Có nên hạ mức phạt?
Bộ Công an đang lấy ý kiến dự thảo nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe…
Trong đó, thông tin thu hút sự chú ý của dư luận là đề xuất hạ mức phạt hành chính vi phạm nồng độ cồn chưa vượt quá 0,25mg/lít khí thở hoặc chưa vượt quá 50mg/100ml máu.
Theo quy định hiện hành, đối với người điều khiển ô tô, mức phạt tiền hành vi vi phạm này là 6-8 triệu đồng. Trong khi theo đề xuất mới, mức phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng, tức giảm khoảng 7 lần.
Tương tự, đối với người điều khiển mô tô, xe máy, mức phạt tiền theo quy định hiện hành với lỗi vi phạm nồng độ cồn chưa vượt quá 0,25mg/lít khí thở hoặc chưa vượt quá 50mg/100ml máu là 2-3 triệu đồng, được đề xuất giảm xuống mức 400.000-600.000 đồng.
Xin được lưu ý, mức vi phạm nồng độ cồn chưa vượt quá 0,25mg/lít khí thở hoặc chưa vượt quá 50mg/100ml máu là khung thấp nhất, có nghĩa người điều khiển có sử dụng rượu, bia nhưng ở mức độ ít.
Đã có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này. Quan điểm ủng hộ cho rằng, mức phạt được đề xuất trong dự thảo nghị định mới là phù hợp với tính chất, mức độ vi phạm. Thực tế, khi áp dụng mức phạt rất cao, đời sống dân sinh, xã hội chịu ảnh hưởng, nhất là với người lao động thu nhập thấp; ngành sản xuất rượu, bia giảm sút, tác động đến thu ngân sách. Việc hạ mức phạt ở khung vi phạm nồng độ cồn thấp không thay đổi quá nhiều thực trạng sử dụng rượu, bia, mà vẫn đủ răn đe và hạn chế tác động tiêu cực. Mặt khác, mức vi phạm chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc chưa quá 0,25mg/lít khí thở có nghĩa uống không quá nhiều, ít gây nguy hiểm, nên mức xử phạt cần mang tính giáo dục nhiều hơn. Mức phạt phù hợp làm cho người vi phạm dễ chấp nhận, tuân thủ hơn, mà không dẫn đến các phản ứng tiêu cực khác.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, không ít ý kiến lo ngại việc hạ mức phạt hành chính có thể làm cho vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện gia tăng; hiệu lực răn đe, ngăn chặn vi phạm giảm sút. Thực tế cho thấy, từ khi áp dụng quy định cấm hoàn toàn việc điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu, bia và xử phạt rất nặng hành vi vi phạm này, tỷ lệ vi phạm quy định về nồng độ cồn giảm hẳn, góp phần kiềm chế số vụ tai nạn giao thông, bởi trước đó, điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã sử dụng rượu, bia là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tai nạn giao thông.
Trở lại với việc khi xây dựng quy định cấm hoàn toàn nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông, cũng đã có rất nhiều ý kiến tranh luận nên hay không? Và cuối cùng, việc cấm hoàn toàn được quyết định, bởi lẽ ý thức chấp hành quy định, ý thức bảo đảm an toàn giao thông cho bản thân và cộng đồng, hay nói chung là văn hóa giao thông an toàn của nhiều người khi tham gia giao thông còn kém.
Với cách tiếp cận này, khái niệm ngưỡng sử dụng rượu, bia an toàn khi điều khiển phương tiện bị loại bỏ do bản thân người uống rượu, bia rất khó ý thức được việc sử dụng đúng mực, uống thế nào là vừa đủ. Vì thế, khi giảm mức phạt sẽ dễ dẫn đến nhiều người có suy nghĩ uống ít, mức phạt thấp nên vẫn điều khiển phương tiện sau khi đã uống rượu, bia mà quên rằng đây là hành vi bị cấm.
Giảm mức phạt hành chính với vi phạm nồng độ cồn ở mức thấp có thể coi là nhân văn. Song với cách tiếp cận như ngay từ khi xây dựng quy định cấm điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu, bia nhằm xây dựng ý thức và văn hóa giao thông an toàn, có lẽ nên giữ nguyên mức xử phạt hành chính hiện hành.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/co-nen-ha-muc-phat-674088.html