Có nên lựa chọn cổ phiếu của doanh nghiệp giàu tiền mặt cho giai đoạn cuối năm?

Cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp có 'của nả' dư dả đã ghi nhận diễn biến tích cực trong giai đoạn nửa đầu năm 2023. Dự báo những tháng cuối năm, dù CPI tăng thấp, nhưng lạm phát vẫn có khả năng tăng cao, theo đó cổ phiếu của doanh nghiệp có nhiều tiền mặt sẽ được hưởng lợi.

Theo thống kê, 21 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vốn hóa tỷ USD trên sàn chứng khoán đang có gần 320.000 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi, trong đó có đến 12 doanh nghiệp ghi nhận tiền mặt tăng mạnh trong 3 tháng qua.

Những cái tên giàu “của nả”

Tổng công ty khí Việt Nam (PVGas, mã: GAS) sở hữu lượng tiền mặt và tiền gửi lớn nhất lên tới 40.767 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,7 tỷ USD - chiếm 46% tổng tài sản của PVGas và tăng khoảng 3.900 tỷ đồng so với cuối quý I. Trong 6 tháng đầu năm, khoản tiền gửi ngân hàng này đã đem lại cho doanh nghiệp hơn 1.033 tỷ đồng lãi.

Nhiều doanh nghiệp có "của nả" dư dả có diễn biến tích cực trong thời gian qua.

Nhiều doanh nghiệp có "của nả" dư dả có diễn biến tích cực trong thời gian qua.

Theo sau là “vua thép” Tập đoàn Hòa Phát (HPG) khi sở hữu lượng tiền mặt và tiền gửi 36.100 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,5 tỷ USD. Tại ngày 30/6, tiền và các khoản tương đương tiền thể hiện trên bảng cân đối kế toán của Hòa Phát là 13.252 tỷ đồng, tăng 4.928 tỷ đồng so với đầu năm. Khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn dưới dạng tiền gửi có kỳ hạn là 22.848 tỷ đồng.

Vị trí thứ 3 thuộc về CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) với 29.229 tỷ đồng, tăng 17% so với thời điểm đầu năm và chiếm 39% tổng tài sản. Nửa đầu năm 2023, số tiền gửi này đã mang về cho doanh nghiệp hơn 762 tỷ đồng, tương ứng mỗi ngày nhận gần 3 tỷ đồng.

Một “ông lớn” đầu ngành công nghệ là CTCP Tập đoàn FPT (FPT) đang có tổng cộng 26.685 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng, tăng 37% so với đầu năm và chiếm khoảng 44% tổng tài sản của tập đoàn.

Trong ngành bán lẻ, CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) tại ngày 30/6 có mức tăng nhanh nhất với tỷ lệ 72%, từ 14.195 tỷ lên 24.420 tỷ đồng. Khoản tiền gửi này mang về cho “đại gia” ngành đến hơn 809 tỷ đồng tiền lãi trong 6 tháng đầu năm nay, tăng 76% so với cùng kỳ năm ngoái. Số tiền này giúp Thế giới Di động thoát thua lỗ trong quý II năm nay.

Khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi có kỳ hạn cũng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã: VNM) với tổng giá trị 21.464 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm, Vinamilk thu về 708 tỷ đồng lãi tiền gửi ngân hàng. Đây cũng là khoản mục đóng góp lớn vào lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Tại thời điểm 30/6, quy mô tài sản Coteccons (CTD) ở mức 21.375 tỷ đồng, tăng 13% so đầu năm. Trong đó, nhà thầu xây dựng này đang có gần 1.883 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, tăng 77%. Giá trị hàng tồn kho hơn 3.148 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp khác cũng ghi nhận khối lượng tiền mặt, tiền gửi tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm như: Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (15.279 tỷ đồng), Tổng Công ty CP Đầu tư Quốc tế Viettel (17.815 tỷ đồng), CTCP Hàng không VietJet (2.165 tỷ đồng)…

Cổ phiếu còn được hưởng lợi

Trên sàn chứng khoán, những cổ phiếu của những doanh nghiệp dư dả “của nả” trên đều cho thấy diễn biến tích cực trong thời gian qua, thậm chí còn ngược dòng thị trường chung tăng tích cực.

Chẳng hạn, cổ phiếu HPG sau 4 tháng tích lũy vùng 21.000 đồng/cp đã bất ngờ tăng mạnh từ đầu tháng 6 và chạm mức 28.400 đồng/cp (phiên 21/7), tương ứng mức tăng 34%. Trong khi đó, cổ phiếu FPT đang giao dịch ở mức cao nhất mọi thời đại tại 83.500 đồng/cp (sau khi đã chia tách cổ phiếu).

Cổ phiếu VNM cũng không kém cạnh khi ghi nhận sự hút tiền trở lại. Cổ phiếu này đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 3 tháng. Kể từ giữa tháng 6, cổ phiếu VNM đã tăng hơn 12% thị giá, giá trị vốn hóa tương ứng tăng thêm gần 17.000 tỷ đồng sau khoảng 3 tuần cùng thanh khoản được cải thiện rõ rệt.

Tương tự, kết thúc phiên giao dịch ngày 2/8, cổ phiếu MWG đạt 51.700 đồng/cp, tăng khoảng 19% so với thời điểm đầu năm nay. Tuy nhiên, nếu tính từ cuối tháng 5/2023 - thời điểm kết quả kinh doanh của Thế giới Di Động được nhiều công ty chứng khoán dự báo đã tạo đáy, cổ phiếu MWG đã tăng tới 38%.

Thậm chí, trong phiên thị trường điều chỉnh giảm khá mạnh (1/8), cổ phiếu BSR vẫn ngược dòng duy trì sắc xanh tích cực. Tính từ phiên 18/11/2022, cổ phiếu này đã tăng từ mức 11.500 đồng lên 20.300 đồng/cp (+76,5%).

Nhìn chung, trong bối cảnh thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro kéo dài, nhất là những biến số liên quan đến lạm phát, cổ phiếu của doanh nghiệp có nhiều tiền mặt đã được nhà đầu tư “để mắt”. Do đó, dù một số doanh nghiệp có kết quả kinh doanh kém khả quan nhưng vẫn thu hút được dòng tiền.

Các chuyên gia chỉ rõ, những doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt dồi dào, đòn bẩy tài chính thấp được đánh giá có rủi ro ít, khả năng chống chịu với thách thức tốt hơn. Họ cũng có thể thực hiện các thương vụ mua bán và sáp nhập một cách dễ dàng hơn.

Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp trong các ngành sản xuất, dịch vụ có tính chu kỳ, việc cần duy trì lượng tiền mặt nhiều sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng vượt qua giai đoạn đi xuống của chu kỳ sản xuất.

Thực tế, trong nhiều năm qua, các cổ phiếu có tỷ lệ Tiền mặt ròng/Vốn hóa trên 25% đều có xác suất có lãi và tỷ suất lợi nhuận tốt trong các khung thời gian 3 tháng và 6 tháng, đặc biệt với nhóm cổ phiếu có tỷ lệ này lớn hơn 75%.

Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2023, CPI bình quân tăng 3,29% so với bình quân cùng kỳ năm 2022. Dù CPI tăng thấp, nhưng nhiều ý kiến chung nhận định, lạm phát những tháng cuối năm vẫn có khả năng tăng cao do một số nguyên nhân.

Từ tháng 7, lương cơ bản tăng, kéo theo nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tăng lên, có thể dẫn đến giá hàng hóa tăng. Yếu tố giá xăng dầu cũng là một ẩn số. Bên cạnh đó, sau đợt tăng giá điện 3% trong tháng 5, tới đây, có khả năng EVN sẽ tiếp tục tăng giá điện để bù chi phí, cũng có thể tác động đến lạm phát. Giá lương thực, thực phẩm cũng thường tăng vào cuối năm. Hơn nữa, yếu tố cầu kéo của các gói hỗ trợ cũng sẽ tăng vào cuối năm.

Và khi lạm phát có xu hướng tăng, kéo theo đó là thách thức phía trước với điều hành chính sách tiền tệ. Cho nên, cổ phiếu của doanh nghiệp có nhiều tiền mặt sẽ còn tiếp tục được hưởng lợi. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng lưu ý lựa chọn những cổ phiếu vẫn còn nhiều động lực tăng giá gắn với triển vọng tăng trưởng chung của ngành và nền kinh tế.

Hải Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//goc-nhin/co-nen-lua-chon-co-phieu-cua-doanh-nghiep-giau-tien-mat-cho-giai-doan-cuoi-nam-1094349.html