Có nên nâng mức phạt vi phạm an toàn giao thông lên 200 triệu đồng?

TS. Khương Kim Tạo cho rằng đề xuất nâng mức phạt vi phạm an toàn giao thông lên tới 200 triệu là quá cao so với thu nhập của rất nhiều người dân.

Vào chiều 16/5, Quốc hội nghe thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân (đại biểu Quốc hội, PGĐ Công an tỉnh Đắk Lắk) cho rằng, sau 14 năm thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính vẫn còn một số bất cập, nhất là mức phạt tiền.

Đặc biệt trong lĩnh vực giao thông đường bộ, mức phạt tiền tối đa 75 triệu đồng hiện hành đang "còn thấp". Trong khi đó, tình trạng nhờn luật, cố tình vi phạm luật trong lĩnh vực này vẫn diễn ra trong một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông.

Theo bà Xuân, mức phạt tiền hiện nay chưa đủ mạnh và tạo sức răn đe. Do đó, bà đề nghị điều chỉnh tăng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ từ 75 triệu đồng lên 150 - 200 triệu đồng.

Ý kiến của bà Xuân đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.

Không nhất thiết phải nâng mức xử phạt vi phạm an toàn giao thông lên tới 200 triệu đồng. Ảnh: Đình Hiếu

Không nhất thiết phải nâng mức xử phạt vi phạm an toàn giao thông lên tới 200 triệu đồng. Ảnh: Đình Hiếu

Trao đổi với VietNamNet về vấn đề trên, TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng giao thông ở Việt Nam có đặc thù riêng nhưng không nằm ngoài các nguyên lý giao thông của các nước trên thế giới.

“Quá trình xử phạt vi phạm cũng phải hòa nhập quốc tế, trong đó lưu ý tới những đặc điểm riêng của Việt Nam bao gồm văn hóa tham gia giao thông, quy mô nền kinh tế.

Theo đó, để đưa ra mức xử phạt, các nước căn cứ vào những yếu tố như thu nhập và mức độ vi phạm trật tự an toàn giao thông của người dân”, ông Tạo nói.

Trên thực tế, ý thức chấp hành quy định về an toàn giao thông của người dân đã được nâng lên. Đặc biệt là sau khi Nghị định 168 có hiệu lực thi hành.

“Ý thức của người dân đã tăng lên rõ rệt, tình trạng sử dụng rượu bia khi lái xe đã giảm đáng kể. Số vụ tai nạn giao thông trong các kỳ nghỉ lễ cũng đã giảm.

Bằng chứng là trong 5 ngày nghỉ lễ từ 30/4 - 4/5 vừa qua, cả nước xảy ra 268 vụ tai nạn giao thông, làm 128 người thiệt mạng và 203 người bị thương.

So với kỳ nghỉ lễ năm 2024, giảm 79 vụ tai nạn, giảm 10 người chết và giảm 82 người bị thương”, ông Tạo dẫn chứng.

Từ con số trên, ông Tạo bày tỏ băn khoăn: Việc triển khai Nghị định 168 có hiệu quả thì chúng ta có nhất thiết phải tiếp tục nâng cao mức phạt nữa hay không?

Ông Tạo nêu quan điểm: “Mục đích của xử phạt là giáo dục con người, tạo ra văn hóa ứng xử, tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật khi tham gia giao thông. Giáo dục con người phải hài hòa giữa giáo huấn và trừng phạt”.

Ngoài ra, theo công bố của Tổng cục Thống kê, mức thu nhập bình quân của lao động Việt Nam năm 2024 là 7,7 triệu đồng/tháng. Nếu xử phạt cao gấp nhiều lần mức thu nhập bình quân của người dân thì sẽ không phù hợp và khả thi vì đa số người dân không đủ khả năng nộp phạt.

“Mức phạt 200 triệu đồng là quá cao so với thu nhập của rất nhiều người dân. Do đó, tôi cho rằng chỉ cần duy trì mức phạt hiện hành mà không nhất thiết phải điều chỉnh”, ông Tạo bày tỏ.

Chung quan điểm này, anh Nguyễn Văn Hải (tài xế xe đường dài) cho biết, nếu nâng mức phạt vi phạm giao thông lên 150 - 200 triệu đồng thì có lẽ nhiều tài xế sẽ bỏ nghề.

“Bởi vì có những lỗi do người điều khiển cố ý (đi lùi trên cao tốc) nhưng cũng có những lỗi không cố ý (đi nhầm làn…).

Đành rằng lái xe phải tập trung nhưng con người chứ không phải cỗ máy nên không thể tránh khỏi những lúc xao lãng, có thể chỉ trong tích tắc dẫn đến xử lý tình huống ngoài ý muốn. Trong những tình huống này mà cứ áp phạt thật nặng thì quá nặng nề”, anh Hải bày tỏ.

Tài xế này cho rằng, các mức phạt hiện hành đã đủ sức răn đe. Điều cần làm ngay lúc này là cải thiện hạ tầng giao thông, mở rộng làn đường, lắp đặt hệ thống camera…

N. Huyền

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/co-nen-nang-muc-phat-vi-pham-an-toan-giao-thong-len-200-trieu-dong-2402594.html