Có ngân hàng bất ngờ 'ngược dòng', cuộc đua hạ lãi suất huy động đã đến hồi kết?
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2024, lãi suất tiết kiệm của nhiều ngân hàng đã có sự thay đổi cả ở kỳ hạn ngắn và dài. Đến cuối tháng 2, lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng toàn hệ thống ngân hàng đã về mức 5% - vùng thấp lịch sử, giảm 3,3 điểm phần trăm so với đầu năm ngoái.
Lãi suất huy động thấp là cơ sở quan trọng để giảm lãi suất cho vay, hạ chi phí vốn nền kinh tế, thúc đẩy các thị trường khác phát triển.
Giảm lãi suất vẫn là xu hướng chung
Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến 31/1, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay tiếp tục có xu hướng giảm; lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại giảm lần lượt khoảng 0,15%/năm và 0,25%/năm so với cuối năm 2023.
Còn theo khảo sát của VnBusiness, đầu năm nay, xu hướng giảm lãi suất huy động tiếp diễn tại 100% các ngân hàng thương mại. Sau kỳ nghỉ Tết, mặt bằng lãi suất huy động tháng 2/2024 tại các ngân hàng tiếp tục duy trì ở mức thấp, thậm chí 20 ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm thêm ở một số kỳ hạn, như: LPBank, ACB, Dong A Bank, VIB, Eximbank, BVBank, Sacombank, PGBank, NCB, Techcombank, GPBank, KienLong Bank, ABBank, Bac A Bank, MB, CBBank, Viet A Bank, SeABank, VPBank, SHB.
Trong đó, Sacombank, NCB, Viet A Bank, Techcombank, Eximbank, Bac A Bank, SeABank, KienLong Bank đã giảm lãi suất lần thứ hai kể từ đầu tháng. Đáng chú ý, VIB là ngân hàng đã có 3 lần giảm lãi suất huy động kể từ đầu tháng 2.
Hiện, mặt bằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng tại các ngân hàng dao động từ 2-3%/năm. Cá biệt, mức lãi suất niêm yết kỳ hạn 1-3 tháng của Vietcombank và Agribank chỉ 1,7%/năm, thấp nhất hệ thống.
Đối với kỳ hạn 6 tháng, trên thị trường đã không còn ngân hàng nào duy trì mức lãi suất trên 5%/năm. Ở kỳ hạn tiền gửi từ 9-11 tháng, lãi suất phổ biến từ hơn 4%/năm. Ở kỳ hạn 12 tháng, mức lãi suất cao nhất chỉ ở mức nhỉnh 5%/năm. Đối với tiền gửi kỳ hạn 24 tháng, các ngân hàng áp dụng lãi suất từ 4,7-5,5%/năm.
Trước khi hạ về mức thấp kỷ lục, lãi suất huy động tại các ngân hàng từng được đẩy lên rất cao từ cuối năm 2022 đến đầu năm ngoái. Đầu tháng 1/2023 là "thời hoàng kim" của gửi tiền vào ngân hàng khi lãi suất huy động có nơi từng lên tới 11-12%/năm.
Trong năm nay, giữa xu hướng giảm, gần đây đã có một vài nhà băng tăng lãi suất huy động trở lại, được cho là những dấu hiệu chỉ báo lãi suất sẽ sớm quay đầu tăng trở lại.
Ngày 23/2, Sacombank bất ngờ tăng lãi suất huy động sau 2 lần giảm. Theo đó, nhà băng này nâng 0,2-0,4 điểm % cho khoản tiền gửi phát sinh mới ở kỳ hạn ngắn từ 1-5 tháng, trong khi các kỳ hạn 6 tháng trở lên vẫn giữ nguyên so với trước đó.
Trước đó, Techcombank là ngân hàng đầu tiên gây bất ngờ khi tăng lãi suất tiết kiệm ngay sau Tết Nguyên đán. Hôm 16/2, Techcombank tăng 0,4% lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng lên 2,75%/năm và tăng 0,5% lãi suất kỳ hạn 3-5 tháng lên 3,15%/năm.
Đầu tháng 1/2024, ACB cũng bất ngờ tăng lãi suất huy động. Theo biểu lãi suất huy động trực tuyến tại nhà băng này, lãi suất tiền gửi từ 1-3 tháng tăng 0,3%; kỳ hạn 12 và 18 tháng tăng 0,1%.
Mặc dù vậy, các chuyên gia nhận định lãi suất huy động khó tăng mạnh trở lại, nhưng cũng khó xảy ra việc giảm thêm trong năm nay bởi lãi suất đã xuống "đáy" trong bối cảnh lạm phát vẫn là yếu tố khó lường.
Lãi suất cho vay còn dư địa giảm thêm
Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo mặt bằng lãi suất huy động sẽ tiếp tục đi ngang ở vùng thấp trong hầu hết cả năm 2024, với khoảng 4,85 - 5,35%. Điều này sẽ tạo dư địa cho lãi suất cho vay giảm thêm. "Lãi suất cho vay bình quân sẽ có dư địa để giảm thêm 0,75 - 1%", KBSV dự báo.
Các yếu tố tạo dư địa để lãi suất cho vay giảm thêm được chuyên gia đưa ra là cầu tín dụng phục hồi nhưng khó có đột biến vì khó khăn tồn đọng từ năm 2023 chưa thể được khắc phục triệt để. Kinh tế Việt Nam cũng được dự báo sẽ chỉ tăng trưởng quanh mức 6%.
Bởi vậy, KBSV dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2024 sẽ đạt mức quanh 12 - 13%, thấp hơn mức bình quân 14,5% trong 10 năm qua.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng nhìn chung xu hướng giảm lãi suất huy động vẫn là chủ yếu. Các ngân hàng đang từng bước đưa lãi suất về kỳ hạn hợp lý, theo đường cong lãi suất. Việc giảm lãi suất là điều kiện để giúp nền kinh tế phục hồi, đặc biệt là kênh đầu tư bất động sản.
Về xu hướng lãi suất, các giới chuyên gia cho rằng lãi suất thấp có thể tiếp tục duy trì trong những tháng đầu năm nay.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định, các ngân hàng có thể sẽ tiếp tục hạ lãi suất, ít nhất là trong quý I/2024 cho đến khi hoạt động kinh tế khởi sắc trở lại vào khoảng nửa sau của năm 2024.
Trong khi đó, PGS TS Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học kinh tế TP.HCM, đưa ra dự báo, khả năng mặt bằng lãi suất tiết kiệm sẽ duy trì mức như hiện nay đến hết quý II/2024 và bắt đầu tăng trở lại trong nửa cuối năm nay nếu nền kinh tế hồi phục, tín dụng cải thiện trở lại so với mức tăng trưởng âm 0,6% trong tháng 1 đầu năm.
Trước đó, tại hội nghị về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú đánh giá lãi suất cho vay đang thấp nhất trong vòng 20 năm qua và NHNN chưa có ý định thay đổi lãi suất điều hành ít nhất trong những tháng đầu năm 2024 nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế.
"Để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, NNHNN khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng, tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng…", ông Tú thông tin.