Có nên nâng thời gian kê đơn thuốc điều trị các bệnh mạn tính?
Mới đây, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất nâng thời gian kê đơn thuốc điều trị các bệnh mạn tính đã ổn định … lên từ 2-3 tháng, thay vì 1 tháng như hiện nay. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn có ý kiến trái chiều về đề xuất này.
Phần lớn người bệnh và gia đình của họ ủng hộ đề xuất này
Theo định nghĩa, bệnh mạn tính bao gồm tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm khớp, hen suyễn... là bệnh tiến triển kéo dài, thời gian bị bệnh từ 3 tháng trở lên và không chữa khỏi. Do đó, người bệnh cần đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, sử dụng thuốc theo kê đơn của bác sĩ.
Thông tư số 52/2017/TT-BYT, ngày 29-12-2017 của Bộ Y tế quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú, cơ sở y tế chỉ được kê đơn thuốc sau khi có kết quả khám bệnh, chẩn đoán bệnh. Số lượng thuốc được kê đủ sử dụng nhưng tối đa không quá 30 ngày. Như vậy, người bệnh cần tái khám hàng tháng để nhận thuốc kê đơn.
Theo ghi nhận của Phóng viên VOV2, mỗi ngày, các bệnh viện đa khoa đều có rất đông bệnh nhân bị bệnh mạn tính đến khám và lĩnh thuốc theo định kỳ. Tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, hơn 11h00 trưa nhưng vẫn còn hàng chục người đứng xếp hàng chờ lấy thuốc theo chế độ bảo hiểm y tế, trong số họ phần lớn là người cao tuổi. Thời tiết nóng bức khiến ai nấy cũng nhễ nhại mồ hôi, mệt mỏi nhưng vẫn cố xếp hàng chờ đến lượt lấy thuốc bởi đó là công đoạn cuối cùng của cả một buổi dậy từ sáng sớm đến bệnh viện khám bệnh định kỳ.
Bà Nguyễn Thị Biên, 65 tuổi ở phố An Dương, Hà Nội bị nhiều bệnh mạn tính cùng lúc: dạ dày, viêm xương khớp, gout và huyết áp… Định kỳ mỗi tháng, bà dậy từ 5h sáng để đến 5h30 có mặt kịp thời ở BV Đa khoa Xanh Pôn khám bệnh và lấy thuốc với mong muốn là xong sớm, thế nhưng, khi đến nơi bà vẫn không thoát khỏi cảnh phải xếp hàng chờ đợi mệt mỏi.
“Đi chụp xương ngồi chờ lấy kết quả ở phòng khám. Bây giờ mới xong để đi lấy thuốc. Nhà ở An Dương, hàng tháng phải đi lấy thuốc từ 5h sáng, đi sớm để xếp hàng. Vậy mà khi cô đến là số 11 rồi, hôm nay đông lắm. Bây giờ còn đỡ, ngày xưa phải đi từ 4h sáng xếp hàng, đã có hàng chồng thế này. Nếu được 2-3 tháng mới phải đi khám lấy thuốc thì cô thích quá vì sẽ không phải đi hàng tháng, thì mình đỡ vất vả. Bác sĩ cũng bảo có gì đột xuất thì có thể đến bệnh viện ngay”, bà Biên khẳng định.
Không may mắn được như bà Biên, bà Nguyễn Thị Vân ở phố Ngọc Khánh, Hà Nội khám xong đi ra thì đã quá giờ phát thuốc BHYT nên bà đành phải ngồi vật vã chờ ở bệnh viện đến giờ làm buổi chiều. “Bây giờ ngồi chờ ở đây đến 1h30, ăn tạm bánh mì chờ đến khi họ làm việc thì vào lấy thuốc, tuổi già khổ lắm”.
Qua nhiều năm, đơn thuốc không có gì thay đổi nhưng bà Vân vẫn phải đi khám đều đặn để có thuốc uống. Vì vậy, khi biết có đề xuất giãn thời gian khám bệnh và lấy thuốc từ 1 tháng lên 2-3 tháng, bà liền đồng tình ủng hộ. “Tháng nào mệt không đi khám được thì ra ngoài mua thuốc lại không có loại bác sĩ kê. Bây giờ cho lĩnh 3 tháng liền thì tốt quá vì sẽ có thuốc uống liên tục, sức khỏe đảm bảo, nếu cơ thể mệt thì vẫn có thuốc uống”.
Trường hợp bà Vân, bà Biên còn đi được, thực tế có không ít bệnh nhân bị tai biến, phải ngồi xe lăn, hàng tháng sẽ được các con, cháu đưa đến bệnh viện khám. Việc một người đi khám nhưng 2 người phải mệt mỏi là hình ảnh quen thuộc ở các bệnh viện. Do vậy, chị Nguyễn Thanh Mai, ở phố Đặng Tiến Đông, Hà Nội cũng đồng tình với chủ trương này.
“Mẹ tôi già rồi, bị bệnh mạn tính, mỗi lần đi khám đều phải đóng bỉm. Nhà tôi ở gần, đưa bà đến khám xong thì đưa bà về luôn, còn lại tôi ở lại để chờ lấy thuốc. Mỗi lần đi lấy thuốc thì rất vất vả, rất lâu. Tôi phải đi từ 6h kém mà đến bây giờ hơn gần trưa rồi mới xong. Đấy là nhà tôi gần, chứ nhà xa thì không biết họ vất vả thế nào. Nếu đi thường xuyên thì rất vất vả, bất tiện, nếu 2-3 tháng mới đi một lần thì tiện cho mọi người. Có vấn đề gì thì mình đi cấp cứu” – Chị Nguyễn Thanh Mai nhận định.
Với người bệnh ở các tỉnh ngoài, hay nhà ở xa nhưng vẫn phải đến bệnh viện tái khám hàng tháng thì sự mệt mỏi còn gấp nhiều lần hơn thế.
Việc kê đơn thuốc cho bệnh nhân trong thời gian bao lâu nên để bác sĩ quyết định
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đề xuất nâng thời gian kê đơn thuốc cho bệnh nhân bị bệnh mạn tính từ 1 tháng lên tối đa là 3 tháng sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh mà sẽ góp phần giảm quá tải ở bệnh viện, giảm chi phí cho cả bệnh nhân và Quỹ bảo hiểm y tế. Thực tế thì một số nước trên thế giới đã áp dụng chính sách này, như ở Thái Lan, từ năm 2010 đã cấp thuốc 2 tháng/lần đối với bệnh nhân mắc bệnh mạn tính điều trị ổn định. Thời điểm dịch Covid-19, Bộ Y tế cũng triển khai 3 tháng cấp thuốc một lần cho bệnh nhân mạn tính.
Tuy nhiên, theo BS Lại Thanh Hà - Trưởng khoa khám bệnh – BV Thanh Nhàn, Hà Nội, thời gian cấp thuốc cho bệnh nhân 30 ngày, 60 ngày hay 90 ngày nên để bác sĩ có quyền quyết định đối với từng cá thể người bệnh, không nên đưa thành quy định. Bởi nếu đã đưa thành quy định sẽ dẫn đến tình trạng người bệnh không tuân thủ điều trị, dễ tăng nguy cơ bị biến chứng.
“Ý nghĩa mỗi kỳ tái khám đối với bệnh nhân là được bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh có ổn định hay không, nếu có biến cố hay biến chứng thì bác sĩ sẽ kịp thời phát hiện, cho chỉ định làm thêm các xét nghiệm và tư vấn cách dùng thuốc. BHXH tăng thời gian tái khám lên 60 ngày đồng nghĩa bác sĩ sẽ kê đơn thuốc cho bệnh nhân 60 ngày, tối đa là 90 ngày. Việc kéo dài thời gian kê đơn sẽ dẫn tới một số khả năng xảy ra. Đơn thuốc BHYT kê có thể có một số loại thuốc tác dụng phụ, bệnh nhân dùng không hợp, quay lại muốn thay đổi loại thuốc khác thì số thuốc này sẽ không thể nhập lại kho, gây lãng phí thuốc.
Thứ hai, đối với bệnh nhân khám 60 ngày thì đối với người mắc ít bệnh lý nền, trẻ tuổi, vấn đề xảy ra do tuân thủ điều trị không tốt sẽ ít xảy ra nhưng những người bệnh có biến chứng nặng, có nhiều bệnh lý nền kèm theo thì việc tái khám 60 ngày khá là dài để bác sĩ có thể quản lý đươc bệnh hoặc phòng tránh những bệnh lý cấp tính. Ví dụ đối với những bệnh nhân đái tháo đường đường, nếu quản lý đường huyết tốt thì phòng ngừa, kéo dài thời gian bị biến chứng về sau này.
Hơn nữa, nếu bệnh nhân biết đến quy định này thì ai cũng đòi hỏi quyền lợi, yêu cầu phát thuốc 2-3 tháng thì sẽ gây khó dễ cho bác sĩ khi điều trị. Vì vậy, không nên đưa thành quy định cứng”.
Vì vậy, đề xuất này chỉ nên áp dụng đối với một số đối tượng có ít bệnh lý nền, giai đoạn bệnh nhẹ, ít có biến chứng, tuân thủ điều trị tốt, tái khám thì dung nạp thuốc tốt và không có tác dụng phụ của thuốc.
“Bệnh nhân mới đi khám lần đầu thì rất khó khăn để bác sĩ cấp thuốc 60 ngày. Triển khai rộng toàn quốc là khó bởi bản thân tôi thường xuyên khám cho bệnh nhân mắc bệnh lý mạn tính, đái tháo đường, trung bình một ngày từ 30-40 bệnh nhân khám, tỷ lệ bệnh nhân tái khám hàng ngày chiếm tỷ lệ cao. Tỷ lệ bệnh nhân tái khám 2 tháng không quá nhiều để yên tâm hẹn tái khám 2 tháng. Cấp phát thuốc 2 -3 tháng một lần như vậy không an toàn, đơn thuốc áp dụng quá lớn. Thứ hai, thuốc bảo hiểm không cố định cả năm mà có khi chỉ 1-2 tháng là đã thay một đơn thuốc khác, nếu bệnh nhân uống thuốc bị tác dụng phụ, muốn đổi nhóm thuốc khác hợp hơn thì phải làm sao” – BS Lại Thanh Hà cho biết.
Hiện Bệnh viện Thanh Nhàn có đủ nhân lực để có thể khám cho bệnh nhân với tần suất tháng 1 lần, các bác sĩ tham gia khám đều được đào tạo chuyên khoa, bảo đảm chất lượng điều trị cho bệnh nhân.