Có nên giới hạn số lần tòa được nghị án kéo dài?

Thực tế có trường hợp sau khi nghị án kéo dài, HĐXX quay lại phần hỏi để sau đó tiếp tục nghị án kéo dài nhằm kéo dài thời gian giải quyết vụ án.

Vừa qua (ngày 12-6), Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức hội thảo Góp ý sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 từ yêu cầu của thực tiễn xét xử.

Chưa có quy định "được nghị án kéo dài bao nhiêu lần"

Tại hội thảo, ThS Lê Duy Bảo Chinh (kiểm sát viên VKSND quận Gò Vấp, TP.HCM) trình bày thực tiễn áp dụng quy định về nghị án và hướng hoàn thiện.

 ThS Lê Duy Bảo Chinh trình bày tại hội thảo. Ảnh: UL

ThS Lê Duy Bảo Chinh trình bày tại hội thảo. Ảnh: UL

Theo đó, khoản 4 Điều 264 BLTTDS 2015 quy định trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, việc nghị án đòi hỏi phải có thời gian dài thì HĐXX có thể quyết định thời gian nghị án nhưng không quá 5 ngày làm việc kể từ khi kết thúc tranh luận tại phiên tòa.

Quy định này nhằm tạo điều kiện để HĐXX có thêm thời gian xem xét, đánh giá toàn diện các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đối với những vụ án phức tạp để từ đó đưa ra một phán quyết công bằng, khách quan, toàn diện. Tuy nhiên, từ thực tiễn thi hành thủ tục nghị án đã phát sinh một số bất cập.

Bà Chinh ví dụ bằng vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất, tranh chấp hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại TAND quận A, TP.HCM. Sau khi thụ lý, ngày 10-1-2023, tòa án đưa vụ án ra xét xử nhưng tạm ngừng để thu thập chứng cứ. Hết thời hạn tạm ngừng, HĐXX ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án vì lý do tạm ngừng phiên tòa chưa được khắc phục.

Vụ án tiếp tục được xét xử vào ngày 3-4-2023. Sau khi kết thúc phần tranh luận, VKS phát biểu ý kiến, HĐXX đã nghị án và quyết định nghị án kéo dài đến ngày 10-4-2023. Tại phiên tòa ngày 10-4-2023, HĐXX quay lại phần hỏi và vụ án được bắt đầu lại từ phần hỏi. Sau đó, HĐXX tiếp tục kéo dài thời gian nghị án đến ngày 24-4-2024. Tuy nhiên, tại phiên tòa ngày 24-4-2023, HĐXX tiếp tục quay lại phần hỏi và không tuyên án trong phiên tòa này. HĐXX kéo dài thời gian nghị án đến ngày 25-4-2023 mới tuyên án.

Bà Chinh đặt vấn đề: Việc HĐXX kéo dài nghị án qua nhiều ngày (3 lần nghị án kéo dài) liệu có phù hợp? Việc nghị án kéo dài ảnh hưởng như thế nào đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự?

“Theo biên bản phiên tòa các ngày 10-4-2023 và 24-4-2023, tại các phiên tòa này đương sự không cung cấp thêm chứng cứ nào mới, nội dung các câu hỏi xoay quanh các tình tiết đã thể hiện rõ ràng trong hồ sơ vụ án.

Do đó, tôi cho rằng việc HĐXX quay lại phần hỏi để sau đó thời gian nghị án được bắt đầu lại là thủ thuật nhằm kéo dài thêm thời gian giải quyết vụ án. Bởi lẽ, nội hàm của Điều 326 chỉ quy định thời gian tối đa được nghị án kéo dài là 5 ngày làm việc, còn vấn đề HĐXX được nghị án kéo dài bao nhiêu lần thì vẫn chưa có hướng dẫn” - bà Chinh nói.

Đồng thời, theo bà Chinh, việc quy định “Trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, việc nghị án đòi hỏi phải có thời gian dài thì HĐXX có thể quyết định thời gian nghị án” nhưng không minh định rõ tiêu chí nào để một vụ án được xem là có tình tiết phức tạp vô hình chung dẫn đến trường hợp nhiều vụ án dù tài liệu, chứng cứ được thu thập khá đầy đủ, các tình tiết rõ ràng nhưng HĐXX vẫn không tuyên án ngay mà kéo dài thời gian nghị án đến ngày hôm sau hoặc nhiều ngày kế tiếp.

Không nên giới hạn số lần nghị án kéo dài

Trong khi đó, theo ThS.NCS Huỳnh Quang Thuận (Trường ĐH Luật TP.HCM), BLTTDS không nên có quy định giới hạn số lần nghị án kéo dài. Bởi lẽ, mục đích của việc nghị án là để HĐXX trao đổi, biểu quyết các vấn đề trong vụ án và đưa ra kết luận sau cùng trong bản án, quyết định. Việc giới hạn số lần nghị án của HĐXX vô hình chung sẽ tạo “sức ép” lên việc ra bản án, quyết định của HĐXX; và điều này có thể khiến bản án, quyết định không đảm bảo về mặt chất lượng.

Mặt khác, theo ThS Thuận, Điều 265 BLTTDS quy định trong quá trình nghị án, nếu xét thấy có tình tiết của vụ án chưa được xem xét, việc hỏi chưa đầy đủ hoặc cần xem xét thêm chứng cứ thì HĐXX quyết định trở lại việc hỏi và tranh luận. Quy định này không giới hạn việc HĐXX được quay trở lại việc hỏi và tranh luận bao nhiêu lần, vì mục đích là đảm bảo HĐXX có đủ thông tin, tài liệu, chứng cứ để ra bản án, quyết định một cách chính xác, khách quan nhất.

"Và tương ứng với điều đó, chúng ta cũng không nên giới hạn số lần nghị án kéo dài của HĐXX" - ông Thuận nêu.

Cần hướng dẫn về vụ án phức tạp

Trong khi đó, luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM) chia sẻ trong quá trình hành nghề ông đã gặp nhiều vụ án tòa nghị án kéo dài nhiều lần, khi mở lại thì quay lại phần hỏi, tranh luận. Mà sau khi quay lại phần hỏi thì tòa lại hỏi về vấn đề trước đó các bên đã trình bày nhiều lần, hỏi không có "tính mới".

Việc lặp lại quy trình tố tụng nhiều lần khiến vụ án kéo dài rất lâu và ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của các bên, dẫn đến việc xét xử bị kéo dài, quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự không được bảo vệ kịp thời, không phát huy được trách nhiệm của HĐXX trong việc giải quyết vụ án.

Theo luật sư Tuấn, để hạn chế phần nào việc nhiều lần nghị án kéo dài, HĐXX nên xem xét tất cả các chứng cứ, các vấn đề làm rõ tại phần hỏi, phần tranh luận của vụ án, tránh trường hợp nghị án kéo dài rồi quay lại phần hỏi, phần tranh luận để làm rõ nội dung đã hỏi trước đó dù không có gì mới.

Cạnh đó, luật sư Tuấn cho rằng luật cũng chưa quy định rõ vụ án có nhiều tình tiết phức tạp là vụ án như thế nào, tiêu chí để xác định vụ án phức tạp. Chính điều này cũng là nguyên nhân khiến các thẩm phán rất tùy nghi khi quyết định nghị án kéo dài.

Vì vậy, theo luật sư Tuấn cần có hướng dẫn cụ thể về vụ án phức tạp. Chẳng hạn vụ án phức tạp có thể là vụ án có nhiều người tham gia tố tụng; vụ án có nhiều tài liệu, chứng cứ và có nhiều người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan...

YẾN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/co-nen-gioi-han-so-lan-toa-duoc-nghi-an-keo-dai-post797460.html