Có nên giảm dư nợ cấp tín dụng cho mỗi khách hàng?
Việc giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng từ 15% xuống 10% và giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng cho khách hàng và người có liên quan từ 25% xuống 15% vẫn đang nhận được nhiều ý kiến đa chiều.
Đề xuất một khách hàng không được vay quá 10% vốn tự có của ngân hàng
Tại Mục 1 và Mục 2, Điều 136 Dự thảo Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD) sửa đổi về Giới hạn cấp tín dụng quy định: “1. Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 10% vốn tự có của ngân hàng thương mại… ; tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại…”.
Theo giải trình của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), quy định về giới hạn cấp tín dụng một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan tại TCTD là kế thừa quy định của Luật các TCTD năm 2010. Điều này hướng tới mục tiêu giảm rủi ro tập trung tín dụng tại các TCTD và đồng thời đảm bảo nguồn vốn tín dụng được phân bổ tới nhiều khách hàng, bao gồm cả những khách hàng nhỏ lẻ, gia tăng việc tiếp cận tín dụng của các DN, khách hàng, hạn chế việc chỉ tập trung vốn tín dụng cho các khách hàng, nhóm khách hàng lớn.
NHNN cho biết: Các giới hạn cấp tín dụng hiện nay đang được xây dựng trên cơ sở tính toán vốn tự có của TCTD từ năm 2010. Từ năm 2010 đến nay vốn tự có của các TCTD đã tăng đáng kể (khối TCTD nhà nước tăng từ 6 đến 10 lần, khối NHTMCP tăng khoảng từ 3 đến 10 lần, khối TCTD nước ngoài/chi nhánh ngân hàng nước ngoài tăng từ 2 đến 8 lần).
Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật TNHH ANVI cho rằng: “Ngày xưa quy mô các ngân hàng còn nhỏ, nếu giới hạn dư nợ cấp tín dụng với một khách hàng là 10% thì quá thấp, quá ít. Giờ quy mô vốn tự có của ngân hàng tăng lên hàng chục lần thì mức 10% này là hợp lý để đảm bảo sự an toàn cho hệ thống, tránh rủi ro khi tập trung cho vay một khách hàng”, ông Đức phân tích.
Thảo luận tại hội trường về dự án Luật các Tổ chức tín dụng chiều 23/11/2023, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cũng nêu vấn đề cần sửa đổi quy định về giới hạn cấp tín dụng, giảm mức dư nợ tín dụng tối đa đối với một khách hàng và người có liên quan để hạn chế tập trung vốn tín dụng cho một khách hàng hay nhóm khách hàng lớn. Tuy nhiên, việc quy định giảm ngay giới hạn cấp tín dụng xuống 10% và 15% so với giới hạn hiện tại là 15% và 20% cũng sẽ gây tác động đột ngột đến hoạt động của các TCTD, khiến các TCTD gặp khó khăn.
Nhiều biện pháp để hạn chế rủi ro cho ngân hàng
Hồi tháng 6, khi thẩm tra nội dung này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đề nghị cân nhắc việc sửa đổi các giới hạn cấp tín dụng.
Bởi vì theo Ủy ban Kinh tế, việc giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng sẽ tác động ngay đến nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa thực sự là kênh huy động vốn ổn định cho nền kinh tế và còn nhiều rủi ro.
Cơ quan này cũng lo ngại việc mở rộng định nghĩa về người có liên quan đồng thời với việc thu hẹp tổng mức tín dụng được cấp cho một khách hàng và người có liên quan sẽ gây tác động bất lợi kép cho cả khách hàng và ngân hàng. Bên cạnh đó, trường hợp vay hợp vốn hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ sẽ mất thêm nhiều thời gian, thủ tục hơn do giới hạn cấp tín dụng thu hẹp hơn so với luật hiện hành.
“Thông lệ quốc tế đều quy định ở mức tỷ lệ cao hơn (khoảng 25%) so với quy định tại dự thảo luật”, Ủy ban Kinh tế nêu quan điểm.
“Ngày xưa các dự án đều có quy mô nhỏ nên không cần vay vốn ngân hàng nhiều, giờ toàn những dự án hàng chục nghìn, trăm nghìn tỷ thì việc giảm mức dư nợ cấp tín dụng này sẽ khiến các dự án đói vốn”, đại diện một DN lo lắng.
Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế xã hội, băn khoăn: Đây là vấn đề sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Không rõ NHNN đã có báo cáo đánh giá tác động đề xuất này như thế nào, đã nắm được số liệu tổng thể đối tượng bị tác động của quy định mới này hay chưa? Với những DN đã vay vượt mức, thì họ có sắp xếp được tài chính để tuân thủ quy định mới này mà không gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hay không. Họ có tìm được kênh tín dụng khác để bù đắp cho việc bị giảm cấp vốn hay không.
Chia sẻ với PV.VietNamNet, Ths Trần Minh Pháp, Công ty Luật TNHH Passio Lawyers, cho rằng: Khi nghiên cứu tài liệu thuyết minh đính kèm dự thảo, ông hiểu được mục đích của việc điều chỉnh tỉ lệ này là nhằm hạn chế việc tập trung nguồn vốn cấp tín dụng cho một hoặc một nhóm khách hàng duy nhất, từ đó sẽ phân tán được rủi ro.
Song, theo ông, việc hạn chế tỷ lệ cấp tín dụng cho một khách hàng này sẽ làm giảm khả năng tiếp cận vốn cho các dự án có nhu cầu vốn lớn. DN sẽ không đủ khả năng để thực hiện các dự án lớn, các dự án trọng điểm trong giai đoạn phục hồi, phát triển của nền kinh tế. Khi đó thì “con đường” cấp tín dụng hợp vốn là sự lựa chọn hoàn hảo.
Tuy nhiên, để đáp ứng các điều kiện cho một khoản cấp tín dụng hợp vốn là điều hoàn toàn không dễ dàng bởi lẽ chính sách cấp tín dụng, khẩu vị rủi ro giữa các tổ chức tín dụng là khác nhau và để được cấp tín dụng thì khách hàng chắc chắn phải trải qua nhiều trình tự, thủ tục cũng như phải đáp ứng rất nhiều điều kiện vô cùng khó khăn.
Chẳng hạn như ngân hàng này đồng ý cấp vốn vì đánh giá dự án đó là tốt, rủi ro thấp, nhưng ngân hàng khác lại nói không vì khẩu vị rủi ro của họ khác. Khách hàng cần nguồn vốn lớn khi đó sẽ bị tắc.
Việc giảm tỉ lệ giới hạn cấp tín dụng đồng thời sẽ kéo theo một lượng vốn sẽ bị cắt giảm trên thị trường, trong bối cảnh các doanh nghiệp vốn đã gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và việc suy thoái kinh tế toàn cầu, nay sẽ lại càng khó khăn hơn vì không đủ vốn để duy trì hoạt động kinh doanh.
Để phân tán và hạn chế rủi ro cho các ngân hàng, ông Pháp nêu quan điểm: Thay vì giảm tỷ lệ cấp tín dụng thì xem xét theo hướng quy định chặt hơn về điều kiện cấp tín dụng so với hiện nay. Khi một dự án tốt, đáp ứng các điều kiện theo quy định sẽ được cấp nguồn vốn tương xứng.
Và khi tập trung cấp vốn vào một dự án tốt sẽ đảm bảo hơn là cấp vốn dàn trải cho nhiều dự án với độ rủi ro cao, việc này đảm bảo mục đích ban đầu mà cơ quan quản lý hướng đến - Ths Trần Minh Pháp góp ý.