Có nên kéo dài tuổi nghỉ hưu với chuyên gia, cố vấn?

Đồng tình với đề xuất kéo dài tuổi nghỉ hưu đối với một số vị trí đòi hỏi chuyên môn cao, nhiều chất xám, các chuyên gia cũng lưu ý chỉ nên để những người này tập trung chuyên môn, không làm công tác quản lý.

Vừa qua, Bộ Nội vụ đã tổ chức lấy ý kiến vào dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), dự kiến được trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 5 tới.

Tổng hợp từ kinh nghiệm quốc tế, Bộ Nội vụ đã đưa ra một số gợi mở cho việc sửa đổi Luật Cán bộ, công chức, trong đó có vấn đề tuổi nghỉ hưu.

Những người làm chuyên sâu trong một lĩnh vực thường phát huy hiệu quả cao nhất khi được tập trung vào chuyên môn, không tham gia vào công tác quản lý (Ảnh minh họa).

Những người làm chuyên sâu trong một lĩnh vực thường phát huy hiệu quả cao nhất khi được tập trung vào chuyên môn, không tham gia vào công tác quản lý (Ảnh minh họa).

Về tuổi nghỉ hưu, Bộ Nội vụ cho biết các quốc gia quy định tuổi nghỉ hưu từ 60 - 65 tuổi, đối với một số lĩnh vực kỹ thuật, chuyên môn cao, cố vấn, chuyên gia có thể kéo dài đến 75 tuổi.

Ngoài ra, các quốc gia còn quy định chế độ nghỉ hưu sớm khi công chức đã đảm bảo số năm công tác, có nhu cầu nghỉ sớm để kinh doanh, chăm sóc bố mẹ già, con cái…

Từ kinh nghiệm của các nước, Bộ Nội vụ thấy rằng Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia trong việc quy định về nghỉ hưu trước tuổi. Đối với một số lĩnh vực yêu cầu kỹ thuật cao, chuyên gia, cố vấn… có thể kéo dài tuổi nghỉ hưu đến 70 tuổi.

Trao đổi với Báo Xây dựng, TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa và Xã hội) đánh giá, đề xuất kéo dài tuổi nghỉ hưu giải quyết hai vấn đề quan trọng là già hóa dân số và thiếu hụt lực lượng lao động.

Ông lý giải, Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số. Dự kiến đến năm 2039-2040, người già sẽ chiếm tỷ lệ đáng kể trong cơ cấu dân số, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt lực lượng lao động. Do đó, việc tận dụng lực lượng lao động có trình độ chuyên môn cao là một giải pháp hợp lý.

Tuy nhiên, ông Lợi cũng lưu ý, không nên để những người đã đến tuổi nghỉ hưu nắm giữ các chức vụ lãnh đạo. Thay vào đó, những người này nên tập trung vào vai trò chuyên gia và cố vấn. Đồng thời, việc kéo dài tuổi nghỉ hưu cần được thực hiện trên cơ sở tự nguyện, có sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động.

"Trong tương lai, khi tình hình già hóa dân số trở nên rõ rệt hơn, việc nâng tuổi nghỉ hưu là điều khó tránh khỏi, tương tự như xu hướng ở các nước như Nhật Bản, nơi nhiều người cao tuổi vẫn làm việc ở độ tuổi 70, 75 hoặc 80", ông Lợi nhìn nhận và nói thêm, việc được tiếp tục làm việc sẽ giúp họ đóng góp nhiều hơn cho xã hội, tận dụng được kinh nghiệm đã tích lũy trong nhiều năm.

Chung quan điểm, TS Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết: "Khi kéo dài tuổi nghỉ hưu với những người có trình độ, kinh nghiệm, giá trị của kinh nghiệm sẽ được phát huy tối đa.

Đồng thời, cần tạo điều kiện để người lao động được làm việc theo đam mê, thay vì chịu áp lực về thời gian và các yếu tố khác.

Những người làm chuyên sâu trong một lĩnh vực thường phát huy hiệu quả cao nhất khi được tập trung vào chuyên môn, không tham gia vào công tác quản lý".

Tương tự, TS Trần Thị Thanh Hà, Trưởng bộ môn Hóa sinh - Miễn dịch, Viện Thú y Quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cũng bày tỏ ủng hộ đối với đề xuất nói trên. Đề xuất này phù hợp với xu hướng hiện nay, khi nhiều người muốn tiếp tục làm việc hoặc có nhu cầu làm việc linh hoạt để cân bằng cuộc sống gia đình.

"Việc nghỉ hưu sớm có thể phù hợp hơn với những công việc nặng nhọc, còn đối với các lĩnh vực như nghiên cứu khoa học và giảng dạy thì việc kéo dài tuổi nghỉ hưu là hợp lý.

Có những lĩnh vực mà người lao động vẫn có thể làm việc hiệu quả đến 70 tuổi hoặc hơn. Điển hình như ở Nhật Bản, Mỹ và một số quốc gia có dân số già, người cao tuổi được khuyến khích tiếp tục làm việc, đặc biệt là trong các ngành như tư vấn và chuyên gia...", TS Hà nói.

Bộ luật Lao động 2019 quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình, cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028, và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.

Nguyên Khánh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/co-nen-keo-dai-tuoi-nghi-huu-voi-chuyen-gia-co-van-192250424113252478.htm