Có nên tiếp tục dùng DNNN để ổn định vĩ mô

Để đất nước phát triển, để nền kinh tế phát triển, trước hết phải thay đổi tư duy về DNNN

Kinh tế nhà nước mà chủ lực là doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang bị giao quá nhiều mục tiêu, chịu nhiều áp lực, phải đảm đương vai trò chủ đạo, sử dụng nhầm làm công cụ ổn định vĩ mô nhưng lại không được tự chủ, tự quyết. Đây là tổng hợp những ý kiến của các chuyên gia đánh giá về vai trò của kinh tế nhà nước và hiệu quả của DNNN, được đưa ra tại một hội thảo về vấn đề này diễn ra mới đây tại Hà Nội.

Kinh tế nhà nước có vai trò mờ nhạt

Hiện nay, chủ trương chung vẫn là: Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo và dẫn dắt tạo động lực phát triển đối với nền kinh tế, là lực lượng vật chất quan trọng để nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, góp phần ổn định vĩ mô. Nhưng, nhìn lại 20 năm qua nhiều chuyên gia cho rằng vai trò của kinh tế nhà nước chưa rõ nét, mờ nhạt và không giữ được vai trò chủ đạo. Nguyên nhân vì lực lượng chính của kinh tế nhà nước là DNNN. Nhưng DNNN luôn hoạt động kém hiệu quả so với doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Để đất nước phát triển, để nền kinh tế phát triển, trước hết phải thay đổi tư duy về DNNN

Để đất nước phát triển, để nền kinh tế phát triển, trước hết phải thay đổi tư duy về DNNN

Đánh giá vai trò với nền kinh tế trên 6 nội dung: năng suất lao động, hiệu quả đầu tư, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, đóng góp vào ngân sách nhà nước, đóng góp cho đầu tư phát triển, tạo việc làm và đóng góp vào các ngành quan trọng của nền kinh tế, số liệu trong hơn một thập kỷ qua cho thấy DNNN chỉ có năng suất lao động là cao, còn lại mọi thứ đều giảm đi và thấp hơn khu vực FDI và khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Theo số liệu từ năm 2011 đến 2016, tỷ trọng của kinh tế nhà nước trong GDP có xu hướng giảm, đạt bình quân 28-29% GDP, đóng góp vào ngân sách nhà nước cũng giảm từ 43% xuống còn 32%, trong khi khu vực tư nhân và khu vực FDI thì tăng từ mức 28% lên mức 34% và 32%.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cho dù ở bất cứ quốc gia nào thì hiệu quả của DNNN luôn thấp hơn các thành phần kinh tế khác. “DNNN không có tội, lỗi là ở tư duy bắt kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”, ông nói. Cùng quan điểm, người tiền nhiệm ông Cung, TS. Lê Xuân Bá, bổ sung: “20 năm qua, chúng ta cố cho DNNN hoạt động hiệu quả hơn nhưng có được đâu”.

Tư duy phải đổi mới

TS. Nguyễn Đình Cung và TS. Lê Xuân Bá cùng quan điểm rằng dùng DNNN làm lực lượng vật chất, làm công cụ để ổn định vĩ mô thì chỉ làm hạn chế DNNN và làm méo mó thêm thị trường. Để điều tiết nền kinh tế, ổn định vĩ mô, nhà nước có nhiều công cụ khác như: chính sách tài khóa, chính sách an sinh xã hội và các nguồn lực của quản lý hành chính nhà nước… Sử dụng các công cụ này sẽ đem lại hiệu quả hơn rất nhiều sử dụng DNNN.

Bởi lẽ, khi là DN thì chức năng chính là sản xuất, kinh doanh, chỉ tập trung vào nhiệm vụ kinh tế. Nhưng nhiệm vụ của DNNN ở Việt Nam là đa mục tiêu, cả nhiệm vụ kinh tế lẫn nhiệm vụ chính trị, an sinh xã hội… Trong khi, DNNN lại bị gò bó bởi cả một hệ thống các quy định về cơ chế hoạt động tài chính, giám sát, quản lý cán bộ, lao động và tiền lương...

DNNN cũng không được tự chủ tự quyết như doanh nghiệp khác. DNNN không được tự chủ tìm quản lý giỏi, trả mức lương thực sự theo hiệu quả công việc mà vẫn bị khống chế trần... DNNN bị hạn chế phạm vi đầu tư vốn thành lập hoặc tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp, đầu tư bổ sung vốn, đầu tư mua lại doanh nghiệp khác. DNNN không được tự chủ quyết định việc chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài kể cả các khoản đầu tư giá trị thấp.

Khi thoái vốn, chuyển nhượng cổ phần phải theo nguyên tắc bảo toàn vốn... nên ở nhiều DNNN, vốn nhà nước mang bán đi bán lại nhiều lần không bán được... Các quyết định đầu tư phải qua nhiều trình tự, quy trình thủ tục phức tạp và qua nhiều cấp quản lý hành chính khác nhau kéo dài làm mất đi cơ hội đầu tư hoặc nhiều việc không triển khai được hoặc triển khai chậm làm giảm hiệu quả đầu tư...

Trong khi đó, với một số nhiệm vụ thì các thành phần kinh tế khác làm sẽ tốt hơn, hiệu quả hơn và nhà nước có thể đặt hàng họ theo nguyên tắc thị trường. “Cứ như thế thì bao nhiêu bức xúc lại đổ dồn vào DNNN, và DNNN không phát triển được”, Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung nói.

Nguyên Trưởng ban Nghiên cứu Cải cách và phát triển doanh nghiệp của CIEM, TS. Trần Tiến Cường bổ sung: “Phải xem xét lại mục tiêu, nhiệm vụ giao cho DNNN. Chúng ta giao cho DNNN quá nhiều mục tiêu lại lẫn lộn, cái gì cũng giao, giao việc hết sức hành chính lại không thống nhất khiến DNNN chịu rất nhiều áp lực”.

Theo các chuyên gia, để đất nước phát triển, để nền kinh tế phát triển, trước hết phải thay đổi tư duy về DNNN, vai trò chủ đạo của nền kinh tế cần được xác định lại, đó là kinh tế tư nhân. Đồng thời, cùng với quá trình cơ cấu lại DNNN và phát triển nền kinh tế thị trường ở mức cao hơn, hiện đại hơn, thì để điều tiết vĩ mô cần sử dụng công cụ là các chính sách vĩ mô, và khi đó DNNN chỉ là công cụ hỗ trợ cùng với công cụ chính sách để điều tiết vĩ mô.

TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng nếu vẫn tư duy kinh tế nhà nước là chủ đạo thì bàn mãi vấn đề cải cách hay nâng cao hiệu quả DNNN không khác gì “con kiến leo cành đa”. TS. Trần Tiến Cường bổ sung: Tư duy phải đổi mới đi, cứ mãi loay hoay với tư duy kinh tế nhà nước là chủ đạo thì những cuộc thảo luận về vấn đề này sẽ còn kéo dài đến bao giờ.

Linh Linh

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/co-nen-tiep-tuc-dung-dnnn-de-on-dinh-vi-mo-89204.html