Có nên tước bằng lái vĩnh viễn tài xế nghiện ma túy?
Nhiều bạn đọc, chuyên gia cho rằng cần tước bằng lái vĩnh viễn đối với tài xế nghiện ma túy nhưng cần cân nhắc một số điều kiện.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông sáu tháng đầu năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ GTVT khẩn trương đề xuất sửa luật theo hướng tước bằng lái vĩnh viễn đối với tài xế nghiện ma túy. Nhiều bạn đọc, chuyên gia đã bày tỏ quan điểm về vấn đề này.
Cần sớm luật hóa để tước bằng vĩnh viễn
• Thà cấm trước để trừ họa về sau
Tôi làm tài xế trên 10 năm. Theo tôi, để giảm tai nạn giao thông thì phải nên đánh mạnh vào cái bằng của tài xế thì mới có hiệu quả được. Bởi để làm nghề tài xế thì trước tiên phải có bằng lái. Nếu một người bị tước bằng lái vĩnh viễn thì cũng đồng nghĩa với việc họ sẽ mất đi chén cơm nuôi sống bản thân và gia đình.
Đây là một chế tài rất nặng nhưng là điều cần làm, rất nên làm. Khi cầm vô lăng, họ phải biết trong tay họ đang nắm rất nhiều sinh mạng con người. Nếu đang lái xe mà lên cơn nghiện, không kiềm chế được hành vi rồi gây ra tai nạn cho người khác là một tội ác không thể chấp nhận được.
Theo tôi, ngoài việc thu bằng vĩnh viễn tài xế nghiện ma túy thì nên bổ sung hình thức đi cai nghiện bắt buộc.
Anh TRƯƠNG MINH LUẬN, tài xế xe tải đường dài
• Cần động thái quyết liệt
Tôi hoàn toàn tán đồng với ý kiến của Thủ tướng, nên tước vĩnh viễn giấy phép lái xe của các tài xế sử dụng chất kích thích, ma túy.
Đã có quá nhiều vụ tai nạn giao thông tàn khốc xảy ra khi tài xế sử dụng chất ma túy và thực tế những cá nhân sử dụng ma túy, chất kích thích rất khó có thể cai nghiện hoặc cai nghiện xong thì rất dễ tái nghiện. Hiện nay một bộ phận tài xế rất tinh vi che giấu việc sử dụng ma túy, chất kích thích trước các biện pháp kiểm tra.
Vì vậy, không có lý do gì để những tài xế này có thể tiếp tục điều khiển phương tiện giao thông, tiếp tục gây nên những vụ tai nạn thương tâm khác.
Tôi cho rằng nên luật hóa đề xuất của Thủ tướng càng sớm càng tốt. Đồng thời, tăng cường công tác tuần tra của cơ quan chức năng để kịp thời phát hiện và xử phạt tài xế vi phạm.
Ông TRƯƠNG NHẤT VƯƠNG, giáo viên dạy lái xe tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp Vinasme Tây Nguyên
Cần cân nhắc thêm
• Nên đưa đi cai nghiện bắt buộc
Trước đề xuất tài xế nghiện ma túy phải bị thu vĩnh viễn bằng lái xe của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tôi cho rằng đây là một biện pháp có tính răn đe rất cao, ít tốn kém và mang lại hiệu quả lớn.
Thực tế đã có rất nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm xảy ra chỉ vì tài xế sử dụng chất kích thích, ma túy. Hành vi này của tài xế chẳng khác nào hành vi giết người. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, việc tịch thu vĩnh viễn bằng lái xe là tuyệt đường sinh nhai của người tài xế. Điều này dễ dẫn đến tệ nạn khác khi xã hội có thêm một bộ phận vừa nghiện ngập, vừa thất nghiệp.
Do đó, thiết nghĩ chúng ta cần có một quy định bắt tài xế sử dụng ma túy phải đi cai nghiện bắt buộc. Kèm theo đó nên tăng thời gian tước bằng lái xe cho đến khi tài xế cai nghiện thành công.
Mặt khác, chủ hãng xe, chủ phương tiện giao thông nên tạo điều kiện kiểm tra sức khỏe định kỳ cho tài xế, ưu tiên phần kiểm tra về ma túy, chất kích thích để kịp thời xử lý các tài xế vi phạm.
Ông LÊ ĐỨC THÀNH, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thành Bưởi
• Nên cho cơ hội sửa sai
Theo tôi, Chính phủ và các ban, ngành nên nghiên cứu tăng mức phạt đối với các tài xế sử dụng chất kích thích mà gây ra tai nạn giao thông. Đồng thời, để ngăn chặn việc sử dụng ma túy khi lái xe thì các cơ quan chức năng nên tổ chức khám sức khỏe định kỳ và khi phát hiện tài xế nào dương tính với ma túy sẽ thu hồi bằng lái tạm thời cho đến khi họ cai nghiện thành công.
Với đề xuất tước bằng lái vĩnh viễn đối với tài xế nghiện ma túy, tôi nghĩ nên thận trọng, cho người ta cơ hội sửa sai. Nếu đã tước bằng có thời hạn một lần mà vẫn tái sử dụng chất ma túy, kích thích thì hãy tước vĩnh viễn bằng lái.
Tài xế TRẦN NGON, có kinh nghiệm tám năm lái xe tải
tại một công ty ở Sóc Trăng
Tước bằng vĩnh viễn, phải sửa Luật Xử lý vi phạm hành chính
Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Bộ GTVT, cho biết theo Nghị định 46/2016 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, hành vi điều khiển ô tô trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy bị phạt tiền 16-18 triệu đồng hoặc tước bằng lái xe 22-24 tháng.
Tuy nhiên, thời gian qua nhiều tài xế sử dụng chất kích thích điều khiển phương tiện gây tai nạn giao thông nghiêm trọng, vì vậy Thủ tướng giao cho Bộ GTVT nghiên cứu sửa đổi Nghị định 46 theo hướng tăng mức phạt đối với các hành vi này. Theo đó, trong dự thảo sửa đổi Nghị định 46, Bộ GTVT đề xuất tăng kịch khung đối với hành vi sử dụng rượu, bia, ma túy điều khiển phương tiện. Trong đó, người điều khiển phương tiện giao thông mà trong cơ thể có chất ma túy bị xử phạt 38-40 triệu đồng, tước bằng lái xe 24 tháng. Bên cạnh đó, phạt nặng doanh nghiệp vận tải (chủ xe) để tài xế nghiện ma túy điều khiển phương tiện giao thông.
“Tôi rất tán đồng quan điểm cho rằng tài xế dương tính với ma túy rất khó cai nghiện. Nếu không tước bằng lái vĩnh viễn, họ sẽ tiếp tục gây tai nạn nghiêm trọng hơn.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, mức tiền phạt cao nhất là 40 triệu đồng và tước bằng lái tối đa 24 tháng. Vì vậy, Thủ tướng đã giao cho Bộ Tư pháp nghiên cứu, sửa đổi các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính để xử nghiêm người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng ma túy” - ông Thạch thông tin.
Nguồn PLO: https://plo.vn/ban-doc/co-nen-tuoc-bang-lai-vinh-vien-tai-xe-nghien-ma-tuy-847788.html