Có nên vay mượn tiền để lướt sóng vàng?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đưa ra nhận định xung quanh việc vay mượn tiền để mua vàng hoặc sử dụng vàng vay để bán khống.
Giá vàng liên tục lập đỉnh mới
Sáng 12/4, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng tại 102,7 - 106,2 triệu đồng, tăng 500.000 đồng chiều mua vào và 1 triệu đồng chiều bán ra so với cuối chiều hôm qua. Chênh lệch giá mua và bán được nới rộng lên 3,5 triệu đồng mỗi lượng.
Các thương hiệu sáng nay cũng nâng giá bán nhẫn trơn lên 105 triệu đồng mỗi lượng, không có sự chênh lệch giá đáng kể giữa các tiệm kim hoàn lớn. Vàng nhẫn trơn được SJC nâng lên 101,4 - 105 triệu đồng. Tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), giá vàng nhẫn sáng nay lên 101 - 104,7 triệu đồng. Còn Bảo Tín Minh Châu niêm yết nhẫn trơn tại 101,5 - 105 triệu đồng.

Giá vàng liên tục thiết lập đỉnh mới, chuyên gia khuyến cáo thận trọng khi đầu tư.
Phân tích về diễn biến giá vàng thời gian qua, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TPHCM, cho rằng, vài ngày trước giá vàng lao dốc do đã tăng cao, áp lực chốt lời lớn. Thời điểm đó, thị trường chứng khoán cũng đỏ lửa, áp lực call margin lớn khiến một số nhà đầu tư bán chốt lời vàng để cứu tài khoản chứng khoán, dẫn đến giá vàng điều chỉnh mạnh. Thế nhưng, chỉ hai phiên sau đó, giá vàng đã tăng đạt đỉnh mới.
Lý do, những bất ổn của kinh tế toàn cầu, đặc biệt là tác động từ các cuộc thương chiến, dấy lên mối lo ngại về suy thoái, lạm phát tại Mỹ. Điều này khiến nhà đầu tư tìm đến kênh trú ẩn an toàn, trong đó có vàng, dẫn đến nhu cầu vàng tăng cao. Do đó, các chuyên gia nhận định giá vàng thế giới sẽ tăng lên mốc 3.600 USD/ounce trong năm nay là có thể xảy ra.
Hiện nay, giá vàng vẫn tăng, giảm chưa thật sự ổn định do yếu tố khách quan từ tình hình kinh tế thế giới. Giá vàng còn phụ thuộc nhiều vào các biến số từ thị trường tài chính thế giới, lãi suất, tỷ giá, giá dầu… Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến thị trường, căn cứ vào mục tiêu, chính sách tiền tệ trong thời gian tới để xem xét giải pháp can thiệp.
Về giải pháp căn cơ, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các bộ, ngành đánh giá tổng kết Nghị định số 24, tham mưu, đề xuất với Chính phủ về các giải pháp giải quyết vấn đề, tồn tại, hạn chế trong thời gian qua. Về lâu dài, quan điểm chung của Ngân hàng Nhà nước là chống vàng hóa, thực hiện các giải pháp để vàng không phải là mặt hàng hấp dẫn để đầu cơ.
Giá vàng được dự báo còn nhiều biến động
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp tại Học viện Tài chính, giá vàng trong nước đang ở mức cao, nhưng cũng không dễ dự đoán chính xác liệu xu hướng này có tiếp tục hay sẽ điều chỉnh giảm trong thời gian tới. Ông nhấn mạnh rằng trừ khi nhà đầu tư có kế hoạch nắm giữ vàng trong dài hạn từ 5 đến 10 năm, còn nếu chỉ đầu tư ngắn hạn thì tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, đặc biệt là khi giá vàng trong nước bị chi phối mạnh bởi giá vàng thế giới.
Vì vậy, chuyên gia này khuyến nghị nhà đầu tư cần hết sức thận trọng và chờ đợi cho đến khi giá vàng ổn định trở lại để có cơ hội sinh lời tốt hơn. Đồng thời, nên phân bổ danh mục tài sản hợp lý, không nên dồn quá nhiều vốn vào vàng. Tỷ trọng vàng trong danh mục đầu tư lý tưởng chỉ nên ở mức 10-20%, tránh tình trạng đặt cược toàn bộ vào kim loại quý này.
Giá vàng trong nước và thế giới tiếp tục duy trì đà tăng mạnh, tiệm cận mức cao kỷ lục. Nguyên nhân chính đến từ các yếu tố kinh tế, địa chính trị và xu hướng mua vàng của các tổ chức tài chính lớn.
Các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đang liên tục mua ròng vàng để gia tăng dự trữ ngoại hối, phòng tránh rủi ro trước những biến động khó lường của kinh tế toàn cầu. Xu hướng này phản ánh sự dịch chuyển chiến lược nhằm bảo vệ tài sản trước nguy cơ suy giảm giá trị của đồng tiền pháp định, lạm phát và bất ổn tài chính.
Cùng với đó, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và một số quốc gia lớn đang có dấu hiệu căng thẳng trở lại, tác động trực tiếp đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Khu vực Trung Đông tiếp tục đối mặt với những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến giá năng lượng và tâm lý thị trường. Xung đột giữa Mỹ và Haiti có những động thái căng thẳng hơn, khiến dòng tiền tìm đến vàng.
Theo vị chuyên gia, khi bất ổn gia tăng, nhà đầu tư thường có xu hướng tìm kiếm các kênh trú ẩn an toàn, trong đó vàng luôn được xem là lựa chọn hàng đầu. Nhu cầu mua vàng vật chất, đặc biệt là vàng nhẫn và vàng SJC tăng mạnh tại nhiều quốc gia, bao gồm cả Việt Nam. Do đó, trong ngắn hạn, giá vàng có thể dao động mạnh, phụ thuộc vào diễn biến kinh tế vĩ mô và quyết sách của các ngân hàng trung ương.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng cảnh báo tuyệt đối không vay mượn tiền để mua vàng hoặc sử dụng vàng vay để bán khống, bởi giá vàng ở mức cao có thể đảo chiều bất ngờ, gây ra thua lỗ lớn.
Giá vàng đang ở vùng đỉnh lịch sử và trong trạng thái quá mua, nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ trước khi ra quyết định. Tránh tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội) dẫn đến mua vàng ở mức giá cao mà không có chiến lược quản lý rủi ro.
Đồng thời, không nên tập trung toàn bộ nguồn lực vào vàng mà cần phân bổ hợp lý sang các kênh đầu tư khác, như chứng khoán, trái phiếu, bất động sản, tiết kiệm... Đặc biệt, nên xem xét các cơ hội đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp để tận dụng đà phục hồi kinh tế và dòng vốn FDI đang chảy mạnh vào Việt Nam.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/co-nen-vay-muon-tien-de-luot-song-vang-169250412161209952.htm