Có nên 'tách' Luật Giao thông đường bộ để có luật riêng về bảo đảm trật tự an toàn giao thông?
Bộ Công an đang đề xuất xây dựng Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ (Luật BĐTTATGTĐB) trên cơ sở chia tách công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) và quản lý nhà nước về hạ tầng giao thông vận tải trong Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) hiện hành.
Bên cạnh quan điểm ủng hộ đề xuất trên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, việc chia tách này dễ gây chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ và khó tạo sự giám sát trong thực thi.
Luật mới điều chỉnh chuyên sâu về trật tự ATGT
Bộ Công an cho rằng, việc tách bạch sẽ tạo ra một hành lang pháp lý đủ mạnh để giải quyết hai vấn đề cấp bách thực tiễn đang đặt ra trong tình hình hiện nay, tạo hệ thống pháp lý đủ mạnh trong phân công quản lý nhà nước hiệu lực, hiệu quả và chuyên nghiệp hơn nhằm kéo giảm tai nạn, giảm ùn tắc giao thông; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự ATGT đường bộ.
Bộ Công an đề xuất luật mới sẽ tách khỏi Luật GTĐB 7 nhóm nội dung để đưa vào xây dựng Luật BĐTTATGTĐB gồm: Quy định cụ thể về hệ thống báo hiệu đường bộ, tốc độ và khoảng cách giữa các xe; quy định về đi đường bộ; thống nhất việc quản lý phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông; quy định cụ thể về tổ chức, chỉ huy, điều khiển và giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ; quy định về giám sát việc thi hành pháp luật và trách nhiệm pháp lý; vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về trật tự, ATGT...
Nêu lý do đề xuất xây dựng luật mới, Bộ Công an cho rằng, Luật GTĐB năm 2008 chỉ phù hợp với lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và vận tải đường bộ, chưa có điều chỉnh chuyên sâu về trật tự, ATGT đường bộ.
Trong khi đó, quản lý nhà nước về trật tự, ATGT đang bị phân tán, chồng chéo, không có bộ, ngành nào chịu trách nhiệm chính trong công tác bảo đảm trật tự, ATGT. Đặc biệt, việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn giữa cơ quan giao thông vận tải với cơ quan cảnh sát giao thông chưa rõ ràng, rành mạch.
Vì thế đã xuất hiện tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm về trật tự, ATGT, không ngành nào chịu trách nhiệm chính. Hầu hết các nước trên thế giới lực lượng cảnh sát đều đảm nhiệm việc đăng ký, quản lý phương tiện giao thông, kiểm tra kỹ thuật ATGT.
Theo Bộ Công an, việc xây dựng Luật BĐTTATGTĐB có điểm mới nổi bật là sẽ luật hóa đầy đủ và có hệ thống các quy định về trật tự ATGT; ưu tiên ứng dụng khoa học, kỹ thuật công nghệ hiện đại trong quản lý, giám sát, xử lý vi phạm trật tự ATGT đường bộ, hạn chế hành vi vi phạm của người tham gia giao thông; xác định rõ cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính và cơ quan có trách nhiệm phối hợp để bảo đảm hiệu quả, tránh chồng chéo hoặc bỏ sót các nhiệm vụ quản lý.
Liệu có đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ?
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng, việc chia tách Luật GTĐB thành hai luật khác nhau như đề xuất của Bộ Công an sẽ gây chồng chéo, tạo bộ máy cồng kềnh... trong quản lý.
Theo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), việc tách chức năng quản lý nhà nước làm hai phần riêng biệt sẽ không tạo được sự thống nhất trong quá trình triển khai các giải pháp đảm bảo ATGT, dẫn đến chồng chéo và tạo ra bộ máy cồng kềnh để thực thi pháp luật.
Cụ thể hơn, Bộ GTVT cho rằng, việc đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng GTĐB phải đi liền với tổ chức giao thông, biển báo, người tham gia giao thông, phương tiện tham gia giao thông, hoạt động vận tải. Xét dưới góc độ quản lý GTĐB thì đây là mối quan hệ biện chứng, thống nhất.
Việc xây dựng riêng Luật BĐTTATGTĐB với 3 nội dung: Quy tắc giao thông, phương tiện giao thông, người tham gia giao thông sẽ phá vỡ tính thống nhất, đồng bộ của Luật GTĐB và không đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Bên cạnh đó, gây chồng chéo, khó khăn trong quá trình thực thi, không đủ điều kiện để giải quyết tổng thể các vấn đề liên quan đến trật tự ATGT, đồng thời tăng đầu mối quản lý.
Từ đó, nhìn nhận tổng thể đối với các chính sách đề xuất của Bộ Công an trong đề nghị xây dựng Luật BĐTTATGTĐB, Bộ GTVT cho rằng, các chính sách này không bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật về GTĐB, trùng lặp với đề nghị xây dựng Luật GTĐB sửa đổi.
Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cũng cho rằng, không nên có thêm đạo luật trùng nhau vì “một lĩnh vực không mới thì không nên ban hành đạo luật mới. Với một đạo luật đã có như Luật GTĐB thì chỉ cần sửa đổi, bổ sung và không nên ban hành thêm luật mới bởi nếu không sẽ dẫn đến câu chuyện chồng chéo, mâu thuẫn, phiền phức.
Nguyên tắc là chỉ ban hành những luật mà trong xã hội có những vấn đề, những quan hệ xã hội mới mà chưa có quy định để điều chỉnh. Còn với những vấn đề đã cũ, không có gì mới thì không cần thiết phải xây dựng thành đạo luật riêng”.
Cùng có ý kiến như trên, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng: “Nếu xây dựng một luật riêng, có thể cảnh sát giao thông phải ôm đồm quá nhiều thứ. Nhiều quyền sẽ mâu thuẫn với năng lực quản lý hiện nay của nhiều lực lượng khác”. Với khối lượng công việc hiện nay, cảnh sát giao thông đang rất phải nỗ lực. thêm việc nữa sẽ “quá tải”.
Ông Quyền cũng không tán thành với đề xuất đưa nội dung xây dựng, thiết lập các biển báo, quy định tốc độ, tổ chức giao thông vào Luật BĐTTATGTĐB vì như vậy sẽ mâu thuẫn với quy định chức năng, nhiệm vụ của công tác quản lý hệ thống giao thông.
Từ lâu nay, việc tổ chức giao thông, hệ thống biển báo từ khâu về đầu tư xây dựng cho đến suốt quá trình duy tu, bảo trì đường thì các đơn vị quản lý đường bộ thuộc Bộ GTVT đảm nhiệm, nếu nay để ngành Công an làm sẽ dẫn đến chồng chéo. Nếu như tất cả mọi công việc liên quan đến ATGT chỉ do một cơ quan, một ngành làm thì tính chất khách quan, sự giám sát sẽ không đầy đủ.
Ngày 25 /2/ 2020, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã chủ trì cuộc họp cho ý kiến về Đề nghị xây dựng Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Đề nghị xây dựng Luật BĐTTATGTĐB. Theo Thông báo của Văn phòng Chính phủ thì tại cuộc họp này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình kết luận: “Trước mắt, giữ nguyên phạm vi điều chỉnh như Luật Giao thông đường bộ hiện hành”.
Về đề nghị xây dựng Luật BĐTTATGTĐB, Phó Thủ tướng cơ bản đồng ý về sự cần thiết xây dựng Luật nhưng “cần cân nhắc phạm vi và mức độ điều chỉnh của Dự án Luật này đối với các vấn đề về bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong nội dung điều chỉnh của Dự án Luật GTĐB (sửa đổi), cũng như của hệ thống pháp luật nói chung, tránh chồng chéo, trùng lắp.
Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Luật GTĐB (sửa đổi) có thể cân nhắc quy định một số vấn đề về bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ (trên cơ sở Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTĐB và đường sắt). Khi xây dựng Luật BĐTTATGTĐB sẽ kế thừa nội dung này của Luật GTĐB (sửa đổi) và bổ sung thêm các chính sách, nội dung cần thiết phục vụ yêu cầu bảo đảm trật tự, ATGT phù hợp với chức năng, thẩm quyền của Bộ Công an.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Đề nghị xây dựng Luật BĐTTATGTĐB, làm rõ hơn sự cần thiết, các đề xuất chính sách, đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện, bảo đảm đúng các yêu cầu lập pháp theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.