Có nên tổ chức thi khoa học kỹ thuật đại trà cho học sinh phổ thông?
Giáo viên đề nghị ngành giáo dục không triển khai đại trà Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông để hạn chế tiêu cực là có cơ sở.
Bàn về Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông, nhiều giáo viên chia sẻ, Cuộc thi này nếu được ngành giáo dục triển khai đại trà thì rất có thể sẽ dẫn đến "bệnh thành tích" trong các nhà trường phổ thông.
Không ít các nhà trường phổ thông làm trái mục đích, yêu cầu Cuộc thi Khoa học kĩ thuật
Ngày 10/4/2024 Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Thông tư số 06/2024/TT-BGDĐT ban hành Quy chế Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu "Nội dung nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của học sinh bảo đảm thiết thực, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi và yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh theo mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông;
Việc tổ chức cho học sinh tham gia nghiên cứu khoa học, kỹ thuật bảo đảm an toàn, nghiêm túc, công khai, minh bạch, phù hợp với năng lực, sở trường, hứng thú và tự nguyện tham gia của học sinh;
Việc tổ chức Cuộc thi bảo đảm thiết thực, hiệu quả, trung thực, khách quan, đánh giá đúng năng lực học sinh."
Có thể nhận thấy, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định việc tổ chức cuộc thi khoa học kĩ thuật dành cho học sinh phổ thông rất cụ thể, rõ ràng.
Nếu các nhà trường phổ thông làm đúng theo những quy định trên thì sẽ "Khuyến khích học sinh nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn".
Cùng với đó, "Góp phần đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; thúc đẩy giáo dục tích hợp khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM); nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục" như mục đích của Cuộc thi đề ra.
Tuy vậy, hiện nay Cuộc thi Khoa học kĩ thuật dành cho học sinh phổ thông vẫn tồn tại tình trạng: lãnh đạo trường học "ép" giáo viên phải có đề tài hướng dẫn cho học sinh; giáo viên làm thay học sinh nhiều công đoạn; giáo viên xin, mua đề tài từ đồng nghiệp trường khác hoặc trên mạng; học sinh từ lớp 8 đến lớp 12 dự thi đại trà.
Minh chứng, một số giáo viên cho biết, thầy cô chưa từng hướng dẫn học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông dự thi khoa học kĩ thuật nhưng hiệu trưởng yêu cầu họ phải đăng kí đề tài trong năm học.
Riêng học sinh dự thi khoa học kĩ thuật theo kiểu đại trà, không ít lãnh đạo nhà trường muốn các em tham gia càng nhiều càng tốt cho có phong trào hoặc (được cho) là để thúc đẩy việc học STEM/STEAM trong trường có hiệu quả.
Chính những điều này đã khiến Cuộc thi Khoa học kĩ thuật dành cho học sinh phổ thông không còn là sân chơi của các em mà trở thành nơi thi thố để giáo viên lấy thành tích.
Nhầm lẫn giữa thi khoa học kĩ thuật và STEM
Hiện nay, lãnh đạo và giáo viên ở nhiều trường học vẫn còn nhầm lẫn giữa thi khoa học kĩ thuật và STEM, đây cũng là nguyên nhân chính khiến cuộc khoa học kỹ thuật được triển khai đại trà.
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã từng nói, nghiên cứu khoa học là một bậc cao hơn của giáo dục STEM mà Bộ đang đặt ra trong lộ trình đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông.
Và vì thế, mục tiêu lớn hơn của Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học là góp phần phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh.
Học sinh không chỉ được thực hành, trải nghiệm, ứng dụng kiến thức vào giải quyết một đề tài cụ thể, chế tác một sản phẩm cụ thể mà phát triển nhiều thứ như tư duy khoa học, năng lực khai thác tài liệu, năng lực thuyết trình, phản biện, các kỹ năng làm việc nhóm.
Sự hiểu biết các em có được từ việc này không chỉ hạn hẹp ở lĩnh vực đề tài các em thực hiện mà có thể mở rộng hơn.
Còn STEM là gì? Tại Mục 2 Công văn 3089/BGDĐT-GDTrH năm 2020 có nêu định nghĩa cụ thể STEM như sau:
Giáo dục STEM là một phương thức giáo dục nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức khoa học gắn liền với ứng dụng của chúng trong thực tiễn.
Nội dung bài học theo chủ đề STEM gắn với việc giải quyết tương đối trọn vẹn một vấn đề, trong đó học sinh được tổ chức tham gia học tập một cách tích cực, chủ động và biết vận dụng kiến thức vừa học để giải quyết vấn đề đặt ra; thông qua đó góp phần hình thành phẩm chất năng lực cho học sinh.
Theo đó, giáo dục STEM là một phương thức giáo dục nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức khoa học gắn liền với ứng dụng của chúng trong thực tiễn.
Cụ thể, STEM là thuật ngữ tiếng Anh được viết tắt từ bốn chữ: Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật), Maths (Toán học). Hiện phương pháp này còn bổ sung thêm môn nghệ thuật (Art) với tên gọi STEAM.
Như vậy, STEM là mô hình giáo dục theo cách tiếp cận liên môn. Thay vì học từng môn tách biệt, rời rạc, STEM tích hợp kiến thức từ nhiều lĩnh vực khác nhau, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, rèn luyện tư duy đa chiều, giúp học sinh tìm hiểu tường tận nguồn gốc của vấn đề bằng cảm nhận tai nghe, mắt thấy, tay làm.
STEM là phương pháp giáo dục nâng cao rèn luyện kỹ năng liên quan đến 4 yếu tố: khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học.
Quy trình xây dựng bài học STEM trong giáo dục được thực hiện như sau: Bước 1: Lựa chọn nội dung dạy học; Bước 2: Xác định vấn đề cần giải quyết; Bước 3: Xây dựng tiêu chí của sản phẩm/giải pháp giải quyết vấn đề; Bước 4: Thiết kế tiến trình tổ chức hoạt động dạy học.
Nhìn chung, nhiều giáo viên đề nghị ngành giáo dục không triển khai đại trà Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông để hạn chế tiêu cực là hoàn toàn có cơ sở.