Có nên nhổ hết 'răng khôn'?

Anh Phạm Huy Hà (ngụ tỉnh Ninh Bình) hỏi: Tôi 34 tuổi, cách đây 2 tuần răng khôn hàm dưới bên phải của tôi bị đau. Tôi đi khám và được tư vấn nhổ luôn chiếc răng khôn bên trái (dù chưa đau). Nên hay không?

Bác sĩ Nguyễn Quý Thắng, Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương, trả lời: Răng khôn (còn gọi là răng số 8 hay răng cối lớn thứ 3) là răng mọc cuối cùng, thường mọc trong giai đoạn 15-25 tuổi, một số ít người sau 30 tuổi.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đa số răng khôn đều mọc lệch vì xương hàm chỉ đủ chỗ cho 28 cái răng (mỗi hàm có 14 răng). Không phải trường hợp mọc răng khôn nào cũng cần nhổ bỏ. Khi răng khôn mọc thẳng, ít đau nhức, có thể vệ sinh bình thường thì không nhất thiết phải nhổ bỏ. Răng khôn được chỉ định nhổ bỏ khi đó là răng 8 gây ra các biến chứng đau, nhiễm trùng lặp đi lặp lại, u nang, ảnh hưởng đến răng lân cận. Ngay cả khi răng khôn chưa gây ra biến chứng nhưng giữa răng khôn và răng bên cạnh có khe giắt thức ăn, tương lai sẽ ảnh hưởng đến răng bên cạnh thì cũng có chỉ định nhổ bỏ để ngăn ngừa biến chứng.

Với những trường hợp răng khôn mọc thẳng, đủ chỗ, không bị cản trở bởi xương và nướu nhưng không có răng đối diện ăn khớp, làm răng khôn trồi dài xuống hàm đối diện làm nhồi nhét thức ăn, lở loét nướu hàm đối diện, lúc này bệnh nhân có chỉ định nhổ. Ngoài ra, có những trường hợp phải nhổ răng khôn vì răng có bệnh nha chu hoặc sâu răng lan rộng, một số khác cần chỉnh hình, làm răng giả hoặc răng khôn là nguyên nhân của một số bệnh toàn thân khác. Nếu răng khôn bên trái của bạn không có các yếu tố như trên thì không nhất thiết phải nhổ.

Ngọc Dung ghi

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/suc-khoe/co-nen-nho-het-rang-khon-2019082121092419.htm