Có nên xây thêm nhà máy chế biến tinh bột sắn?
Nông dân ở xã Hòa Hội (huyện Phú Hòa) đang thu hoạch sắn. Ảnh: ANH NGỌC
Vừa qua, huyện Sơn Hòa đề xuất chủ trương đầu tư xây mới nhà máy sản xuất, chế biến tinh bột sắn tại địa phương này. Tuy nhiên, vấn đề này đang vấp phải nhiều luồng ý kiến.
Người dân mong chờ nhà máy
Theo người trồng sắn tại huyện Sơn Hòa và các địa phương lân cận, nếu tỉnh đồng ý chủ trương xây nhà máy sản xuất, chế biến tinh bột sắn tại huyện Sơn Hòa thì người dân sẽ chủ động phát triển vùng nguyên liệu, tập trung đầu tư để nâng cao năng suất, chất lượng cũng như ổn định việc thu mua sắn nguyên liệu, tiết kiệm chi phí vận chuyển…
Ông Phan Tấn Hùng ở xã Hòa Hội (huyện Phú Hòa), cho biết: Gia đình tôi có 12ha đất canh tác chuyên trồng mía và sắn, trong đó diện tích trồng sắn khoảng 3ha. Lâu nay, sắn thu hoạch thì bán cho thương lái rồi họ bán cho nhà máy ở Sông Hinh, hoặc bán ra huyện Vân Canh (tỉnh Bình Định). Những năm sắn nguyên liệu có giá, thương lái tranh nhau mua, còn khi sắn hạ giá thì không ai mua, sắn bị bỏ thối ngoài đồng.
Mới đây, chúng tôi có nghe thông tin về việc chính quyền đề xuất đầu tư một nhà máy chế biến tinh bột sắn tại huyện Sơn Hòa nên rất vui. Có nhà máy chế biến ở gần vùng sản xuất, nông dân sẽ thuận lợi hơn trong việc ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, được nhà máy đầu tư giống mới kháng sâu bệnh, được chuyển giao kỹ thuật chăm sóc để cây trồng đạt năng suất, chất lượng cao.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Huỳnh Long Bình ở xã Sơn Hà (huyện Sơn Hòa) chia sẻ thêm: Nếu trên địa bàn huyện được đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thì việc thu mua sắn nguyên liệu cho bà con sẽ gặp nhiều thuận lợi, nông dân không phải chịu thêm khoản chi phí vận chuyển như lâu nay. Có nhà máy chế biến, nông dân sẽ tập trung đầu tư ổn định lâu dài, chủ động trong các khâu sản xuất, thu hoạch và từ đó chắc chắn sẽ có thu nhập khá hơn.
Theo UBND huyện Sơn Hòa, niên vụ 2020-2021, nông dân trên địa bàn huyện trồng khoảng 8.320ha sắn, đứng thứ 2 về diện tích trồng sắn trong tỉnh. Cùng với cây mía, sắn là cây trồng chủ lực của địa phương giúp xóa đói, giảm nghèo, chính vì thế việc đề xuất xây dựng thêm nhà máy chế biến tinh bột sắn là mong muốn lâu nay của địa phương.
“Huyện đã kiến nghị tỉnh và rất mong muốn có doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn. Khi có nhà máy chế biến, huyện sẽ tập trung đầu tư ổn định vùng nguyên liệu, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất góp phần nâng cao năng suất, chất lượng đối với cây sắn. Đây là điều kiện để hình thành chuỗi giá trị gia tăng trong sản phẩm nông nghiệp từ khâu trồng đến chế biến và tiêu thụ, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở địa phương theo hướng bền vững hơn”, ông Alê Y Bớ, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa nói.
Cần tính toán kỹ trong đầu tư
Việc huyện Sơn Hòa đề xuất xây dựng mới nhà máy sản xuất, chế biến tinh bột sắn trên địa bàn là tín hiệu vui trong thu hút đầu tư, nhất là trên lĩnh vực chế biến nông, lâm sản. Nhà máy đi vào hoạt động, ngoài tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương còn góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông sản.
Tuy nhiên, việc xây dựng thêm nhà máy chế biến tinh bột sắn, một lĩnh vực chế biến nông sản được coi là “nhạy cảm” về môi trường cần được các cơ quan chức năng của tỉnh cân nhắc, xem xét thấu đáo.
Theo Sở KH-ĐT, có một số lý do chưa thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng mới nhà máy sản xuất tinh bột sắn tại huyện Sơn Hòa. Trong đó, Nghị quyết 22 ngày 5/4/2013 của Tỉnh ủy định hướng từ năm 2015 trở đi không khuyến khích đầu tư tăng thêm công suất đối với 2 nhà máy chế biến tinh bột sắn hiện có và không xây mới nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh.
Còn theo Sở NN-PTNT, diện tích trồng sắn toàn tỉnh hiện nay khoảng 23.880ha, sản lượng khoảng 549.400 tấn sắn nguyên liệu. Hai nhà máy chế biến tinh bột sắn tại huyện Đồng Xuân và Sông Hinh thu mua được khoảng 227.790 tấn sắn nguyên liệu, còn lại khoảng 321.600 tấn sắn nguyên liệu chủ yếu nông dân bán cho các doanh nghiệp, cá nhân để chở bán ra ngoài tỉnh.
Để giải quyết vấn đề tiêu thụ ổn định nông sản cho nông dân và tránh thất thu ngân sách, Sở NN-PTNT có ý kiến thống nhất chủ trương đầu tư dự án nhà máy sản xuất tinh bột sắn tại huyện Sơn Hòa. Tuy nhiên, việc đầu tư phải đảm bảo một số yêu cầu phát triển sản xuất theo hướng chế biến sâu để nâng cao chất lượng sản phẩm và phải thực hiện tốt chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…
Ông Đào Lý Nhĩ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Diện tích trồng sắn ở Phú Yên bình quân từ năm 2015-2020 khoảng 23.000-25.000ha. Như vậy, việc giảm diện tích trồng sắn xuống còn 11.000ha theo quy hoạch là rất khó.
Thực tế hiện nay, 2 nhà máy sản xuất tinh bột sắn tại huyện Đồng Xuân và Sông Hinh chưa tiêu thụ hết sản lượng sắn nguyên liệu trên địa bàn và hầu như ít quan tâm đến việc đầu tư vùng nguyên liệu. Trong khi đó, giá sắn nguyên liệu những năm gần đây liên tục tăng, dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nên công tác quản lý ở địa phương gặp nhiều khó khăn.
Để giải quyết vấn đề tiêu thụ ổn định nông sản cho nông dân và tránh thất thu ngân sách, Sở NN-PTNT có ý kiến thống nhất chủ trương đầu tư dự án nhà máy sản xuất tinh bột sắn tại huyện Sơn Hòa. Tuy nhiên, việc đầu tư phải đảm bảo một số yêu cầu phát triển sản xuất theo hướng chế biến sâu để nâng cao chất lượng sản phẩm và phải thực hiện tốt chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…