Có nên cúng ông Công ông Táo bằng cá Koi thay cho cá chép?
Dù tục cúng vàng mã và dùng cá chép để tiễn ông Công, ông Táo về trời đã có từ xa xưa nhưng không ít người lại chuyển qua cúng bằng cá Koi Nhật Bản.
Cứ đến ngày 23 tháng Chạp hàng năm, người Việt lại mua cá chép về cúng ông Công ông Táo. Do đó, thị trường về đồ cúng ông Công ông Táo đã sôi động trong nhiều ngày nay và cá chép là một phần không thể thiếu. Trên thực tế, cá chép được lựa chọn để cúng ông Công ông Táo có giá bán lẻ khoảng từ 30.000 – 35.000 đồng/con đối với cá nhỏ, và loại nhỉnh hơn dao động từ 40.000 – 45.000 đồng/con, và loại có kích thước lớn hơn thì có giá từ 50.000 – 55.000 đồng/con.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, trên thị trường xuất hiện loại cá Koi của Nhật Bản. Giống cá này được nuôi ở (Vụ Bản) Nam Định, có giá cao hơn hẳn từ 150.000 – 200.000 đồng/con. Cá Koi cũng thuộc họ nhà cá chép, có màu sắc đỏ, đậm nét hơn cá chép ta. Nếu cá Koi Nhật nhập khẩu giá lên tới hàng triệu đồng một con thì giá Koi Nhật nhập về Việt Nam đã lai tạo chỉ vài trăm nghìn một đôi, size từ 15-20cm. Không ít người dân thấy loại cá mới lạ này sẵn sàng rước về phục vụ cho lễ cúng 23 tháng Chạp. Điều này đã tạo ra nhiều ý kiến trái chiều trên một số diễn đàn.
Nhiều người cho rằng, việc cúng ông Công ông Táo nên thực hiện theo tục lệ truyền thống mà ông cha bao đời truyền lại. Mọi yếu tố ngoại lai đều không phù hợp và có thể khiến cho yếu tố truyền thông bị phai mờ.
Nhiều người lại cho rằng, việc cúng cá chép và đốt vàng mã trong ngày cúng ông Công ông Táo chỉ mang tính biểu tượng tâm linh. Vì thế, cá chép Việt Nam hay cá Koi của Nhật đều được. Tùy vào điều kiện và sự thành tâm của gia chủ.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ giải thích, sở dĩ cúng cá chép vì theo quan niệm dân gian cá chép hóa rồng và bay lên trời. Vì thế cho nên người dân dâng cá chép để ông Công, ông Táo sử dụng làm phương tiện lên chầu trời. Cá Koi vì thế không đúng truyền thống và tâm linh trong lễ 23 tháng Chạp này, không thể thay thế cá chép.
PGS.TS. Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng: “Khi người ta có tiền và có tuệ (trí tuệ) sẽ phú quý sinh lễ nghĩa, còn có tiền mà không có tuệ hoặc tuệ hơi yếu thì no hơi ấm cật dậm giật chân tay. Việc cúng ông Công ông Táo bằng cá chép Việt từ bao đời nay đã thành một nét truyền thống.
Bây giờ cúng bằng cá Koi của Nhật là đi ngược với văn hóa truyền thống. Có thể nó làm cho người ta thỏa mãn về sở thích hoặc khẳng định được đẳng cấp của người có tiền nhưng không có ý nghĩa về mặt tâm linh”.
Theo PGS. Trần Lâm Biền phong tục cúng ông Công ông Táo của dân tộc ta không phải là một hủ tục mê tín dị đoan. Đó là một tín ngưỡng văn hóa dân gian có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được Việt hóa thành huyền tích “2 ông 1 bà” - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc. Tín ngưỡng này thờ cúng các vị thần cai quản việc bếp núc trong mỗi gia đình, theo dõi những việc làm tốt của gia chủ. Tín ngưỡng này giàu ý nghĩa nhân văn, hướng con người tích cực làm việc tốt, sống lương thiện.
Việc “tiễn” ông Công ông Táo “chầu trời” bằng cá chép bởi dân gian quan niệm cá chép sẽ hóa thành rồng, sau đó rồng sẽ bay được lên trời. Ở một số vùng quê hiện nay, người dân vẫn dùng cá chép giấy (tức là đồ mã) thay cho cá chép thật.
Đồng thời, quan niệm dân gian cho rằng cá chép có thể vượt vũ môn hóa rồng. Rồng có khả năng gọi mưa nên rất cần cho cư dân nông nghiệp lúa nước. Ngoài ra, cá chép còn đại diện cho sự phát triển và khả năng sinh sôi rất lớn. Điều này tượng trưng cho tín ngưỡng phồn thực, cầu mong sự sinh sôi, phát triển của người Việt xưa.