Có nên cho trẻ dùng thuốc chống say tàu xe khi đi du lịch?
Say tàu xe là tình trạng phổ biến thường gặp khi di chuyển trên các phương tiện như ô tô, tàu, máy bay… Để ngăn ngừa tình trạng này ở trẻ em, có nên cho trẻ dùng thuốc chống say tàu xe không?
Theo BS. Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng, say tàu xe là một phản ứng bình thường của cơ thể trước sự thay đổi bất thường.
Trẻ em ở độ tuổi từ 9 đến 12 thường có nguy cơ bị say xe nhiều nhất, sau đó tỷ lệ này sẽ giảm dần khi trẻ lớn lên.
Khi gặp tình trạng say tàu xe, trẻ có các biểu hiện như chóng mặt, buồn nôn, nôn, tăng tiết nước bọt, đổ mồ hôi, nóng bức trong người…
Vậy có nên cho trẻ uống thuốc chống say tàu xe khi di chuyển trên các phương tiện tàu, xe, máy bay… hay không?
BS. Nguyễn Huy Hoàng cho biết, thuốc chống say xe thường không được khuyến khích sử dụng cho trẻ em. Thành phần của các loại thuốc này có thể dẫn đến các triệu chứng về mặt thần kinh như chóng mặt, hoảng loạn, tim đập nhanh…
Tuy nhiên, trong trường hợp trẻ đã được áp dụng các biện pháp chống say xe không dùng thuốc mà không đạt được hiệu quả như mong muốn, có thể cho trẻ sử dụng một số loại thuốc chống say dưới đây.
1. Một số loại thuốc chống say xe có thể dùng cho trẻ nhỏ
- Dimenhydrinat: Là thuốc kháng histamin sử dụng để điều trị các triệu chứng như chóng mặt, nôn, say tàu xe… Thuốc có thể dùng cho trẻ trên 2 tuổi. Tùy theo độ tuổi sẽ dùng thuốc với liều lượng khác nhau. Thuốc được bào chế ở dạng viên nén, có thể nghiền, bẻ viên thuốc để trẻ uống dễ dàng hơn.
- Promethazine: Là thuốc kháng histamin giúp chống nôn, phòng ngừa say tàu xe. Thuốc ở dạng viên nén, có thể sử dụng cho trẻ trên 2 tuổi với liều lượng thích hợp. Nên dùng trước giờ khởi hành 30-60 phút để thuốc phát huy tác dụng tốt nhất.
- Diphenhydramine: Là thuốc kháng histamin sử dụng để điều trị các triệu chứng như chóng mặt, nôn, say tàu xe… Thuốc có thể dùng cho trẻ trên 2 tuổi. Tùy theo độ tuổi sẽ dùng thuốc với liều lượng khác nhau. Thuốc được bào chế ở dạng sirô, cồn ngọt thuận lợi cho trẻ sử dụng.
- Scopolamine: Là một thuốc kháng cholinergic, ở dạng miếng dán, hoạt động theo cơ chế cản trở acetylcholine - chất gây kích thích hoạt động tiết nước bọt của cơ thể. Nhờ đó, thuốc có tác dụng giảm tình trạng buồn nôn, nôn ói và các biểu hiện khác khi say xe. Thuốc có thể dùng cho trẻ trên 8 tuổi. Lưu ý cần dán phía sau tai từ 1-4 giờ trước khi khởi hành. Khi di chuyển trên 3 ngày, cần thay miếng dán mới và dán sang bên tai còn lại.
- Meclizine: Là thuốc kháng histamin có tác dụng ngăn ngừa và điều trị buồn nôn, nôn, chóng mặt do say tàu xe. Lưu ý là trẻ trên 12 tuổi mới được dùng, uống trước giờ khởi hành ít nhất một giờ.
2. Lưu ý khi cho trẻ dùng thuốc chống say tàu xe
BS. Nguyễn Huy Hoàng cho biết, tương tự như các loại thuốc khác, thuốc chống say tàu xe có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn khi sử dụng. Một trong tác dụng phụ thường gặp nhất của thuốc chống say xe là buồn ngủ. Ngoài ra thuốc còn có thể gây khô miệng, hoa mắt, nhìn mờ…
Không nên sử dụng thuốc an thần khi đi máy bay, bởi vì sử dụng an thần quá mức kết hợp với áp suất không khí thấp khi bay có thể gây nguy hiểm với trẻ.
Với các thuốc cần kê đơn, bắt buộc phải có chỉ định của bác sĩ mới được cho trẻ sử dụng. Với các thuốc không kê đơn (OTC), cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng sản phẩm để chắc chắn không có chống chỉ định cho trẻ, liều dùng và các tác dụng không mong muốn có thể gặp.
3. Mẹo trị say tàu xe không dùng thuốc
Có thể áp dụng một số mẹo sau đây để giúp giảm bớt tình trạng say xe ở trẻ em:
Tránh cho trẻ xem điện thoại, máy tính bảng hay đọc sách, báo trong khi di chuyển.
Nếu đi ô tô, nên cho trẻ ngồi ở hàng ghế trên cùng, tập trung sự chú ý của trẻ vào nơi khác, ví dụ như nhìn đường, nhìn vật thể ở xa. Nếu đi máy bay, nên để trẻ ngồi ở khu vực ghế gần cánh máy bay để tránh sự rung lắc. Nếu đi thuyền, nên để trẻ ngồi ở boong dưới hoặc cabin.
Ghế ngồi cho trẻ nên để ở trạng thái ngả càng nhiều càng tốt. Sử dụng gối chữ U để cho trẻ tựa đầu, tránh các chuyển động không cần thiết cho phần đầu của trẻ.
Không ăn quá no cũng như không để cơ thể đói quá. Nên ăn nhẹ và ăn nhạt, uống một chút nước, tránh dùng đồ uống có ga, có cồn.
Ăn cam, quýt, bánh quy, bánh mì, trái cây khô hoặc các loại hạt có thể làm giảm tình trạng say tàu, xe. Ngửi tinh dầu cam, quýt, sử dụng gừng tươi và trà gừng cũng có tác dụng tốt.
Ngủ đủ giấc, giữ tinh thần thoải mái. Ngủ trên tàu, xe cũng giúp đỡ bị say.
Có thể mở cửa sổ cho thoáng khí, hạn chế mùi thuốc lá, mùi xăng dầu…
Mời bạn đọc xem tiếp video: