Có nên 'làm đẹp' học bạ bằng mọi giá?
Ngày nay, không khó để tìm được những học sinh có học bạ 'đẹp như mơ' với điểm tổng kết những môn học 'cao chót vót'. Để có được học bạ đẹp này, bản thân học sinh phải rất nỗ lực, học ngày học đêm.
Tuy vậy, có không ít trường hợp vì muốn con có học bạ “đẹp”, phụ huynh ép con học quá sức, thậm chí sẵn sàng can thiệp với giáo viên để con có được điểm số như ý trong học bạ.
Muôn vàn lý do cần có “học bạ đẹp”
Giáo viên một trường trung học phổ thông tốp đầu của tỉnh được phụ huynh (cũng là giáo viên) nhắn tin “xin” thêm điểm cho con với lý do: “Cháu có kế hoạch đi du học nhưng kinh tế gia đình không khá giả nên cần có học bạ đẹp để xin học bổng”. Điểm xin thêm không nhiều nhưng vì giáo viên đã công bố điểm số với lớp nên nếu cho thêm điểm thì rất khó xử.
Một giáo viên trung học cơ sở ở thành phố Biên Hòa thì tâm sự: “Làm đẹp học bạ là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Tôi đã từng bị phụ huynh chỉ trích vì học bạ con họ ở bậc tiểu học toàn điểm 10 các môn, nhưng tại sao lên lớp 6, kết quả kỳ 1 học lực chưa đạt…”.
Theo thạc sĩ HÀ VĂN PHÚC, Giám đốc Công ty đầu tư và phát triển giáo dục V-life (thành phố Biên Hòa), trong trường hợp không đạt được điểm số như mong muốn thì cả phụ huynh và học sinh cần cố gắng bình tĩnh, ổn định tâm lý để tìm ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục.
Đó chỉ là 2 trong số muôn vàn câu chuyện áp lực “phải có học bạ đẹp” từ phía phụ huynh học sinh bởi việc có 1 “học bạ đẹp” sẽ giúp học sinh có nhiều thuận lợi hơn khi chuyển cấp (xét tuyển trung học cơ sở, xét tuyển vào các trường trung học phổ thông không tổ chức thi tuyển, xét tuyển đại học bằng học bạ), được khen thưởng học giỏi sống tốt để cha mẹ “nở mặt nở mày”; cơ hội cao khi xét học bổng du học…
Điểm số cao, “học bạ đẹp” do sự cố gắng, chăm chỉ học hành của bản thân học sinh, sự tích cực dạy dỗ của thầy cô và cha mẹ hẳn nhiên là niềm vui của rất nhiều học sinh và phụ huynh. Nhưng nếu học bạ đẹp của học sinh có được bằng cách nào khác mà không phải do năng lực thực sự của bản thân thì đó chỉ là “thành tích ảo”.
Thoát khỏi ám ảnh “làm đẹp” học bạ
Chị Trần Huyền (ngụ phường Tân Hiệp, thành phố Biên Hòa) bày tỏ quan điểm: “Vì các con còn rất ham chơi, chưa tự giác học tập nên bản thân tôi luôn kèm sát con, chơi cùng, học cùng con. Nhưng “học bạ đẹp” do khả năng của con thì được còn đi xin điểm thì tôi hoàn toàn phản đối”.
Để ngăn ngừa điều này, các trường phải chặt chẽ trong chỉ đạo, kiểm tra thường xuyên và định kỳ về công tác kiểm tra, đánh giá. Cần quán triệt chủ trương “học thật, thi thật, nhân tài thật”, chấp nhận những quyển học bạ chưa đẹp nhưng phản ánh đúng thực lực của học sinh để bổ khuyết, trui rèn cho các em. Có như vậy mới mong cống hiến cho xã hội những nhân tài thật.
Thạc sĩ tâm lý Hà Văn Phúc, Giám đốc Công ty đầu tư và phát triển giáo dục V-life (thành phố Biên Hòa) chia sẻ, trong quá trình tư vấn tâm lý cho học sinh, ông đã lắng nghe không ít trường hợp học sinh bị áp lực về điểm số.
Theo ông Phúc, điều này xuất phát từ 2 phía. Thứ nhất, bản thân học sinh tự đặt mục tiêu cho mình và có định hướng phải đạt điểm cao, có “học bạ đẹp” để có cơ tiếp tục vào học tại những trường tốp trên ở bậc học cao hơn. Nguyên nhân thứ 2 xuất phát từ phía gia đình, đặc biệt là cha mẹ. Một số phụ huynh quá áp đặt hoặc kỳ vọng quá nhiều vào con nên đặt nặng vấn đề thành tích sau những kỳ thi.
Học bạ “ảo” có thể khiến học sinh không xác định được thực lực chính xác của bản thân đang ở đâu, dễ mắc phải những sai lầm trong chọn ngành, nghề, chọn trường trong tương lai. Khi căn cứ vào thành tích “ảo”, học sinh dễ gặp thất bại trong các kỳ thi (tuyển sinh lớp 10, tốt nghiệp THPT, thi đánh giá năng lực để xét tuyển đại học…); từ đó, các em có thể sẽ bỏ học giữa chừng vì không theo kịp các bạn và kéo theo nhiều hệ lụy khác.
Việc đặt mục tiêu quá cao, vượt khỏi năng lực của bản thân sẽ dẫn đến hệ quả nhất định về cả mặt tâm lý và sinh lý cho học sinh. Ông Phúc giải thích: “Về mặt tâm lý, việc phải phấn đấu đạt mục tiêu vượt quá khả năng có thể khiến học sinh bị căng thẳng, áp lực, thậm chí là lo lắng, stress. Các bạn có thể rơi vào trạng thái mất tập trung, ảnh hưởng đến việc sinh hoạt (ăn, ngủ không ngon). Nếu để kéo dài có thể dẫn đến rối loạn về tâm lý, thất vọng, thiếu đi sự tự tin trong cuộc sống. Nếu cha mẹ áp đặt quá có thể sẽ khiến con bị khủng hoảng về mặt tâm lý...”.
Muốn khắc phục vấn đề này, theo thạc sĩ Hà Văn Phúc, phải bắt nguồn từ nguyên nhân vấn đề. “Nếu học sinh tự đặt mục tiêu có một học bạ đẹp thì đấy là điều rất tốt. Tuy nhiên, bạn cần phải xây dựng phương pháp, thời gian biểu học tập hợp lý để cân đối được việc học và các sinh hoạt khác của đời sống. Không nên đặt nặng quá vấn đề điểm số mà hãy biến nó trở thành mục tiêu để tạo động lực phát triển. Trong trường hợp bị áp lực từ phía gia đình, học sinh nên mạnh dạn chia sẻ, trao đổi với cha mẹ để cha mẹ biết lắng nghe và thấu hiểu hơn về năng lực của bản thân nhằm thay đổi mục tiêu phù hợp” - ông Phúc nhấn mạnh.