Có nên duy trì lực lượng lâm nghiệp xã?

Lực lượng lâm nghiệp xã qua 6 năm thành lập đã đóng góp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng ở địa phương. Trước yêu cầu tăng cường hơn nữa hiệu quả hoạt động quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn, nhiều sở, ngành của Lâm Ðồng đề xuất nên chuyển đổi lực lượng này trở thành lực lượng chuyên trách ở các đơn vị chủ rừng. Ðây là vấn đề đặt ra khá quan trọng và bức thiết đối với công tác quản lý, bảo vệ hiện nay ở Lâm Ðồng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đề xuất giao trách nhiệm bảo vệ rừng từ lực lượng lâm nghiệp xã sang lực lượng chuyên trách của chủ rừng.

Phối hợp tuyên truyền và tuần tra bảo vệ rừng

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 95 xã với mỗi xã có tổng diện tích rừng từ 500 ha trở lên được thành lập Ban Lâm nghiệp hoạt động 6 năm qua, tổng số gần 1.500 thành viên, trong đó có 116 kiểm lâm phụ trách địa bàn. Theo Quyết định 05, ngày 8/2/2013 của UBND tỉnh Lâm Đồng, thành phần Ban Lâm nghiệp xã do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban. Thành viên gồm đại diện các ban, ngành cấp xã như công an, quân đội, địa chính, kiểm lâm địa bàn, chủ rừng, các tổ chức mặt trận, nông dân, phụ nữ. Ban Lâm nghiệp xã chịu sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của UBND cấp xã, đồng thời chịu sự chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của Hạt Kiểm lâm sở tại.

“6 năm qua, công tác trọng tâm của Ban Lâm nghiệp xã trên địa bàn Lâm Đồng là hoạt động phối hợp tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức cộng đồng dân cư về quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Qua đó, Nhân dân đã phát hiện, phản ánh tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác, mua bán lâm sản trái phép, gây cháy rừng…, góp phần giúp cơ quan chức năng kịp thời ngăn chặn và xử lý nhiều trường hợp vi phạm, từng bước hạn chế thiệt hại xảy ra…”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đánh giá.

Cụ thể, Ban Lâm nghiệp xã đã phối hợp với kiểm lâm địa bàn tổ chức tuyên truyền pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng thông qua lồng ghép gần 2.200 cuộc họp, thu hút hơn 113.430 lượt người tham gia; cấp phát 2.220 tờ rơi và áp phích với khẩu hiệu hành động “không tham gia tiếp tay cho những đối tượng phá hoại rừng!”; vận động cơ sở chế biến lâm sản, nhà hàng, quán ăn, hộ gia đình ký hơn 13.310 bản cam kết không lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép, bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã. Bên cạnh đó, Ban Lâm nghiệp xã còn chủ động phối hợp với nhiều lực lượng như địa chính, kiểm lâm, đơn vị chủ rừng tham gia xác định ranh giới các khu rừng, giúp UBND xã tăng cường hiệu quả quản lý địa bàn; đồng thời lựa chọn các hộ gia đình (ưu tiên hộ đồng bào dân tộc thiểu số địa phương) để được nhận giao khoán quản lý bảo vệ rừng, tăng thu nhập. Đáng kể thêm, Ban Lâm nghiệp xã đã phối hợp với đơn vị chủ rừng, Hạt Kiểm lâm tham gia phòng cháy chữa cháy rừng với 171 vụ, lập biên bản gần 4.550 vụ vi phạm về quản lý bảo vệ rừng.

Luật Lâm nghiệp mới không quy định tổ chức Ban Lâm nghiệp xã

Kết quả trên cho thấy, hoạt động của Ban Lâm nghiệp xã trên địa bàn Lâm Đồng trong 6 năm qua tương đối thường xuyên và liên tục. Đây là mô hình cần thiết và đúng hướng trong việc thực hiện xã hội hóa nghề rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn năm 2013 - 2019.

Tuy nhiên, bắt đầu ngày 1/1/2019, Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn có hiệu lực thi hành đã không quy định về tổ chức Ban Tổ chức lâm nghiệp xã.

Trong khi đó, theo đánh giá của các Sở Nông nghiệp, Tư pháp, Nội vụ Lâm Đồng…thì kinh phí hoạt động của tất cả 95 Ban Lâm nghiệp xã chỉ hơn 1,5 tỷ đồng/năm, chưa tạo động lực để từng thành viên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hệ quả không ít Ban Lâm nghiệp xã đã không nắm bắt hoặc nắm bắt không kịp thời để phối hợp với các lực lượng kiểm lâm, chủ rừng… để cùng ngăn chặn, xử lý tình trạng ken cây đổ hóa chất hủy hoại, khai thác rừng trái phép, lấn chiếm đất rừng tại các xã như: Tân Thanh, Phúc Thọ (Lâm Hà); N’Thôl Hạ, Hiệp Thạnh, Đà Loan (Đức Trọng); Phi Liêng, Liêng Srônh (Đam Rông); dọc tuyến đường 723 (Lạc Dương); Lộc Ngãi, Lộc Phú, Lộc Tân, Lộc Bảo, Lộc Bắc (Bảo Lâm); Phường 12, xã Tà Nung (Đà Lạt); Đạ Pal (Đạ Tẻh)…

Từ những căn cứ vừa nêu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng tiếp tục đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét, giao trách nhiệm bảo vệ rừng từ lực lượng Ban Lâm nghiệp xã sang lực lượng chuyên trách của chủ rừng và UBND cấp xã. Tuy nhiên, trong thời gian chờ chuyển đổi, Ban Lâm nghiệp xã vẫn phải tiếp tục phân công trách nhiệm cụ thể của từng thành viên trong việc phối hợp tuyên truyền và tăng cường tuần tra bảo vệ rừng, quyết tâm đạt mục tiêu trong năm 2019 góp phần giảm 20% số vụ vi phạm và mức độ xâm hại rừng so với năm 2018.

VĂN VIỆT

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/phapluat/201907/co-nen-duy-tri-luc-luong-lam-nghiep-xa-2957171/