Có nên phẫu thuật cắt u mỡ?
U mỡ (lipoma) là các khối u lành tính, hình thành từ mô mỡ phát triển bất thường dưới da.
Theo Cơ quan Y tế Quốc gia Anh (NHS), hầu hết u mỡ không gây hại và thường không cần điều trị. U mỡ có thể xuất hiện ở bất cứ nơi nào trên cơ thể có tế bào mỡ, thường thấy nhất ở vai, cổ, lưng, ngực, đùi và nách.
Trong một số ít trường hợp, u mỡ có thể hình thành trong cơ quan nội tạng, xương hoặc cơ bắp. U mỡ thường là khối u mềm dưới da, có thể di chuyển nhẹ khi ấn vào.
U mỡ phát triển chậm, có thể tồn tại trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm, với kích thước trung bình từ 2-3 cm. Tuy nhiên, một số u mỡ có thể lớn hơn, thậm chí đạt đến kích thước 10-15 cm. Dựa trên phân tích mô học, u mỡ có thể được chia thành các loại sau:
U mỡ thông thường: Loại phổ biến nhất.
U mỡ không điển hình: Chứa các tế bào bất thường.
Hibernoma: U mỡ hiếm gặp chứa tế bào mỡ nâu.
Angiolipoma: U mỡ có liên quan đến các mạch máu, thường gây đau.
U mỡ tế bào trục chính và đa hình thái: Hiếm gặp, chứa các loại tế bào đặc biệt.
Người ở độ tuổi trung niên (40-60 tuổi) có nguy cơ cao phát triển u mỡ. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm: béo phì, cholesterol cao, tiểu đường, bệnh gan, và các rối loạn chuyển hóa khác.
Khi nào nên phẫu thuật cắt u mỡ? Theo bác sỹ Lê Ngọc Vinh, Đơn vị Đầu Mặt Cổ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, hầu hết u mỡ lành tính và không cần phẫu thuật.
Tuy nhiên, bác sỹ có thể chỉ định mổ u mỡ trong các trường hợp sau: Kích thước lớn hơn 5 cm hoặc phát triển nhanh chóng. Gây đau nhức hoặc khó chịu. Chèn ép dây thần kinh hoặc các cơ quan xung quanh. Ảnh hưởng đến chức năng cơ thể. Vì lý do thẩm mỹ. Không thể xác định rõ là u mỡ hay khối u khác. Có dấu hiệu viêm nhiễm hoặc xuất hiện máu trong khối u.
Phẫu thuật cắt u mỡ có nguy hiểm không theo bác sỹ, phẫu thuật cắt u mỡ là một tiểu phẫu ít xâm lấn và an toàn. Quá trình phẫu thuật thường được thực hiện dưới gây tê cục bộ, cho phép người bệnh về nhà ngay sau đó. Phẫu thuật bao gồm việc rạch một đường nhỏ trên da để loại bỏ toàn bộ khối u. Phương pháp này có tỷ lệ tái phát thấp và ít để lại sẹo.
Ngoài ra, một số trường hợp có thể áp dụng phương pháp hút mỡ. Bác sỹ sẽ rạch một đường nhỏ và dùng ống để hút mô mỡ ra ngoài. Tuy nhiên, phương pháp này có khả năng tái phát cao hơn và không loại bỏ được hoàn toàn mô mỡ.
Dù ít nguy hiểm, một số biến chứng nhẹ có thể xảy ra sau phẫu thuật, bao gồm chảy máu nhẹ tại vùng vết mổ.
Đau hoặc bầm tím. Tụ dịch, tụ máu: Có thể do chăm sóc vết thương không đúng cách. Nhiễm trùng: Xảy ra nếu vết mổ không được giữ vệ sinh.
Bác sỹ sẽ hướng dẫn chi tiết cách chăm sóc sau phẫu thuật để giảm nguy cơ biến chứng. Khối u sau khi cắt bỏ thường được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích nhằm loại trừ khả năng ung thư.
U mỡ đa phần không cần điều trị nếu không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, khi phát hiện khối u dưới da, người bệnh nên đến bác sỹ kiểm tra để xác định chính xác là u mỡ lành tính hay có nguy cơ ác tính. Vì một số khối u ác tính hoặc u nang có thể trông giống u mỡ, cần có xét nghiệm cụ thể để chẩn đoán chính xác.
Nếu bạn có u mỡ nhưng không gặp phải các triệu chứng bất thường, hãy theo dõi định kỳ. Nếu khối u phát triển nhanh, gây đau hoặc ảnh hưởng đến cuộc sống, hãy tham khảo ý kiến bác sỹ để xem xét phẫu thuật. Đặc biệt, những người có tiền sử gia đình mắc các bệnh ung thư da, cần tầm soát và kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/co-nen-phau-thuat-cat-u-mo-d229845.html