Có nên đưa lương, thưởng Tết vào thỏa ước bắt buộc?
Theo giới chuyên môn, nên đưa thưởng Tết, lương tháng 13 vào quy chế nội bộ, hay thỏa ước lao động tập thể để thực hiện bắt buộc.
Không bắt buộc, không có trong nội quy, thỏa ước thế nên cuối năm có những lao động được thưởng tiền tỷ, nhưng cũng có không ít lao động ngậm ngùi không có thưởng. Câu chuyện này cũng đã gây nhiều tranh cãi.
Mới đây, tại hội thảo khoa học về lao động, GS-TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, khuyến nghị tổ chức Công đoàn cần vận động giới chủ đưa thưởng Tết, lương tháng 13 vào quy chế nội bộ, hay thỏa ước lao động tập thể thay vì cứ dịp Tết lại rộ lên câu chuyện công nhân được thưởng Tết bao nhiêu.
Khuyến nghị này cũng đặt ra yêu cầu, tổ chức công đoàn phải có chiến lược dài hơi để bảo vệ được NLĐ, để NLĐ được thực hiện các quyền làm việc, quyền hưởng lương, quyền được hưởng an sinh xã hội.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, pháp luật Việt Nam quy định, tiền thưởng là tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho NLĐ bằng tiền, hiện vật, hoặc các hình thức khác căn cứ vào hiệu quả sản xuất kinh doanh và mức độ hoàn thành công việc của NLĐ.
Nghĩa là, thưởng không bắt buộc. Tuy nhiên, luật quy định, muốn thưởng, người sử dụng lao động phải có quy chế thưởng, phải công khai, có sự tham gia của tổ chức công đoàn.
Trong khi đó, thực tế, lâu nay thưởng đã trở thành một văn hóa tất yếu ở hầu hết các DN. Do đó, khuyến nghị đưa thưởng Tết, lương tháng 13 vào thỏa ước tập thể, hoặc quy định nội bộ thành mức thưởng bắt buộc, thực chất là bản cam kết thực hiện nghĩa vụ thưởng.
Điểm khác ở chỗ, NLĐ sẽ biết được mức thưởng nếu mình hoàn thành công việc, thay vì hàng năm, DN lại phải đưa ra thỏa thuận, sau đó mới công khai.
Đồng tình với khuyến nghị từ PGS-TS Nguyễn Thị Lan Hương, ông Quảng cho rằng, việc này sẽ giúp cho việc thực hiện thưởng là bắt buộc, vừa giúp lao động được hưởng đầy đủ các quyền lợi và cũng tạo sự khích lệ trong công việc.
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Anh Tuấn cũng đồng tình khuyến nghị trên. Theo ông, kế hoạch kinh doanh từ DN thường tính toán cho giai đoạn 5 năm. Họ đều tính toán được mức độ tăng trưởng, nên việc đưa thưởng vào quy chế nội bộ, thỏa ước lao động để thực hiện bắt buộc là bình thường.
Song, ông lưu ý, nếu là những biến động bất thường, cũng nên có những "điểm mở" để việc thực hiện này không vi phạm các điều khoản về pháp luật ảnh hưởng đến công ty.
Báo cáo thưởng Tết trước ngày 25/12
Về vấn đề thưởng Tết, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TBXH) vừa có công văn gửi Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố liên quan về việc tổng hợp, báo cáo tiền lương, thưởng, nợ lương của các doanh nghiệp trên địa bàn.
Theo đó, cơ quan này yêu cầu lãnh đạo các Sở LĐ,TBXH chủ động phối hợp với ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, liên đoàn lao động cấp tỉnh và các đơn vị liên quan nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của DN, nhất là những DN gặp khó khăn khi bị cắt đơn hàng, giảm việc làm của NLĐ.
Từ đó, Bộ đề nghị các đơn vị có giải pháp phù hợp để hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phục hồi, phát triển thị trường lao động...
Bộ này cũng yêu cầu các tỉnh cần khảo sát, nắm tình hình thực hiện quy định về lương tối thiểu, trả lương, tiền thưởng, nợ lương và kế hoạch thưởng Tết theo kết quả sản xuất, kinh doanh cho NLĐ ở các DN. Báo cáo về Bộ trước ngày 25/12.