Có nên hợp pháp hóa mại dâm?
Tệ nạn mại dâm ở nước ta diễn biến ngày càng phức tạp. Do công tác quản lý, xử lý tệ nạn mại dâm gặp khó khăn nên có nhiều ý kiến đề xuất nên hợp pháp hóa hoạt động mại dâm và công nhận nghề mại dâm như một số nước trên thế giới. Tuy nhiên, có nên hợp pháp hóa mại dâm hay không vẫn là vấn đề gây nhiều tranh cãi.
Nhiều ý kiến không đồng tình
Mại dâm là loại tệ nạn nảy sinh nhiều hệ lụy cho xã hội. Đồng thời, với người Việt Nam, mua, bán dâm là hành vi suy đồi đạo đức, khó chấp nhận. Chính vì thế, nhiều người không đồng tình với việc hợp pháp hóa mại dâm.
Bà Đinh Thị Lan (giáo viên nghỉ hưu ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) phản đối việc hợp pháp hóa mại dâm. Bà Lan cho rằng: “Mại dâm làm mất nhân phẩm của phụ nữ và xúc phạm đến sự thiêng liêng trong hoạt động tình dục của con người, ảnh hưởng xấu đến nền tảng đạo đức, lối sống xã hội, làm rạn nứt hạnh phúc của mỗi gia đình, kéo theo nhiều loại tệ nạn khác như buôn người; bạo lực đường phố; lây lan bệnh qua đường tình dục; gia tăng thanh, thiếu niên hư hỏng… Hơn nữa, theo tôi, Việt Nam chưa đủ khả năng để quản lý hoạt động mại dâm”.
Ông Hoàng Tuấn Dũng (ở Thanh Xuân, Hà Nội) cũng đồng tình với quan điểm về việc khó quản lý nếu hợp pháp hóa mại dâm. Theo ông Dũng, nếu mại dâm được thừa nhận là nghề, đương nhiên nó sẽ bình đẳng như những nghề khác về mọi phương diện. Như vậy nghề mại dâm cũng phải được cấp chứng chỉ hành nghề mới được phép hoạt động.
"Người muốn cấp chứng chỉ hành nghề phải đủ tiêu chuẩn hành nghề, muốn đủ tiêu chuẩn hành nghề phải lập các trường đào tạo nghề, xây dựng giáo trình… và nhiều khía cạnh khác. Nội dung giảng dạy có thể là các quy định của pháp luật có liên quan; phương pháp giữ gìn vệ sinh, y tế, phòng bệnh; tâm lý đối diện với áp lực cộng đồng… Đây không phải là một bài toán dễ dàng giải được trong cơ chế quản lý hiện nay…", ông Dũng bày tỏ quan điểm.
Càng thêm phức tạp
Nhiều ý kiến cho rằng, hợp pháp hóa mại dâm chỉ làm phức tạp thêm lĩnh vực nhạy cảm này. Theo các số liệu thống kê và các kết quả nghiên cứu tiến hành bởi Liên hợp quốc cũng cho thấy hợp pháp hóa mại dâm, không những không quản lý tốt hơn mà chỉ làm hoạt động này càng trở nên phức tạp. Đầu tiên sẽ gia tăng nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em, thúc đẩy buôn bán nô lệ tình dục.
Bên cạnh đó, hợp pháp hóa mại dâm không thể giúp kiểm soát được mại dâm mà chỉ khiến nó lan tràn thêm. Tiền thuế mà Nhà nước thu được rất ít, trong khi chi phí bỏ ra để duy trì hệ thống “phố đèn đỏ” và y tế cho gái bán dâm, cũng như truy quét các loại tội phạm “ăn theo mại dâm” (như ma túy, trộm cướp, cờ bạc...) lại rất lớn.
Ngoài ra, chính sách này sẽ làm gia tăng “mại dâm chui, gái đứng đường” không giấy phép (do gái bán dâm không muốn phải nộp thuế và bị quản lý), kéo theo đó là bạo lực đường phố và làm giả giấy phép. Rốt cuộc lại sẽ tồn tại song song cả “mại dâm hợp pháp” lẫn “mại dâm bất hợp pháp”. Việc truy quét vẫn cứ phải tiến hành như trước trong khi việc quản lý càng rắc rối hơn (vì khó có thể xác minh gái mại dâm có hay không có giấy phép hành nghề, giấy phép đó là thật hay giả).
Theo một số chuyên gia tâm lý: Nếu hợp pháp hóa mại dâm thì rõ ràng vấn đề nhạy cảm này sẽ cởi mở hơn, thậm chí còn có khả năng bừa bãi hơn. Theo thống kê, phần lớn khách hàng nam giới mua dâm ở những nước hợp pháp hóa mại dâm đều không tuân thủ quy định về an toàn khi quan hệ và gái mại dâm phải chịu đựng để giữ khách mà không hề có lực lượng chức năng kiểm soát nhắc nhở.
Vậy không thể nói rằng, hoạt động mua bán dâm “thoải mái hơn” có thể bảo vệ tốt hơn cho phụ nữ hoạt động trong lĩnh vực này. Ở một khía cạnh khác, hợp pháp hóa mại dâm ảnh hướng tới sự phát triển của phụ nữ nói chung. Bởi vì, nhiều khả năng những em gái đang ở tuổi đến trường, nhận thức chưa đầy đủ, đặc biệt các em gái thuộc các gia đình có kinh tế khó khăn, sớm xa rời sách vở, học hành… sẽ lựa chọn nghề này.
Mại dâm muôn đời là con dao giết chết những giá trị gia đình truyền thống. Hợp pháp hóa mại dâm là mở đường cho những đối tượng lười lao động nhưng lại muốn kiếm tiền một cách dễ dàng. Xem xét mọi khía cạnh, không thể công nhận mại dâm vì nó để lại các hệ lụy khôn lường về chính trị, đạo đức truyền thống, văn hóa, nòi giống…
Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/co-nen-hop-phap-hoa-mai-dam-101235.html