Có nên siết thị trường trái phiếu doanh nghiệp?
Sau các sự cố, hàng loạt biện pháp chấn chỉnh theo hướng siết chặt thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã được đưa ra. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều xung quanh động thái này của các cơ quan chức năng.
Theo số liệu từ Bộ Tài chính, thị trường vốn của Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Quy mô thị trường đến thời điểm hiện tại đạt 134,5% GDP, gấp 3,5 lần so với năm 2015. Đóng góp lớn vào mức tăng trưởng trên là thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) với 14,2% GDP.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trái phiếu doanh nghiệp đã trở thành kênh huy động vốn quan trọng nhưng có phần tăng "nóng” và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Một lượng lớn trái phiếu “3 không” (không bảo lãnh thanh toán, không tài sản đảm bảo, không xếp hạng tín nhiệm) được tung ra thị trường.
Bằng nhiều kênh khác nhau, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được phân phối đến các nhà đầu tư cá nhân không chuyên. Các tổ chức tư vấn phát hành, tổ chức phân phối chào mời nhà đầu tư cá nhân, thậm chí mách nước để nhà đầu tư bỏ thêm ít tiền và “lách” để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Trong khi đó, việc các trái phiếu có thông tin mù mờ, nhà đầu tư không nắm được mục đích sử dụng vốn của doanh nghiệp đã tạo nên tình trạng “vàng thau lẫn lộn” khiến các cơ quan quản lý phải tiến hành nhiều biện pháp thanh lọc. Các quy định của pháp luật cho thị trường này cũng đang được dự thảo sửa đổi theo hướng siết chặt hơn.
Trao đổi với TheLEADER, TS.Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính cho biết, việc sửa đổi Nghị định 153 để thị trường trái phiếu tăng chất lượng hơn là điều cần thiết tuy nhiên, không nên “bóp nghẹt” làm giảm đi cơ hội tiếp cận vốn của các doanh nghiệp, gián tiếp ngăn cản luồng chảy vốn từ khu vực dân cư. Từ đó gây áp lực sang cho các ngân hàng thương mại.
Đồng quan điểm, trong một tọa đàm mới đây, ông Khổng Phan Đức – Chủ tịch HĐTV VietinBank Capital cho biết,trong nền kinh tế, doanh nghiệp là chủ thể rất quan trọng nên phải tạo điều kiện tiếp cận vốn và phát triển kinh doanh, đóng góp vào sự tăng trưởng chung. Với doanh nghiệp dù yếu kém, kinh doanh thua lỗ, thậm chí đứng trước khả năng phá sản vẫn cần được tiếp cận vốn.
Bản thân ngân hàng thương mại chặn cung ứng vốn với các doanh nghiệp yếu kém, thị trường chứng khoán không dễ dàng thu xếp vốn đối với mọi doanh nghiệp.Vì vậy, trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ lại là một kênh huy động vốn cực kỳ quan trọng đối với doanh nghiệp.
Cũng theo ông Đức, nguyên tắc huy động trái phiếu là tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm nhưng đi kèm quá nhiều điều kiện sẽ khiến doanh nghiệp nghiệp không đáp ứng được, không tận dụng được lượng vốn lớn nằm trong khu vực dân cư. Điều này khiến họ buộc phải đi vay các hình thức bị bóp méo khác.
“Khi nhu cầu của doanh nghiệp đủ lớn, nhu cầu khai thác đồng vốn nhàn rỗi đủ lớn, sẽ sinh ra một công cụ hoặc những dạng khế ước nằm ngoài sự kiểm soát của luật pháp, đấy là điều tôi không mong muốn", ông Đức lo ngại.
Tương tự, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW cũng cho rằng, trong Nghị định 153 sửa đổi có nhiều điều kiện gây khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp như muốn phát hành riêng lẻ thì năm liền trước không được lỗ. Trong khi đó, nhiều đơn vị dự kiến lỗ theo lộ trình, vì vậy sẽ khiến nhiều dự án tốt bị bỏ rơi.
“Không phải chỉ vì một vài trường hợp sai phạm mà chuyển sang khóa chặt thị trường. Chính sách thắt chặt khiến thị trường có thể đóng băng hoàn toàn hoặc phát sinh thêm kiểu lách khác và hành lang pháp lý lại chạy theo để sửa đổi. Cần có tư duy cởi mở thì mới giữ được nhịp tăng trưởng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp”, ông Hà cho biết.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp có dự án đang ở giai đoạn đầu lỗ nhưng bản chất dòng tiền kinh doanh của họ vẫn dương, có khả năng trả nợ, sức khỏe tài chính ổn định. Do đó, vẫn nên cho phép những đơn vị này được phát hành trái phiếu để bổ sung nguồn vốn.
“Doanh nghiệp lỗ không phải là xấu. Chúng ta cần nhận diện sự khác biệt giữa doanh nghiệp có khả năng trả nợ và thiện trí trả nợ của doanh nghiệp đó. Trái phiếu riêng lẻ nên hướng đến là kênh để doanh nghiệp có mục đích sử dụng vốn minh bạch tiếp cận được”, ông Nguyễn Tùng Anh, Trưởng nhóm nghiên cứu rủi ro tín dụng của FiinRatings (thuộc FiinGroup) cho biết.
Do vậy, các chuyên gia kinh tế nhận định, thay vì thắt chặt điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp, điều kiện về tài sản đảm bảo, cơ quan quản lý nên tập trung vào các giải pháp minh bạch thông tin, đặc biệt là tăng cường xếp hạng tín nhiệm, khuyến khích các quỹ đầu tư trái phiếu phát triển, nâng cao sự chuyên nghiệp cho các nhà đầu tư cá nhân…