Có nên 'nhảy việc' sau Tết?
Sau kỳ nghỉ Tết, nhiều người đã tìm cho mình bến đỗ mới trong sự nghiệp với kỳ vọng khả quan hơn cả về thu nhập lẫn con đường thăng tiến
Giai đoạn sau Tết nguyên đán là thời điểm khó khăn và làm đau đầu nhiều nhà quản lý khi những lá đơn nghỉ việc xuất hiện ồ ạt ở nhiều doanh nghiệp (DN). Khi đã nhận được khoản thưởng Tết, không ít người lao động (NLĐ) từ bỏ công việc cũ để chuyển sang môi trường mới với hy vọng thu nhập và cơ hội thăng tiến sẽ tốt hơn. Vì thế, thời điểm sau Tết, thị trường tuyển dụng luôn trong trạng thái nhộn nhịp.
Tìm kiếm cơ hội
Sau Tết, lấy lý do phải về phụ giúp cha mẹ quản lý tiệm cà phê của gia đình, anh Nguyễn Ngọc Hải (ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM), nhân viên kinh doanh của một công ty chuyên phân phối hàng tiêu dùng ở huyện Hóc Môn, đã nộp đơn xin thôi việc. Dù đồng ý ký vào đơn của Hải nhưng giám đốc công ty vẫn phán một câu "xanh rờn": "Cậu suy nghĩ kỹ chưa? Tôi dám bảo đảm không nơi nào có thu nhập và phúc lợi tốt hơn nơi đây".
Hải cho biết anh đã gắn bó được 3 năm với công ty và rất hài lòng với chế độ tiền lương và phúc lợi của DN. Quan hệ của anh và đồng nghiệp, đặc biệt là sếp quản lý trực tiếp, rất tốt. Thế nhưng, do đây là công ty gia đình, công tác quản lý điều hành còn tủn mủn khiến Hải và nhiều đồng nghiệp bị stress nặng. Còn trẻ và khá cầu tiến, Hải muốn thử sức với môi trường làm việc lớn và chuyên nghiệp hơn. Từ đầu tháng 1-2021, anh đã gửi hồ sơ xin việc nhiều nơi, đã đi phỏng vấn và may mắn đậu vào một công ty khá ưng ý.
"Công ty mới giao việc cho nhân viên rất rõ ràng và tạo mọi điều kiện làm việc tốt nhất. Cơ chế đãi ngộ, phúc lợi cũng được ghi rõ trong hợp đồng lao động nên tôi rất hài lòng. Hy vọng đây là bến đỗ để tôi phát triển sự nghiệp trong tương lai" - Hải cho biết.
Nếu như Hải âm thầm tìm kiếm cơ hội mới thì trường hợp của Lê Thị Thu Hương (TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) lại bi kịch hơn. Hương làm việc cho một DN thiết kế thời trang. Vì muốn ra nước ngoài làm việc nên trong tháng 12-2020, chị quyết định xin nghỉ việc.
"Tôi ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn và đã báo trước cho công ty 45 ngày theo quy định. Dù đồng ý xác nhận vào đơn nhưng công ty lại cắt hết các khoản thưởng Tết và phụ cấp. Cách hành xử của công ty khiến tôi vô cùng hụt hẫng bởi tôi đã làm việc ở đây trên 5 năm và có rất nhiều cống hiến cho DN" - chị Hương bày tỏ.
Nên cân nhắc
Bà Phạm Lan Khanh, người sáng lập kiêm CEO FreelancerViet, cho rằng chính quan niệm năm mới là lúc bắt đầu những khởi đầu mới nên nhiều người lựa chọn thời điểm này để tìm cho mình một công việc khác với mong muốn có một sự nghiệp tốt hơn. Tuy nhiên, một lý do khác tác động mạnh mẽ đến thời điểm quyết định nghỉ việc của nhiều NLĐ, đó là giai đoạn sau Tết nguyên đán cũng là lúc hầu hết họ nhận được đầy đủ các khoản thưởng như lương tháng 13, thưởng doanh thu, hoa hồng... của bản thân sau một năm lao động miệt mài. Khi đã nhận được đầy đủ các khoản thưởng, NLĐ nảy sinh ý định "nhảy việc".
Khoảng thời gian sau Tết cũng là thời điểm nhiều DN "đã chốt" các quyết định thăng chức, tăng lương cho NLĐ. Lúc này, NLĐ đã biết rõ cơ hội của họ, trong khi nếu "nhảy việc", họ sẽ có được cơ hội thăng chức, tăng lương nhanh chóng hơn. Sau Tết chính là lúc bước vào "mùa tuyển dụng" sôi nổi. NLĐ có thể dễ dàng lựa chọn cho mình một việc làm lương cao tại một môi trường đáp ứng được các yêu cầu của họ. Chính điều này đã khiến tỉ lệ NLĐ quyết định "nhảy việc" sau Tết tăng cao.
"Đúng là khoảng thời gian sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán là thời điểm thuận lợi để NLĐ thay đổi môi trường làm việc. Tuy nhiên, điều này lại gây ra khủng hoảng và áp lực về nhân sự cho công ty khi bộ máy nhân sự bị xáo động lớn ngay thời điểm vừa quay trở lại guồng hoạt động. DN không thể khởi động khi khuyết đi những vị trí nhân sự đòi hỏi kinh nghiệm và phải đào tạo bài bản lại từ đầu" - bà Phạm Lan Khanh nhận xét.
Theo các chuyên gia nhân sự, "nhảy việc" là xu thế tất yếu trong thị trường lao động. Thay đổi việc làm giúp NLĐ học hỏi được rất nhiều từ sự đa dạng môi trường đã tiếp xúc. Trải qua nhiều thử thách, ngành nghề khác nhau sẽ giúp NLĐ tăng khả năng thích nghi, mở rộng kiến thức ở nhiều lĩnh vực.
"Nhảy việc giúp NLĐ ngoài tìm được công việc mơ ước còn có thể khám phá được điểm mạnh - điểm yếu, sở trường - sở đoản để khẳng định được năng lực, từ đó xây dựng con đường phát triển phù hợp" - ông Phan Tuấn Anh, giám đốc nhân sự một DN có vốn đầu tư nước ngoài tại TP HCM, nhìn nhận.
Tuy nhiên, ông Tuấn Anh khuyên NLĐ nên cân nhắc kỹ vấn đề "nhảy việc" bởi điều này ảnh hưởng đến tương lai. Ngoài việc lựa chọn thời điểm thích hợp, NLĐ cần phải có được đáp áp cho những câu hỏi đại loại như: Thu nhập của công việc mới có cao hơn? Chế độ đãi ngộ hấp dẫn không? Giờ giấc làm việc có linh động?... Khi đã có đáp án cho những câu hỏi ấy, hãy đưa ra quyết định cuối cùng. Giải quyết tốt vấn đề này sẽ giúp NLĐ không phải mất thời gian tìm kiếm công việc và hao hụt về mặt tài chính.
Doanh nghiệp phải nhìn lại mình
"Phải thành thật với nhau rằng NLĐ đi làm để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Sẽ như thế nào nếu họ tổng kết cả năm đi làm ở công ty nào đó mà không dư hoặc dư ít? Họ luôn cần một môi trường làm việc kiếm được nhiều tiền hơn, được đãi ngộ cao hơn và có tính ổn định cao. Vì vậy, họ có quyền chọn rời đi nếu DN không đáp ứng được kỳ vọng của họ. Tính cạnh tranh của thị trường lao động hiện nay rất cao, buộc lòng DN phải thay đổi chính sách điều hành quản lý, đặc biệt là chế độ lương, thưởng, đãi ngộ để ổn định và giữ chân nhân sự" - bà Phạm Lan Khanh lưu ý.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/co-nen-nhay-viec-sau-tet-20210227205728629.htm