Có nên giảm thuế môi trường để 'giải cứu' hàng không?

Vietravel Airlines vừa có đề nghị xem xét điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu đối với nhiên liệu hàng không xuống 0% (so với mức 7% hiện nay) và điều chỉnh giảm thuế môi trường về 1.000 đồng/lít.

Xin miễn thuế môi trường, phụ thu phí nhiên liệu vì giá xăng tăng

Mới đây, hãng hàng không Vietravel Airlines vừa có văn bản gửi Thủ tướng và các cơ quan liên quan đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hàng không.

Theo Vietravel Airlines, ngành hàng không hiện đang gặp nhiều khó khăn khi chi phí nhiên liệu tăng, lạm phát và người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu do kinh tế phục hồi chậm sau đại dịch. Vietravel Airlines đề xuất đẩy nhanh gói hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp hàng không. Đồng thời, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022, giảm thuế VAT xuống mức 5% để kích thích thị trường.

Vietravel Airlines cũng đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan chức năng xem xét điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu đối với nhiên liệu hàng không xuống 0% (so với mức 7% hiện nay) và điều chỉnh giảm thuế môi trường về 1.000 đồng/lít.

Ngoài ra, hãng cũng mong muốn được hỗ trợ giảm 50% giá dịch vụ ngành hàng không; bổ sung điều khoản cho phép hãng hàng không được chủ động áp dụng phụ thu nhiên liệu đối với các đường bay nội địa nếu giá Jet A1 tăng cao từ 100 USD/thùng trở lên.

Hãng hàng không Vietravel Airlines tiếp tục đề xuất giảm thuế nhiên liệu bay. (Ảnh minh họa)

Trước đó, trong văn bản gửi các Bộ Tài chính, Giao thông Vận tải, Vietnam Airlines cũng đã kiến nghị Bộ Tài chính xem xét báo cáo Thủ tướng phê duyệt phương án áp dụng chính sách miễn 100% thuế môi trường đối với nhiên liệu máy bay trong năm 2022 (hiện đang áp dụng mức giảm 50%) để giảm bớt gánh nặng tài chính cho các hãng hàng không. Hãng bay này dự tính sẽ giảm được 600 tỷ đồng chi phí nhiên liệu trong năm 2022.

Bên cạnh đề xuất giảm thuế, Vietnam Airlines cũng kiến nghị Bộ GTVT xem xét điều chỉnh giá trần áp dụng từ 1/4/2022 cũng như chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án cho phép hãng hàng không được thu phụ thu nhiên liệu cho các chặng bay nội địa.

Theo đó, Vietnam Airlines cho rằng, việc miễn thuế bảo vệ môi trường cần có thời gian nghiên cứu, đánh giá, đặc biệt là xác định và quy định các mức phụ thu theo các mức giá dầu để đảm bảo tính phù hợp, đúng nghĩa góp phần bù đắp kịp thời chi phí cho các hãng khi giá dầu tăng.

Vì vậy, hãng hàng không quốc gia Việt Nam đề nghị, trước mắt, phương án sửa đổi quy định về giá trần sẽ khả thi và kịp thời hơn.

Giảm thuế BVMT đối với xăng dầu là điều bất hợp lý

Liên quan đến vấn đề giảm thuế bảo vệ môi trường, phát biểu tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV, Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (TP.Hà Nội) cho rằng, việc xem xét điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu trong thời điểm hiện nay là cần thiết để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng trước áp lực giá cả, tuy nhiên giảm sắc thuế nào cần tính toán lại.

Đại biểu cho rằng giảm thuế môi trường có ba điểm bất hợp lý như sau: Thứ nhất, sẽ không phù hợp với bản chất thuế bảo vệ môi trường. Vì thuế bảo vệ môi trường đánh vào mặt hàng gây ô nhiễm, mức thuế được xây dựng trên mức độ gây ô nhiễm. Nếu giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu sẽ dẫn đến một nghịch lý đó là có những đối tượng có thể gây ô nhiễm cao thì thuế suất thấp nhưng những đối tượng gây ô nhiễm thấp có thể phải chịu thuế cao.

Thứ hai, đối với xăng dầu đã mua dự trữ bắt buộc theo quy định đã chịu mức thuế bảo vệ môi trường hiện hành là 4.000 đồng nhưng khi bán ra sau thời điểm giảm thuế chắc chắn sẽ phải chịu lỗ và điều này chưa phù hợp với nguyên tắc điều hành giá cả, là phải đảm bảo lợi ích của các bên. Nếu lựa chọn một sắc thuế khác thì sẽ không phát sinh nghịch lý này.

Thứ ba, xét về kinh nghiệm quốc tế hiện nay đối với các quốc gia sử dụng công cụ thuế để điều tiết bình ổn giá cả thì đều lựa chọn các sắc thuế khác như thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu… Như đối với Canada, Anh và Bồ Đào Nha hiện nay đang lựa chọn giảm thuế VAT, đối với Ấn Độ, Thái Lan, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt…

Đại biểu cho rằng việc dùng công cụ thuế để điều tiết giá cả trong một số trường hợp là cần thiết, tuy nhiên, lựa chọn sắc thuế nào để không phát sinh nghịch lý này. Bà cũng dẫn trường hợp các quốc gia điều tiết giá xăng dầu đều chọn giảm thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, hay thuế nhập khẩu...

Bỏ giá trần sẽ tạo rủi ro cho người tiêu dùng

Theo TS. Ngô Trí Long lại cho rằng việc bỏ giá trần cũng tạo ra rủi ro cho thị trường đặc biệt là người tiêu dùng.

“Hàng không là lĩnh vực đặc thù giống như xăng dầu, Nhà nước cần quản lý, không thể bỏ được giá cơ sở. Đối với các ngành hàng không, một doanh nghiệp chỉ cần chiếm khoảng 30% đã được coi là thống lĩnh thị trường và Nhà nước cần có sự điều tiết giá. Hiện nay, hàng không chỉ có một vài hãng thống lĩnh thị trường. Nếu bỏ giá trần ngay sẽ tạo ra sự biến động đột ngột, ảnh hưởng đến thị trường đặc biệt là người tiêu dùng”, ông Long đánh giá.

Ông Long cho rằng: “Khi nào trên thị trường có cạnh tranh thực sự, cạnh tranh thuần túy, không có những doanh nghiệp ở vị trí thống lĩnh thì bấy giờ Nhà nước không cần can thiệp mà để thị trường tự quyết định, doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ tự quyết định. Còn bây giờ chưa có sự cạnh tranh đầy đủ thì Nhà nước vẫn cần phải can thiệp để bảo vệ người tiêu dùng".

Hà Lan

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/co-nen-giam-thue-moi-truong-de-giai-cuu-hang-khong-65235.html