Có nên tiếp tục hạ hàng rào công viên Thống Nhất?

Việc công viên Thống Nhất tháo dỡ hàng rào sắt phía đường Trần Nhân Tông đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân. Có nên tiếp tục tháo dỡ hàng rào xung quanh công viên hay không, đang là vấn đề cơ quan chức năng cân nhắc.

Sau 60 năm hoạt động, cuối tháng 12/2022, công viên Thống Nhất đã tháo dỡ hàng rào sắt, chuyển công viên sang mô hình mở, phục vụ miễn phí người dân. Việc chuyển đổi này không chỉ giúp người dân dễ dàng tiếp cận với không gian công cộng, mà còn góp phần phát huy giá trị đích thực của không gian xanh, nâng chất lượng sống của người dân.

Mặc dù mới chỉ thực hiện việc dỡ bỏ đoạn hàng rào bao quanh công viên phía đường Trần Nhân Tông, nhưng động thái này đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người dân. Đa số người dân ủng hộ và cho rằng, không gian công viên thoáng đãng, thuận tiện hơn, “rặng rào” là những luống hoa hồng khiến công viên trở nên lãng mạn, hấp dẫn khách tham quan hơn.

Bên cạnh những tín hiệu tích cực thì thực tế cũng ghi nhận những phản hồi chưa tốt từ phía người dân, đó là tình trạng chó thả rông không được rọ mõm trong công viên nhiều hơn trước; nhiều người còn thiếu ý thức khi vẫn đi xe máy trong công viên; một số người còn vô ý dẫm lên cỏ để vào công viên khiến một dải cỏ lớn bị phá hỏng, trơ nền đất... Điều này vừa làm xấu cảnh quan, vừa gây mất an toàn, an ninh trong công viên…

Công viên Thống Nhất tháo dỡ hàng rào sắt phía đường Trần Nhân Tông đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân Thủ đô

Công viên Thống Nhất tháo dỡ hàng rào sắt phía đường Trần Nhân Tông đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân Thủ đô

Ông Ma Kiên Hán - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên Thống Nhất cho biết, từ khi dỡ rào, lượng khách đến công viên tăng từ 20-30% so với trước, trong đó có nhiều khách nước ngoài. Tuy nhiên, với mô hình công viên mở, công tác quản lý cũng vất vả hơn trong khi nguồn nhân lực còn mỏng.

Mặc dù công viên có bãi gửi xe rộng rãi, thế nhưng một số người thiếu ý thức vẫn điều khiển xe máy, xe đạp đi thẳng từ ngoài đường vào công viên. Thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục phối hợp với công an phường và ra quân xử phạt những trường hợp này nhằm tạo hiệu ứng tốt cho công viên, đồng thời, để người dân vào vui chơi, tham gia các hoạt động trong công viên cảm thấy thoải mái, an toàn.

Tình trạng chó thả rông, không rọ mõm, tự do chạy nhảy trong công viên khiến nhiều người bức xúc

Tình trạng chó thả rông, không rọ mõm, tự do chạy nhảy trong công viên khiến nhiều người bức xúc

Với việc thả rông chó trong công viên, ông Hán cho biết, tại các cổng chính ra, vào công viên đều đã đặt biển cảnh báo nghiêm cấm không mang dắt chó vào trong, tuy nhiên, việc này mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, nhắc nhở. Để xử phạt thì công viên cần phối hợp với các ngành chức năng chứ hiện tại chưa có chế tài xử phạt.

“Tới đây, để thu hút khách tham quan, cán bộ, công nhân viên Công viên Thống Nhất sẽ tiếp tục tuyên truyền, nhắc nhở, vận động người dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Nhà nước, đảm bảo cho người dân cũng như khách tham quan vui chơi, giải trí nghỉ ngơi, thư giãn trong công viên luôn cảm thấy yên tâm, an toàn, đặc biệt là các cháu nhỏ. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với quận Hai Bà Trưng, phường Lê Đại Hành, Nguyễn Du lập tổ công tác chuyên đề, nhằm ngăn chặn người đi xe máy trái phép trong công viên cũng như tình trạng chó thả rông, không rọ mõm trong công viên”, ông Ma Kiên Hán nói.

Sẽ cân nhắc việc tiếp tục hạ rào công viên

Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 63 công viên, vườn hoa, tập trung chủ yếu tại 4 quận nội đô lịch sử. Các công viên, vườn hoa này hình thành đã lâu, chủ yếu phục vụ công ích và do UBND các quận quản lý. Do hình thành đã lâu nên diện mạo kiến trúc, cảnh quan, thảm cỏ, cây hoa, đường dạo, chiếu sáng... tại nhiều công viên, vườn hoa bị xuống cấp, lạc hậu, thiếu đồng bộ.

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch cải tạo, nâng cấp, sửa chữa 45 công viên, vườn hoa giai đoạn 2021-2025. 3 công viên thuộc sự quản lý của thành phố là Thống Nhất, Thủ Lệ, Bách Thảo cũng nằm trong kế hoạch cải tạo, nâng cấp tổng thể, giai đoạn 2021-2025.

Ông Ma Kiên Hán cho biết, những công viên này sẽ được nâng cấp ở mức độ 1, tức mức độ cao nhất. Hiện, Công ty TNHH MTV Công viên Thống Nhất đang phối hợp với Sở Xây dựng thành phố Hà Nội nghiên cứu, cải tạo, nâng cấp công viên theo mức độ 1. Phía công ty đã cung cấp hiện trạng, điều tra, khảo sát nhu cầu, tâm lý của người dân khi muốn vào công viên, với mục tiêu, công viên Thống Nhất được cải tạo nâng cấp sẽ là một điểm đến hấp dẫn du khách khi đến Hà Nội. Đồng thời, sẽ là nơi vui chơi, thư giãn lý tưởng của người dân Thủ đô hàng ngày.

Công viên Thống Nhất sẽ được cải tạo, nâng cấp để trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch

Công viên Thống Nhất sẽ được cải tạo, nâng cấp để trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch

Cũng theo ông Hán, sau khi cải tạo nâng cấp và cung cấp thêm các dịch vụ gia tăng khác, công viên sẽ mở ra không gian văn hóa ẩm thực, không gian văn hóa đọc sách, không gian văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, người dân vào đây không chỉ để tập thể dục mà các cháu nhỏ được vui chơi giải trí, bố mẹ nghỉ ngơi thư giãn và sử dụng các dịch vụ gia tăng trong công viên.

“Chúng tôi sẽ tăng cường hệ thống chiếu sáng trong công viên, đảm bảo công viên sẽ đẹp về hoa vào ban ngày và sẽ lung linh tỏa sáng vào ban đêm, phấn đấu lượng khách vào công viên ban đêm sẽ bằng lượng khách công viên vào ban ngày. Chúng tôi hướng đến mục tiêu sẽ hình thành nên công viên lịch sử văn hóa và mang tính chất nghỉ ngơi, thư giãn là chính. Những trò chơi cảm giác mạnh sẽ không được bố trí trong công viên. Bên cạnh đó, sẽ tập trung vào việc nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, bao gồm các khu cấp thoát nước, đường dạo, phân khu chức năng của vườn hoa tiểu cảnh và thiết kế”, ông Ma Kiên Hán cho hay.

Vấn đề được nhiều người quan tâm hiện nay là công viên Thống Nhất có tiếp tục hạ hàng rào bao quanh công viên không? Ông Ma Kiên Hán chia sẻ, công viên có 4 mặt phố, hiện tại mới hạ rào được tuyến Trần Nhân Tông, 3 tuyến phố còn lại là Nguyễn Đình Chiểu, Đại Cồ Việt và đường Lê Duẩn. Giai đoạn tới, phía công ty sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành của thành phố, đánh giá lại hiệu quả sau khi hạ rào tuyến phố Trần Nhân Tông. 3 tuyến phố còn lại có những đặc thù riêng, ví dụ, vị trí đường Lê Duẩn và đường Nguyễn Đình Chiểu tiếp giáp với khu dân cư và một số cơ quan trên địa bàn.

Thứ hai là có hiện tượng chênh cốt giữa vỉa hè và mặt bằng trong công viên, đặc biệt là đường tuyến đường Đại Cồ Việt, khi làm hàng rào sẽ có sự chênh cốt lớn, có nơi chênh trên 1m. Đây là điều cần phải nghiên cứu kỹ. Một vấn đề nữa là việc làm sao đảm bảo an ninh trật tự và xã hội, mở hàng rào thì rất dễ nhưng để quản lý thì không hề đơn giản.

Vấn đề thứ 3 là tình trạng giao thông của Hà Nội, đặc biệt là tuyến đường Lê Duẩn, vào giờ cao điểm sáng, chiều thường xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Do vậy, cần có biện pháp để đảm bảo cho người dân tiếp cận công viên dễ dàng, tránh tình trạng khi ùn tắc giao thông, các phương tiện phi cả vào công viên. Điều này đã từng xảy ra trên một số tuyến phố Hà Nội, khi ùn tắc, người dân có thể lao lên vỉa hè, có thể đi ngược chiều, rất khó quản lý.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, thành phố nghiên cứu để đề ra phương án tốt nhất trước khi tiếp tục mở hàng rào hoặc quyết định có mở nữa hay không. Nếu mọi việc thuận lợi, trong tương lai có thể sẽ mở tiếp một nửa hoặc 2/3 công viên”, ông Ma Kiên Hán nói.

Theo KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, bản chất công viên là không gian công cộng để mọi người đều có thể tiếp cận. Hàng rào đối với các công trình nói chung, công viên, vườn hoa nói riêng lâu nay không chỉ là phân định địa phận, ranh giới, mà còn là giải pháp kỹ thuật hữu hiệu trong công tác bảo vệ phạm vi công trình, chống lấn chiếm đất, bảo vệ an ninh trật tự bên trong công trình. Với việc mở hàng rào công viên Thống Nhất, đã có những băn khoăn nhất định trong việc bảo đảm an ninh, an toàn, tổ chức hoạt động cho các khu vực không gian cộng mở như vậy.

Công viên Thống Nhất đã dỡ bỏ một phần hàng rào để thử nghiệm trước, ngăn cách hàng rào bằng những dải hoa hồng, cây xanh là điều rất đáng hoan ngênh. Tuy nhiên, cũng phải đặt ra vấn đề là khi bỏ hàng rào rồi, công viên được đi lại tự do nhưng vẫn phải có sự quản lý. Bởi vì vườn hoa, cây cảnh, các công trình ở trong công viên là tài sản của nhà nước, người dân phải có trách nhiệm bảo vệ. Không thể hái hoa, không thể mang chó thả rông, không thể đi tiểu tiện, vệ sinh bữa bãi, ý thức công dân phải được nâng lên.

“Chúng ta đang trong thời kỳ công nghệ chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo nên không có lý do gì không lắp được các thiết bị cảm ứng, thiết bị bảo vệ trong công viên. Công viên không nên mở toang hết, phải mở từ từ. Cần phải nâng cấp công viên, Hà Nội nên có cuộc thi thiết kế cảnh quan công viên, cuộc thi dành cho các kiến trúc sư, công ty tư vấn… để biến công viên trở thành công viên sáng tạo, không gian sáng tạo. Nếu làm được những điều này thì sẽ hấp dẫn khách du lịch, quảng bá hình ảnh của Hà Nội thân thiện, hòa bình, mến khách”, ông Phạm Thanh Tùng cho hay./.

Chung Thủy/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/co-nen-tiep-tuc-ha-hang-rao-cong-vien-thong-nhat-post1007951.vov