Có nên kéo dài thời gian giảm thuế VAT?

Hôm nay, Chính phủ trình Quốc hội việc tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15. PGS.TS. ĐINH TRỌNG THỊNH, chuyên gia kinh tế, cho rằng giảm thuế VAT đến hết năm nay là phù hợp. 'Bây giờ đề cập chuyện kéo dài sang năm sau là không có cơ sở. Phải đợi tháng 10 - 11, trên cơ sở lập kế hoạch năm tài chính tiếp theo mới có căn cứ để đề nghị Quốc hội xem xét'.

Kéo giá hàng hóa giảm khoảng 1,5%

- Thông tin giảm thuế VAT được cộng đồng doanh nghiệp và người dân rất chờ đợi. Ở góc độ chuyên gia, theo ông, việc giảm thuế này có ý nghĩa như thế nào?

- Phải khẳng định giảm thuế VAT hết sức cần thiết trong bối cảnh nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp hiện gặp nhiều khó khăn, nhất là về thị trường xuất khẩu khi cầu thế giới giảm do suy thoái, lạm phát. Lượng hàng hóa ứ đọng trong kho đồng nghĩa doanh nghiệp bị đọng vốn, không thể quay vòng. Nếu giảm thuế VAT sẽ có tác động giảm chi phí đầu vào lẫn giá thành đầu ra, qua đó thúc đẩy tiêu dùng cuối cùng. Theo tính toán của chúng tôi, giá hàng hóa sẽ giảm khoảng 1,5%, đóng góp vào kiểm soát lạm phát cả năm nay sẽ ở mức 3,5 - 3,8% và tăng trưởng kinh tế vào khoảng 6,8 - 7,5%.

- Có ý kiến cho rằng nên xem xét giảm thuế VAT sâu hơn, trên 2%, và nên mở rộng đối tượng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Ông nghĩ sao?

- Có ý kiến cho rằng nên xem xét giảm thuế VAT sâu hơn, trên 2%, và nên mở rộng đối tượng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Ông nghĩ sao?

- Lập luận rằng trong lúc người dân, doanh nghiệp khó khăn nên cần giảm nhiều thuế hơn nữa là mong muốn chính đáng. Tuy nhiên, để quyết định giảm thuế ở mức nào đòi hỏi Quốc hội và Chính phủ phải tính toán, cân nhắc rất kỹ lưỡng để bảo đảm vừa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhưng cũng phải cân đối ngân sách nhà nước.

Với mức giảm 2% như Chính phủ trình, dự kiến 6 tháng cuối năm sẽ giảm thu ngân sách khoảng 24 nghìn tỷ đồng. Đây là con số không hề nhỏ trong bối cảnh kết quả thu ngân sách từ cuối năm 2022 và đặc biệt những tháng đầu năm 2023 có xu hướng giảm. Theo báo cáo của Chính phủ, lũy kế thu quý I.2023 ước đạt 411,8 nghìn tỷ đồng, bằng 30,9% dự toán, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng nếu loại trừ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp của năm 2022 thì số thu giảm 6% so với cùng kỳ. Số thu ngân sách nhà nước tháng 3 giảm so với tháng 2 và tháng 2 giảm so với tháng 1. Bên cạnh đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu thực hiện trong quý I bằng 26,9% dự toán, giảm 16,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Vì thế, tôi cho rằng, giảm 2% là liều lượng phù hợp. Nếu muốn giảm sâu thêm và mở rộng đối tượng, cần phải có đánh giá thấu đáo, kỹ lưỡng. Chúng ta nên thống nhất rằng, việc giảm thuế mục đích để tập trung cho sản xuất, kinh doanh. Vì thế, có những ngành như khai thác tài nguyên mà vẫn được giảm thuế VAT là không thuyết phục!

Giảm thuế giá trị gia tăng được kỳ vọng sẽ kích thích tiêu dùng. Nguồn: TTXVN

Giảm thuế giá trị gia tăng được kỳ vọng sẽ kích thích tiêu dùng. Nguồn: TTXVN

Phải chống thất thu thuế trong thương mại điện tử

- Thời gian giảm thuế VAT chỉ kéo dài trong 6 tháng, từ 1.7 - 31.12.2023. Nhiều ý kiến cho là ngắn, trong khi tình hình biến động khó lường và dự báo vẫn còn rất khó khăn, đề nghị kéo dài sang năm sau. Quan điểm của ông như thế nào?

- Giảm thuế VAT trong bao lâu còn tùy theo năm tài chính của ngân sách nhà nước (từ 1.1 - 31.12 hàng năm). Khi xây dựng kế hoạch năm tài chính (thường vào cuối năm trước), Quốc hội và Chính phủ sẽ cân đối nhu cầu chi tiêu cũng như các nguồn thu trong năm xem có đủ không, nếu không thì vay nợ bao nhiêu, vay ở đâu, khả năng trả nợ thế nào… Do vậy, ngay từ bây giờ đề cập đến chuyện kéo dài thời gian áp dụng việc giảm thuế cho năm sau là rất khó, nếu không muốn nói là không thể, vì chưa có cơ sở rõ ràng. Việc áp dụng chính sách giảm thuế đến hết năm nay là phù hợp. Nếu muốn tiếp tục áp dụng cho năm sau, chúng ta phải đợi đến tháng 10 - 11 tới, trên cơ sở lập kế hoạch năm tài chính tiếp theo, dự báo khả năng tăng trưởng kinh tế thế nào mới có căn cứ để đề nghị Quốc hội xem xét, ra quyết định.

- Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu ngân sách trong ngắn hạn cũng như bảo đảm sự chủ động trong điều hành dự toán ngân sách, Chính phủ đã đề ra một số giải pháp như thực hiện và triển khai hiệu quả các luật thuế; tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; quyết liệt công tác quản lý thu, tập trung chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế... Ông nghĩ sao về những giải pháp này?

- Tôi rất tán thành với các giải pháp này. Việc đơn giản hóa thủ tục thuế để giúp doanh nghiệp, người dân tích cực chủ động trong kê khai, nộp thuế đóng vai trò rất quan trọng. Hiện, tình trạng thất thu thuế do móc ngoặc, trốn lậu thuế vẫn còn. Vì thế, phải tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là nguồn thu từ thương mại điện tử - một trong những nguồn mà hiện chúng ta vẫn còn thất thu khá lớn.

Về lâu dài, cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách thuế để vừa bảo đảm nguồn thu cũng như hỗ trợ tích cực cho sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt,phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, “tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp” như chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội trong bài phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ Năm vừa qua. Chỉ khi cộng đồng doanh nghiệp phục hồi và phát triển mạnh mẽ mới tạo tiền đề cho tăng trưởng, tạo nguồn thu ổn định và bền vững.

- Xin cảm ơn ông!

Đan Thanh thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/co-nen-keo-dai-thoi-gian-giam-thue-vat-i329857/