thế giới mà đôi khi người lớn không thể hiểu được. Trong trường hợp này, cha mẹ hãy cố gắng tận hưởng niềm vui và sự nhiệt tình của trẻ ngay cả khi không hiểu tại sao con lại thích thứ gì đó. Thậm chí, muốn gần gũi hơn với trẻ, có thể yêu cầu trẻ dạy cho bạn một trò chơi để bạn hiểu được lý do tại sao bé thích nó đến vậy”, cô Dương nói.

Bên cạnh những lợi ích công nghệ đem lại, việc cho trẻ sử dụng thường xuyên thiết bị công nghệ sẽ gây ảnh hưởng đến nhiều mặt trong cuộc sống, nhất là tâm lý, tính cách.

Nhiều cha mẹ thường hay có thói quen cho con cái sử dụng máy tính, điện thoại hoặc iPad để con đỡ đòi hỏi và ngoan ngoãn nghe lời hơn. Thế nhưng, việc này lại gây ảnh hưởng xấu cho bé vì mỗi lần các con đòi hỏi, cha mẹ lại lấy các thiết bị này ra để dỗ dành.

Các bé sử dụng quá mức và tập trung quá nhiều vào các thiết bị này có thể dẫn đến thói quen không lành mạnh, ảnh hưởng tới sức khỏe. Bên cạnh đó, nó còn ảnh hưởng đến khả năng phát triển ngôn ngữ.

“Việc phụ thuộc quá nhiều vào thiết bị công nghệ sẽ khiến trẻ không dành thời gian trò chuyện, tương tác với mọi người xung quanh. Điều này dẫn đến việc bé ngại giao tiếp, thiếu tự tin, phản xạ kém, khó khăn trong việc giải quyết các tình huống giao tiếp thông thường”, cô Dương khuyến cáo.

Theo cô Dương, sử dụng công nghệ có thể hỗ trợ cho việc học tập của trẻ, đặc biệt nếu nó liên quan đến sở thích của con. Hoặc nó phát huy trí tưởng tượng của trẻ. Tuy nhiên, cần có kế hoạch và cùng nhau thảo luận về nó. Chắc chắn sẽ có những lúc cả gia đình ai cũng dùng đồ điện tử. Vậy hãy phát huy hiệu quả hết mức khoảng thời gian đó bằng cách cùng khám phá, tìm hiểu một chủ đề nhất định.

Ngọc Trang

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/co-nen-cho-tre-dung-chatgpt-post625996.html