Độc đáo trống quân 'vò sành' Liêm Thuận
Trải qua nhiều biến cố thăng trầm nhưng loại hình âm nhạc dân gian hát trống quân ở xã Liêm Thuận vẫn chứng tỏ sức sống mãnh liệt, bền bỉ. Giờ đây, khi đã trở thành di sản cấp quốc gia, tiếng hát trống quân Liêm Thuận càng có cơ hội lan tỏa…
Nghìn năm làn điệu trống quân
“Ai về Liêm Thuận quê ta/Sông, Gừa, Lau, Chảy, Vải, Nga, Thị, Chằm/Xin mời quý khách dừng chân/Lắng nghe câu hát trống quân ngọt ngào”.
Đó là câu hát chào do Nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Huệ bước lên sân khấu trình bày, mở đầu cho màn diễn xướng của CLB hát Trống quân xã Liêm Thuận. Còn người dân Liêm Thuận vẫn “khoe” với khách một cách tự hào rằng, hát trống quân đã có tuổi đời hơn nghìn năm. Theo nghệ nhân Nguyễn Đình Lâu, Liêm Thuận nằm trong vùng văn hóa Liễu Đôi của huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Địa hình xã nằm giữa đồng chiêm trũng, xưa bốn bề nước ngập đến chân tre, người dân đi lại đều phải dùng thuyền. Chính vì điều kiện sinh sống đó mà tục hát trống quân trên thuyền đã ra đời trong những thôn làng cổ, với những cái tên nôm: Lau, Chảy, Gừa, Chằm, Thị…
“Hiện có hai giả thuyết về nguồn gốc hát trống quân ở Liêm Thuận. Thứ nhất là tục hát Trống quân được cụ Trương Nguyên - một vị tướng của Đinh Bộ Lĩnh, cũng là thành hoàng làng Gừa - mang về dạy cho người dân cùng tục vật cầu”, ông Lâu nói.
Ý kiến khác cho rằng, trống quân Liêm Thuận có từ thời Trần. Khi đó, vùng đất này quanh năm nước ngập, với dòng sông La Giang tạo thành con đường thủy thuận tiện nối liền kho lương tại thôn Trần Thương với hành dinh nhà Trần ở Nam Định và vùng Tam Cốc - Ninh Bình. Do đó, các làng cổ ở Liêm Thuận được vua Trần bố trí làm nơi cất giữ lương thảo. Khi thủy quân nhà Trần bơi thuyền canh gác quân lương, họ điểm nhịp trống canh và hát lên những câu hát để xua đi sự cô quạnh trong màn đêm tĩnh mịch. Người này hát, người kia nghe thấy hát theo, ngẫu hứng đối đáp. Cứ như thế, câu hát trống quân hình thành và dần trở nên quen thuộc, ăn sâu vào nếp sống của người dân.
“Người Liêm Thuận vẫn hát trống quân khi bơi thuyền đơm lờ, đơm đó trong đêm, trong lao động hay trong ngày lễ hội. Dù không có người tổ chức nhưng trống quân vẫn tồn tại, lưu truyền suốt một nghìn năm qua, đã chứng tỏ sức sống mãnh liệt của nó”, nghệ nhân Nguyễn Đình Lâu chia sẻ.
Không gian diễn xướng là thuyền, là nước, là trăng
Người Liêm Thuận có thể hát trống quân ở mọi lúc, mọi nơi. Họ có thể hát bài bản vào dịp hội làng, hát chơi khi chèo thuyền trong những đêm trăng, hát khi làm công việc đồng áng, hát ghẹo nam nữ… Trống quân sinh ra từ làng, từ những người sành trống, giòn câu hát; những người lợi khẩu, vừa hát những bài có sẵn, vừa ứng tác.
Đặc biệt, tục hát Trống quân trên thuyền là một sinh hoạt văn hóa rất khác biệt của vùng đất đồng chiêm trũng. Như là lệ chơi, thuyền hát này muốn giao lưu với thuyền hát kia thì sải chèo tới gần, cất lên lời hát chào, có khi là câu chọc ghẹo. Khi thuyền kề mạn, họ bắt đầu nổi trống “thì, thình” là cuộc hát đối bắt đầu. Những buổi hát với trống phách đầy đồng, với thuyền, với nước, với ánh trăng rộn ràng, náo nức…
Theo các nhà nghiên cứu, trống quân có thể bắt gặp ở nhiều nơi, nhưng không gian diễn xướng hoàn toàn được tổ chức trên mặt nước thì chỉ có ở Liêm Thuận. Ngay cả hiện nay, khi cánh đồng làng không còn bị ngập nữa thì hội hát trống quân đúng quy cách vẫn được tổ chức trên hồ nước bên cạnh đình làng Chảy.
Cũng do được diễn xướng hoàn toàn trên thuyền nên trống quân Liêm Thuận có thêm một sự độc đáo nữa. Đó là thay vì trống được hình thành bằng việc đào hố trên mặt đất như ở các nơi khác, người Liêm Thuận sử dụng vò sành làm trống. Trên mặt “trống” để một tấm ván gỗ kín khít miệng vò, sau đó lồng một sợi dây thừng bằng tre ngang qua chính giữa. Tiếp đến, dựng một thanh tre lên làm trụ chống dây, kéo dây thừng bên căng, bên chùng, để khi gõ bật lên những tiếng “thì, thình” độc đáo. Âm thanh được phát ra từ sợi dây thừng truyền vào lòng vò sành, rồi truyền vào lòng thuyền, nhờ mặt nước lan tỏa đến cả cây số. Nghệ nhân Nguyễn Đình Lâu bảo, một chiếc trống Liêm Thuận “chuẩn” thì phải luôn có vò sành và không bao giờ được thay thế dây thừng tre bằng loại chất liệu khác.
Đối với hội hát, theo tục lệ xưa, trước rằm tháng Tám, các làng bắt đầu chuẩn bị thuyền, trống, tuyển chọn đội hát đại diện cho làng mình. Trong ngày hội hát, các làng làm lễ tại đình làng rồi chèo thuyền ra cánh đồng tổ chức hát hội. Ngày hội thi hát đặc biệt đông vui, khi hàng trăm thuyền của các đội hát, thuyền của người dân “chen vai thích cánh” khua chèo chen kín cả cánh đồng. Bên đội nam có ông bầu đứng đầu thì bên đội nữ có bà bầu dẫn đội, họ có nhiệm vụ điều khiển và chấm giải. Hai dãy thuyền nam nữ đậu đối diện nhau, phía sau là thuyền đội dự bị; người xem hát cắm thuyền cách một quãng vừa đủ không gian cho các đội thi, vừa nghe rõ lời hát đối đáp.
Vào cuộc hát, bên kia xướng thì bên này họa, thêm có người bẻ chuyện, đặt lời ca hoặc gợi ý, mách nước khi đội mình lâm vào thế bí. Cũng có khi người xem nhắc bài khi một đội nào đó không đối đáp được. Bên nào thua liền bị thuyền bên kia “bắt” lấy một vài người sang thuyền mình, bao giờ ứng đối được mới trao trả. Mỗi lần như thế không khí hội hát lại náo nhiệt hẳn lên. Cuộc hát cứ thế kéo dài thâu đêm, những con thuyền bồng bềnh chao đảo theo tiếng trống “thì thình” giữa một vùng trăng nước mênh mang. Cho đến lúc trăng tà, đêm tàn, hát tiễn bạn, ông bà bầu trao thưởng cho những đội thắng cuộc, tất cả mới kéo nhau về đình làng làm lễ tế.
“Một điểm khác biệt nữa của trống quân Liêm Thuận là ngoài việc chỉ dùng thể thơ lục bát để diễn xướng, thì âm thứ tư của câu 6 và câu 8 bao giờ cũng phải là âm trắc. Về âm luật thì hai âm phải bằng một phách”, nghệ nhân Nguyễn Đình Lâu cho biết.
Bảo tồn di sản văn hóa chiêm trũng
Với những giá trị độc đáo, cuối năm 2023, nghệ thuật trình diễn dân gian hát trống quân Liêm Thuận được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Theo ông Ngô Thanh Tuân - Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam, đây là cơ sở, là căn cứ pháp lý để các cấp các ngành trong tỉnh đưa ra các phương án bảo vệ di sản.
“Chúng tôi đã đưa ra 10 nội dung bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Trong đó, cần chú trọng bảo tồn không gian văn hóa chiêm trũng, nhất là dòng sông La Giang và các không gian văn hóa lịch sử của địa phương để hát trống quân Liêm Thuận có không gian thực hành”, ông Tuân nói.
Chia sẻ thêm, nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Huệ - Chủ nhiệm CLB hát Trống quân Liêm Thuận cho biết, cuối tháng 11 này, địa phương sẽ tổ chức đón nhận quyết định công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Nhưng từ hơn 20 năm trước, hát trống quân ở Liêm Thuận được người dân chung tay khôi phục. Sau thời gian hoạt động tự phát, nhìn thấy hiệu quả, chính quyền và ngành văn hóa đã cho phép thành lập CLB cấp xã.
Đến nay, CLB có hơn 30 thành viên, trong đó có 2 nghệ nhân là ông Nguyễn Đình Lâu và Phạm Thị Huệ. Cùng với lịch sinh hoạt 2 buổi cố định mỗi tháng, CLB nhận được nhiều lời mời đi hội diễn, giao lưu ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Trống quân Liêm Thuận cũng không “bảo thủ” với một lề lối cũ cứng nhắc mà được sân khấu hóa, có thể trình diễn tại nhiều không gian khác nhau… Hát trống quân cũng đã được các trường học ở địa phương đưa vào các tiết học nhạc hoặc các buổi sinh hoạt ngoại khóa. Nhờ đó, ngay cả các em ở độ tuổi mầm non cũng đã được thực hành diễn xướng trống quân.
“Những người con quê hương luôn dành cho hát trống quân niềm đam mê, tâm huyết, tôi tin rằng câu hát trống quân mượt mà, đằm thắm cùng tiếng trống “thì thình” độc đáo sẽ mãi ngân vang trong những ngày hội làng, hay mỗi dịp Tết đến, Xuân về”, nghệ nhân Phạm Thị Huệ bày tỏ.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/doc-dao-trong-quan-vo-sanh-liem-thuan-post320350.html