Có nên khai tử học bạ giấy?
Thực tế nhiều năm qua, những cuốn học bạ chỉ được ghi lời phê cho chính giáo viên chủ nhiệm đọc, Ban giám hiệu ký là hoàn thành vai trò của mình.
Cầm cuốn của con gái học lớp 5 để nhập học cho con vào một ngôi trường mới, em họ tôi lật giở từng trang và đọc to những lời phê của giáo viên các lớp.
Em dừng lại những dòng chữ “Con đọc bài trôi chảy nhưng còn hơi nhỏ, cố gắng luyện đọc to hơn nữa nhé!”; “Con nắm được kiến thức nhưng cần làm bài cẩn thận hơn”; “Con viết đúng chính tả nhưng cần rèn thêm chữ viết nhé”…
Em tôi tỏ ra bất ngờ vì những nhận xét như vậy ở trong học bạ thì liệu học trò và phụ huynh có biết để điều chỉnh kịp thời. Thầy cô tuyên dương các con cũng không biết để có thêm động lực học tập. Thầy cô nhắc nhở học trò, rồi phụ huynh cũng có biết đâu để sửa?
Học bạ được ghi lời phê xong luôn được giữ tại trường cho đến khi các em chuyển cấp, chuyển trường hoặc ra trường mới được nhận lại.
Vậy nên không ít người vẫn thắc mắc, thầy cô nhận xét vào học bạ thật kỹ như thế mà chỉ để mình thầy cô đọc thì có cần thiết không?
Giáo viên vất vả viết học bạ
Dùng học bạ giấy không chỉ bất lợi khi học sinh, phụ huynh không thể đọc được những lời nhận xét từ giáo viên mà chính các thầy cô giáo cũng khá vất vả khi năm nào cũng phải miệt mài ghi nhận xét trong học bạ.
Nếu như những cuốn học bạ của học sinh bậc trung học, thầy cô chỉ cần nhận xét khá, giỏi, trung bình hay yếu, kém thì học bạ bậc tiểu học lại yêu cầu giáo viên cần ghi rõ ràng nội dung phản ánh được quá trình, rèn luyện và kết quả học tập của học sinh.
Đặc biệt nhất là phần nhận xét về năng lực, phẩm chất của các em sau một năm học rất dài dòng và chi tiết.
Rất nhiều mục yêu cầu nhận xét, để viết lời nhận xét rõ ràng đúng theo yêu cầu, giáo viên tiểu học phải viết hàng tuần vẫn chưa xong. Lớp học sĩ số 35 em còn đỡ, lớp 50, 60 em thầy cô viết đến mỏi rã tay mà vẫn chẳng kịp.
Ngoài 9 môn học phải ghi nhận xét, giáo viên phải ghi phê những phẩm chất chủ yếu và những năng lực cốt lõi. Có tất cả 5 phẩm chất như yêu nước; Nhân ái; Chăm chỉ; Trung thực; Trách nhiệm.
Có 3 năng lực chung: Tự chủ và tự học; Giao tiếp và hợp tác; Giải quyết vấn đề và sáng tạo. Có 5 năng lực đặc thù; Ngôn ngữ; Tính toán; Khoa học; Thẩm mỹ; Thể chất.
Giáo viên buộc phải ghi nhận xét rõ ràng những điểm tốt (những điều đã làm được) hoặc những điểm yếu (những tồn tại cần khắc phục) của học sinh.
Ai sẽ đọc những cuốn học bạ này?
Học bạ được giáo viên chủ nhiệm hoàn thành xong sẽ được trình ký, sau đó xếp vào tủ hồ sơ của nhà trường do phó hiệu trưởng quản lý.
Năm học tiếp theo, đến kỳ làm học bạ, giáo viên chủ nhiệm mới lấy ra và lại tiếp tục ghi nhận xét của mình vào.
Học bạ được trình ký và ngay sau đó cũng sẽ được xếp ngay ngắn vào tủ hồ sơ của nhà trường.
Cứ thế, và cứ thế… hết năm này qua năm khác, những cuốn học bạ chỉ được ghi phê cho chính giáo viên chủ nhiệm đọc, Ban giám hiệu ký là hoàn thành vai trò của mình.
Có nên tồn tại học bạ giấy?
Viết học bạ miệt mài hàng tuần, khen ngợi để học sinh phát huy những ưu điểm hay ghi lời nhận xét về những tồn tại để các em khắc phục hoặc phụ huynh biết mà nhắc nhở, hướng dẫn thêm cho con.
Thế nhưng cuốn học bạ lại chẳng ai được đọc ngoài giáo viên chủ nhiệm và Ban giám hiệu (khi cần). Bởi thế, việc có nên tồn tại những cuốn học bạ giấy như thế này hay không chắc chắn ai cũng có câu trả lời cho mình.
Tại sao chúng ta không sử dụng học bạ điện tử trong khi trường học nào cũng có phần mềm Vnedu? Trong phần mềm này, có cả phần dành cho việc làm .
Sử dụng học bạ điện tử nửa vời, tốn kém thêm thời gian, tiền bạc
Nhiều trường học nơi người viết công tác yêu cầu giáo viên làm học bạ mà giáo viên chúng tôi thường đùa rằng là "nửa nạc nửa mỡ".
Đối với lớp 1, lớp 2, giáo viên làm học bạ giấy (hoàn toàn viết tay). Đối với lớp 3, 4 và 5 làm học bạ điện tử (ghi nhận xét trên máy) và in ra. Điều phi lý ở chỗ, nếu in ra từng tờ (của từng lớp) rồi kẹp lại sau 5 năm sẽ đóng thành một cuốn học bạ cũng không vấn đề gì.
Đằng này, mỗi học sinh khối lớp 3, 4 và 5 cũng có một cuốn học bạ giấy. Giáo viên các khối lớp này, sẽ làm học bạ trên máy in ra và cắt cho đúng khuôn rồi dán vào tờ học bạ giấy. Do tờ học bạ giấy nhỏ hơn tờ giấy A4 nên các thầy cô phải ngồi đo và cắt rồi mới dán cho vừa.
Công đoạn đo, cắt và dán đã chiếm không biết bao nhiêu thời gian. Do cắt dán không đều hoặc bôi hồ chưa kỹ, dán chưa khéo nên quăn góc, nhăn nhúm lại cặm cụi ngồi gỡ nên mất nhiều thời gian và công sức.
Dùng học bạ điện tử thế nào cho có lợi?
Giáo viên sẽ làm học bạ trên phần mềm điện tử. Để phụ huynh, học sinh có thể xem được những đánh giá, nhận xét của giáo viên, xem luôn kết quả và thành tích học tập thì nhà trường sẽ cấp cho mỗi phụ huynh một tài khoản trên phần mềm Vnedu để xem riêng cho con của mình.
Qua đó, cha mẹ các em sẽ biết được con mình học hành và rèn luyện ở trường ra sao? Mặt nào cần phát huy? Điều gì cần khắc phục để phối hợp với giáo viên, với nhà trường để giáo dục học sinh sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.
Có thế, những lời phê tâm huyết của thầy cô mới thật sự có tác dụng.
Và đây cũng chính là động lực để thầy cô có trách nhiệm hơn trong mỗi lời nhận xét của mình chứ không phải kiểu “mình viết cũng chỉ mình đọc thôi” như hiện nay nên không ít thầy cô chỉ ghi lời phê cho có lệ.
Khi học sinh nào đó chuyển trường, nhà trường chỉ cần chuyển nguyên "file học bạ" đến nơi các em chuyển đến là xong.
Việc sử dụng học bạ điện tử không chỉ giảm thời gian làm việc cho giáo viên, đỡ tốn tiền mua học bạ mà còn giúp gia đình kết hợp với nhà trường trong việc dạy và giáo dục con cái.
Những tiện ích như thế tại sao ngành giáo dục vẫn không thực hiện? Cũng đã có những địa phương áp dụng học bạ điện tử, tuy nhiên chỉ là đơn lẻ mà thiếu tính đồng bộ.
Bởi thế, mới xảy ra chuyện khi học sinh từ địa phương này (đang sử dụng học bạ điện tử) chuyển về địa phương khác (đang sử dụng học bạ giấy) đã không được tiếp nhận ngay.
Không chỉ gia đình học sinh mất thêm công đi lại mà trường học nơi ấy cũng phải bỏ công làm lại học bạ cho các em.
Thế kỷ 21, công nghệ thông tin đang phát triển một cách mạnh mẽ, học bạ giấy đã tồn tại bao nhiêu năm nay cũng đã hết vai trò. Vì thế, mong muốn của nhiều thầy cô, Bộ Giáo dục cần có những chỉ đạo kịp thời, kiên quyết để ngành giáo dục trong cả nước sử dụng học bạ điện tử một cách linh hoạt và thống nhất.
Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/co-nen-khai-tu-hoc-ba-giay-post228519.gd