Có nên thay đổi cách xưng hô thầy - trò?

Không quan trọng chuyện thay đổi xưng hô, mà phải thay đổi phương pháp, chương trình và từ chính nhận thức của giáo viên, sau đó giáo viên cũng truyền tải nhận thức đó đến các em.

Tình cô trò thắm thiết. Ảnh: Khánh Huy

Tình cô trò thắm thiết. Ảnh: Khánh Huy

Trên trang Facebook cá nhân, nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân có bài viết yêu cầu giáo viên và cán bộ giáo dục không gọi học trò là con, đồng thời dẫn chứng các bài viết phân tích lý do.

Cụ thể, ông viết: “Đây không phải lần đầu tôi và nhiều người quan tâm lên tiếng. Chúng tôi yêu cầu Bộ Giáo dục & Đào tạo thảo sớm một quy chế về xưng hô trong nhà trường nói chung, trước hết là nhà trường phổ thông, trong đó điều thiết yếu. Một là cấm giáo viên không gọi (xưng hô) học trò là "con", "các con"; phải gọi là "trò", "các trò", "các em", "các bạn".

Hai là yêu cầu các nhà báo, các phương tiện truyền thông không gọi học trò mọi cấp (từ mẫu giáo đến đại học) là "các con", "con", khuyến khích các phương tiện truyền thông gọi học sinh là "các bạn"; cũng yêu cầu các nhà báo, các viên chức tại các giao tiếp sự vụ và công cộng, phải gọi người dạy học là "giáo viên", “giảng viên", không gọi là "thầy", "cô"; dành riêng cho học trò, người đang đi học cách gọi "thầy giáo", "cô giáo". Ba là khuyến khích học trò các cấp, nhất là sinh viên đại học, xưng "tôi" trước giáo viên, ngay cả trong không gian trường học”.

Sau khi bài viết của nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân được đăng tải, đã có khá nhiều tranh cãi xoay quanh vấn đề có nên thay đổi cách xưng hô thầy - trò hiện nay hay không? Theo tôi, việc thay đổi cách xưng hô không quan trọng bằng việc tạo tâm thế chủ động cho học trò Việt bởi đây mới là gốc rễ vấn đề. Tôi cho rằng bài viết của nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân có nhiều điểm đúng, trong đó quan trọng nhất nội dung ông muốn truyền tải là việc thay đổi xưng hô góp phần tạo tâm lý chủ động hơn cho học trò Việt - điều mà lâu nay giáo dục nước ta vẫn chưa làm được.

Nhìn ra thế giới, ngay từ bé, học sinh đã biết bày tỏ quan điểm, có thể trao đổi, đôi lúc tranh cãi đối với giáo viên về vấn đề mà các em quan tâm. Cách giáo dục ấy tạo ra sự chủ động cho các em từ bé đến lớn, không rụt rè, không sợ hãi thầy cô, không ngại bày tỏ ý kiến. Nếu mong muốn như thế, việc xưng hô cô - trò, hay cô - con, hay cô - em, không phải là tất cả gốc rễ của vấn đề. Không phải chỉ vì thay đổi xưng hô mà thay đổi được sự chủ động của trẻ. Sự chủ động của người học phụ thuộc vào chính nền giáo dục với các yếu tố giáo viên, chương trình và phương pháp dạy.

Vì thế, tôi cho rằng không quan trọng chuyện thay đổi xưng hô, mà phải thay đổi phương pháp, chương trình và từ chính nhận thức của giáo viên, sau đó giáo viên cũng truyền tải nhận thức đó đến các em. Chúng ta đều thấy rõ thực tế đội ngũ giáo viên hiện tại cũng đã có những thầy cô tăng tính chủ động cho học sinh, nhưng ít so với mặt bằng chung nên nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân mới có ý kiến như vậy.

Suy cho cùng, tính chủ động, tâm thế chủ động của học trò không phụ thuộc hoàn toàn vào xưng hô nên cá nhân tôi thấy không cần thiết phải thay đổi xưng hô, mà phải thay đổi 3 thành tố đã nêu ở trên, gồm: chương trình, giáo viên và phương pháp dạy.

Đan Đan

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/co-nen-thay-doi-cach-xung-ho-thay-tro-278660.html