Có nên quy định cảnh sát biển là lực lượng vũ trang?

Trong khi đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) cho rằng việc quy định cảnh sát biển là lực lượng vũ trang là phù hợp thì không ít đại biểu cho là một vấn đề rất nhạy cảm, mâu thuẫn với quy định hiện hành.

Trong phiên thảo luận về Luật Cảnh sát biển ngày hôm qua (8/6), đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) quan ngại nếu quy định lực lượng cảnh sát biển là lực lượng vũ trang sẽ mâu thuẫn với với quy định hiện hành là “thành phần lực lượng vũ trang bao gồm Quân đội nhân dân Việt Nam, Công an nhân dân và dân quân tự vệ”.

“Nếu là lực lượng vũ trang quy định trong này sẽ thấy mâu thuẫn ngay với Điều 23 của Luật Quốc phòng vừa thông qua. Điều 23 quy định lực lượng vũ trang, thành phần lực lượng vũ trang là Quân đội nhân dân Việt Nam, công an nhân dân và dân quân tự vệ. Vậy các đại biểu tranh luận đều rất có lý, bây giờ quy định như thế nào để phù hợp với pháp luật đúng vị trí của lực lượng này và đặc biệt là tạo cơ sở pháp lý cho lực lượng này làm tốt hơn được quy định trong luật và phù hợp với thực tế”, đại biểu Dung nói.

Đại biểu Dung đề nghị lực lượng Cảnh sát biển sẽ quy định theo hướng đây là một bộ phận cấu thành của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Cơ cấu thuộc Bộ Quốc phòng và thực tế bây giờ cơ cấu đang thuộc Bộ Quốc phòng.

 Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam thực thi nhiệm vụ trên biển. Nguồn ảnh: Zing

Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam thực thi nhiệm vụ trên biển. Nguồn ảnh: Zing

Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn - Ninh Bình cho rằng, cảnh sát biển thuộc lực lượng vũ trang nhân dân là một vấn đề rất nhạy cảm.

“Bởi vì, hiện nay trên thế giới cũng có rất nhiều nước có lực lượng giống như chúng ta, họ có những tên gọi khác nhau nhưng không bao giờ họ đặt trực thuộc vào Bộ Quốc phòng”.

Đại biểu Tuấn lấy ví dụ ở Mỹ thì người ta gọi là lực lượng tuần duyên trực thuộc vào Bộ An ninh nội địa, ở Trung Quốc lực lượng hải cảnh trực thuộc vào Cục Hải dương quốc gia và cho biết: “Nếu chúng ta đưa lực lượng này thuộc vào lực lượng vũ trang nhân dân thì vô hình chung chúng ta sẽ phải sử dụng lực lượng vũ trang, tức là sử dụng quân đội để xử lý những xung đột trên biển về mặt dân sự, nếu chúng ta viết ở trong luật như thế thì có cần thiết không, theo tôi chúng ta không nên viết như vậy”.

Trong khi đó, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) lại cho rằng với cảnh sát biển, khi có xung đột vũ trang hay các tình huống liên quan đến an ninh chủ quyền, quyền tài phán quốc gia thì đây là lực lượng chấp pháp, thực thi. Vì thế, việc quy định cảnh sát biển là lực lượng vũ trang là phù hợp.

Hải Ninh

Nguồn Vietnamdaily: https://vietnamdaily.net.vn/tin-247/co-nen-quy-dinh-canh-sat-bien-la-luc-luong-vu-trang-10203.html