Có ngành Địa kỹ thuật xây dựng, doanh nghiệp bớt phải tìm nhân lực nước ngoài

Theo lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học, người học tốt nghiệp ngành Địa kỹ thuật xây dựng có thể làm được tất cả các vị trí việc làm trong ngành xây dựng.

Ngành Địa kỹ thuật xây dựng là ngành học tập trung nghiên cứu về cơ học đất và đá, cũng như thiết kế các công trình nền móng, hạ tầng kỹ thuật, giao thông, thủy lợi và các công trình ngầm. Ngành Địa kỹ thuật xây dựng là một nhánh quan trọng của lĩnh vực kỹ thuật xây dựng. Đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngành địa kỹ thuật xây dựng đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo chính quy, bài bản.

Nhu cầu nguồn nhân lực cấp thiết

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phóng, Phó Trưởng bộ môn Địa chất công trình, Trường Đại học Mỏ - Địa chất cho biết, ngành Địa kỹ thuật xây dựng là nhân tố không thể thiếu trong việc xây dựng và duy trì hạ tầng đô thị hiện đại, bền vững, đặc biệt trong bối cảnh của cách mạng công nghiệp 4.0.

Thứ nhất, Địa kỹ thuật xây dựng sẽ giúp đảm bảo an toàn và ổn định cho công trình: khảo sát, đánh giá và cải tạo nền đất bằng các kỹ thuật và phương pháp phù hợp; thiết kế nền móng hợp lý giúp tránh các vấn đề lún, nứt và các sự cố công trình khác, đặc biệt là trong các dự án xây dựng lớn như tòa nhà cao tầng, cầu đường, và các công trình.

Thứ hai, phát triển hạ tầng đô thị bền vững: sử dụng vật liệu bền vững trên cơ sở nghiên cứu và áp dụng các vật liệu thân thiện với môi trường, góp phần vào phát triển hạ tầng bền vững; xử lý và bảo vệ môi trường địa chất như xử lý nước ngầm, kiểm soát sạt lở đất, sụt lún khi khai đào ngầm, giúp bảo vệ môi trường địa chất và đảm bảo sự bền vững của hạ tầng đô thị.

Thứ ba, tối ưu hóa quá trình xây dựng với công nghệ 4.0: công nghiệp 4.0 mang đến các công nghệ như IoT, AI, và Big Data, giúp cải thiện quá trình khảo sát, thiết kế và thi công. Các công nghệ này giúp theo dõi và phân tích dữ liệu địa kỹ thuật một cách chính xác và nhanh chóng. Thêm vào đó, công nghệ tiên tiến giúp mô phỏng và dự báo chính xác để đánh giá rủi ro và lên kế hoạch xây dựng một cách hiệu quả và an toàn hơn.

Thứ tư, nâng cao hiệu quả và tiết kiệm chi phí: áp dụng các phương pháp thiết kế tối ưu giúp giảm thiểu chi phí vật liệu và thời gian thi công; Địa kỹ thuật xây dựng giúp quản lý và giảm thiểu các rủi ro liên quan đến địa chất và môi trường, từ đó giảm thiểu các chi phí phát sinh do sự cố công trình.

Thứ năm đối phó với biến đổi khí hậu và các thách thức môi trường: Địa kỹ thuật xây dựng nghiên cứu và phát triển các giải pháp giúp các công trình xây dựng chịu được tác động của biến đổi khí hậu, như nước biển dâng, mưa lớn và lũ lụt; các giải pháp địa kỹ thuật như xử lý đất nhiễm bẩn, bùn thải, tái chế vật liệu xây dựng và kiểm soát xói lở đất góp phần bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

Thứ sáu, đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị: xây dựng các thành phố thông minh, nơi hạ tầng được quản lý và vận hành một cách hiệu quả, bền vững và thân thiện với môi trường; với sự gia tăng dân số và yêu cầu về không gian sống, việc phát triển cơ sở hạ tầng ngầm như metro, đường hầm và bãi đỗ xe ngầm trở nên cần thiết, và ngành địa kỹ thuật xây dựng là yếu tố then chốt trong việc này.

 Tiến sĩ Nguyễn Văn Phóng, Phó Trưởng bộ môn Địa chất công trình, Trường Đại học Mỏ - Địa chất. (Ảnh: NVCC)

Tiến sĩ Nguyễn Văn Phóng, Phó Trưởng bộ môn Địa chất công trình, Trường Đại học Mỏ - Địa chất. (Ảnh: NVCC)

Trong khi đó, Tiến sĩ Bùi Trọng Vinh - Trưởng khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí, Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Hiện nay ở phía Bắc hay miền Trung mới chỉ có 1, 2 trường đào tạo ngành Địa kỹ thuật xây dựng, trong khi đó ngành này có rất nhiều thuận lợi vì Nhà nước đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển mạnh vào đầu tư thi công cho các công trình xây dựng. Thêm vào đó, các công ty nước ngoài đang đầu tư phát triển mạnh, đổ rất nhiều vốn FDI vào các hệ thống đường cao tốc, hệ thống cơ sở hạ tầng, các đô thị thông minh, các nhà máy xí nghiệp, năng lượng, cao tốc, cầu cảng, sân bay và các khu công nghiệp. Đặc biệt các đường cao tốc ở phía Nam đang được đầu tư và phát triển liên tục nên rất cần nhân lực của ngành này”.

Với sự phát triển kinh tế và đô thị hóa ngày càng gia tăng, việc xây dựng cơ sở hạ tầng mới và nâng cấp cơ sở hạ tầng cũ đã và đang trở thành một nhu cầu cấp thiết. Ngành Địa kỹ thuật xây dựng đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá, thiết kế và quản lý các công trình hạ tầng như cầu, đường, hầm, đập, cống và hệ thống thoát nước. Điều này đòi hỏi nhu cầu lớn về nhân lực chuyên sâu của ngành Địa kỹ thuật xây dựng để đảm bảo tính an toàn và ổn định cho cơ sở hạ tầng. Việc có đủ nguồn nhân lực trình độ đại học về ngành Địa kỹ thuật xây dựng sẽ đáp ứng được nhu cầu khắc phục các vấn đề địa chất phức tạp và đảm bảo tính ổn định của các công trình xây dựng.

Bên cạnh đó, dưới thời đại bùng nổ các dự án xây dựng, quản lý môi trường và tài nguyên là một yếu tố quan trọng. Ngành Địa kỹ thuật xây dựng có khả năng đánh giá và quản lý tác động của các công trình đến môi trường xung quanh và tài nguyên tự nhiên. Ngành Địa kỹ thuật xây dựng sẽ cung cấp những chuyên gia có kiến thức và kỹ năng cần thiết để đảm bảo bền vững trong xây dựng và bảo vệ môi trường. Với nguồn nhân lực ấy, hiệu quả và chất lượng công trình sẽ được nâng cao, đặc biệt là tăng khả năng cạnh tranh với các quốc gia khác trong lĩnh vực xây dựng.

 Tiến sĩ Bùi Trọng Vinh - Trưởng khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí, Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)

Tiến sĩ Bùi Trọng Vinh - Trưởng khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí, Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)

Chương trình đào tạo ngành Địa kỹ thuật xây dựng

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Sơn, giảng viên bộ môn Địa kỹ thuật xây dựng Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Khoa học Công nghệ Bách Khoa cho biết: “Ngành Địa kỹ thuật xây dựng của Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trang bị cho sinh viên những kiến thức nền tảng về khoa học tự nhiên, kiến thức cơ bản của ngành xây dựng, kỹ thuật địa chất, địa chất công trình và các ngành liên quan, cũng như các kiến thức chuyên sâu của ngành Địa kỹ thuật xây dựng”.

Theo đó, sau khi tốt nghiệp các bạn có thể vận dụng những kiến thức liên quan đến địa chất và xây dựng, giải quyết các bài toán thuộc lĩnh vực địa kỹ thuật xây dựng; thu thập, điều tra số liệu hiện trường; thí nghiệm trong phòng và phân tích, so sánh các kết quả bằng các công cụ kỹ thuật hiện đại trong lĩnh vực địa kỹ thuật xây dựng; thiết kế, đánh giá, lựa chọn các giải pháp kỹ thuật liên quan đến công trình dân dụng công nghiệp, giao thông, thủy lợi, hạ tầng kỹ thuật, công trình ngầm và tai biến địa chất; đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật, chất lượng, an toàn và phát triển bền vững.

Ngoài ra, người học còn được trang bị kỹ năng, năng lực nghề nghiệp, ứng dụng công nghệ 4.0, sử dụng thành thạo ngoại ngữ để có thể làm việc trong các môi trường năng động, sáng tạo. Từ đó, các bạn có thể tự tin giao tiếp, thực hiện các công việc chuyên môn cũng như các công việc mang tính chất liên ngành tại Việt Nam và quốc tế.

Phó trưởng Bộ môn Địa chất công trình cho biết: “Chương trình đào tạo của ngành Địa kỹ thuật xây dựng tại trường được thiết kế để cung cấp cho sinh viên nền tảng kiến thức vững chắc về lý thuyết cũng như kỹ năng thực hành trong lĩnh vực địa kỹ thuật xây dựng”.

Cụ thể, về kiến thức và kỹ năng chuyên môn, sinh viên được đào tạo những kiến thức, nguyên lý và các khái niệm cơ bản trong địa kỹ thuật xây dựng. Về kỹ năng thực hành, người học có khả năng thực hiện các thí nghiệm địa kỹ thuật, sử dụng các thiết bị và phần mềm chuyên dụng để phân tích và đánh giá. Về thiết kế và thi công, có khả năng thiết kế nền móng, công trình ngầm, và các công trình địa kỹ thuật khác dựa trên các tiêu chuẩn và quy chuẩn hiện hành. Về mặt quản lý dự án, người học có khả năng lập kế hoạch, quản lý tiến độ, chi phí và chất lượng của các dự án xây dựng, đảm bảo hiệu quả và an toàn công trình.

Bên cạnh đó, người học còn được trang bị các kỹ năng như: kỹ năng giải quyết vấn đề thông qua việc phân tích, đánh giá và giải quyết các vấn đề phức tạp trong địa kỹ thuật xây dựng thông qua việc áp dụng các phương pháp và công cụ hiện đại; kỹ năng nghiên cứu và phát triển, thực hiện các dự án nghiên cứu, viết báo cáo khoa học và công bố kết quả nghiên cứu, tiếp thu và áp dụng các công nghệ và kỹ thuật mới trong địa kỹ thuật xây dựng. Cùng với đó, sinh viên theo học ngành Địa kỹ thuật xây dựng tại trường còn được nắm bắt kỹ năng tự học, phát triển bản thân và có khả năng giao tiếp hiệu quả bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, viết báo cáo kỹ thuật và trình bày ý tưởng rõ ràng, logic.

 Chuyến thực tế tại thủy điện Hòa Bình của nhóm sinh viên Địa kỹ thuật K67, Trường Đại học Mỏ - Địa chất. (Ảnh: NTCC)

Chuyến thực tế tại thủy điện Hòa Bình của nhóm sinh viên Địa kỹ thuật K67, Trường Đại học Mỏ - Địa chất. (Ảnh: NTCC)

Cơ hội việc làm đa dạng, mức thu nhập tốt

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Phóng, Kỹ sư Địa kỹ thuật xây dựng tốt nghiệp từ Trường Đại học Mỏ - Địa chất có thể làm việc ở nhiều vị trí và lĩnh vực khác nhau như: Thực hiện các công việc liên quan đến khảo sát, thiết kế, và thi công các công trình xây dựng như đê, đập, cầu, đường, công trình ngầm và nền móng các công trình khác; làm chuyên viên tư vấn tại các công ty tư vấn xây dựng, tư vấn về các giải pháp địa kỹ thuật và xây dựng công trình; quản lý và điều phối các dự án xây dựng, đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình. Nhìn chung, Kỹ sư Địa kỹ thuật xây dựng sẽ tham gia vào các dự án xây dựng hạ tầng giao thông, công trình dân dụng, công trình công nghiệp, và các dự án phát triển đô thị.

Ngoài ra, sau khi tốt nghiệp, người học có thể làm tại các tập đoàn, công ty xây dựng, Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải, các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến xây dựng và phát triển hạ tầng. Thậm chí người học chuyên ngành này hoàn toàn toàn có thể tham gia vào nghiên cứu và giảng dạy, làm việc tại các viện nghiên cứu, trung tâm khoa học công nghệ hoặc giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng.

Cùng bàn về cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp của sinh viên Địa kỹ thuật xây dựng, Trưởng khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí, Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, các bạn sinh viên học ngành này ra trường có thể làm liên ngành chứ không đơn độc một ngành.

Theo đó, sinh viên tốt nghiệp ngành Địa kỹ thuật xây dựng có thể làm trong tất cả các lĩnh vực liên quan đến xây dựng như tư vấn các giải pháp cải tạo và xử lý nền đất yếu/sụt lún, xử lý nền móng cho các đường cao tốc; thiết kế và thi công cho các loại công trình xây dựng; tham gia đánh giá, khảo sát địa kỹ thuật/ quan trắc địa kỹ thuật cho các công trình ngầm, công trình mỏ, bến cảng, sân bay; xây dựng công trình giao thông, thủy lợi, công trình quân sự, dân dụng và công nghiệp,..

Bên cạnh đó, các bạn còn có cơ hội làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước thuộc Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Quốc phòng; tại các sở xây dựng, các công ty, tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước liên quan đến lĩnh vực; hoặc có thể tự mở các doanh nghiệp hành nghề trong lĩnh vực khảo sát địa kỹ thuật, thiết kế và thi công các giải pháp địa kỹ thuật, thiết kế và thi công các giải pháp cải tạo và xử lý nền đất yếu, thiết kế và tổ chức thực hiện công tác quan trắc địa kỹ thuật, thiết kế thi công nền móng công trình xây dựng.

Ông Nguyễn Khắc Dũng - Tổng giám đốc Công ty cổ phần HUDECO (Quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ về cơ hội việc làm của người học chuyên ngành này: “Tiềm năng ngành Địa kỹ thuật xây dựng trong thời gian tới là rất lớn, nhiều nhà đầu tư rất chú trọng lĩnh vực địa kỹ thuật. Nguyên nhân là các công trình xây dựng hay công trình nói chung, muốn hoàn thành được thì đều liên quan đến ngành này.

Nếu đào tạo được nhân lực tại chỗ, chúng tôi sẽ không phải lấy nhân lực từ các quốc gia khác với chi phí cao. Đồng thời có được nguồn nhân lực tại chỗ sẽ giúp nước ta theo kịp với sự phát triển của thời đại”.

 Ngành Địa kỹ thuật xây dựng là ngành học tập trung nghiên cứu về cơ học đất và đá, cũng như thiết kế các công trình nền móng, hạ tầng kỹ thuật, giao thông, thủy lợi và các công trình ngầm. (Ảnh: Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cung cấp)

Ngành Địa kỹ thuật xây dựng là ngành học tập trung nghiên cứu về cơ học đất và đá, cũng như thiết kế các công trình nền móng, hạ tầng kỹ thuật, giao thông, thủy lợi và các công trình ngầm. (Ảnh: Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cung cấp)

Chia sẻ về mức lương của kỹ sư tốt nghiệp ngành Địa kỹ thuật xây dựng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần HUDECO cho hay: “Lương khởi điểm sẽ dao động từ 9 - 10 triệu đồng. Tuy nhiên, ngoài việc nhận mức lương như trên, người lao động có thể làm theo cơ chế “khoán” để tăng thêm thu nhập. Thu nhập của mỗi người phụ thuộc vào sự thích ứng và khả năng chấp nhận rủi ro của người làm. Có những người lương không cao, nhưng làm thêm “khoán” thu nhập của họ sẽ cao hơn rất nhiều lần.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Khắc Dũng cũng dành lời khuyên cho các bạn sinh viên khi ngồi trên ghế nhà trường nếu muốn tăng thêm thu nhập sau khi ra trường và đáp ứng tốt nhu cầu doanh nghiệp cần chú trọng nắm chắc những kỹ năng: thứ nhất là kỹ năng sử dụng phần mềm ứng dụng trong xây dựng (phần mềm thiết kế, tính toán, dự toán, quản lý dự án - những phần mềm này đều rất quan trọng trong xây dựng, tiết kiệm được thời gian và chi phí); thứ hai là kỹ năng ngoại ngữ (hiện nay, đa phần doanh nghiệp làm việc với các dự án nước ngoài, thiếu ngoại ngữ sẽ hạn chế khả năng làm việc); thứ ba là “trăm hay không bằng tay quen”, sinh viên cần va chạm thực tế nhiều hơn ngoài việc học lý thuyết trên trường.

Với kinh nghiệm giảng dạy và tham gia thực tế sản xuất gần 25 năm, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phóng - Phó Trưởng bộ môn Địa chất công trình, Trường Đại học Mỏ - Địa chất chia sẻ lời khuyên dành cho sinh viên theo học ngành Địa kỹ thuật xây dựng: “Các bạn sinh viên hãy nắm vững kiến thức cơ bản thông qua học chắc các môn như toán, vật lý, hóa học và địa chất đại cương - đây là nền tảng quan trọng để hiểu sâu hơn về các môn chuyên ngành; hiểu rõ lý thuyết, các nguyên lý và khái niệm cơ bản, vì chúng sẽ là cơ sở để áp dụng trong thực tế.

Cùng với đó, các bạn phải chú trọng phát triển kỹ năng thực hành, thực tập, tận dụng hiệu quả các giờ thực hành trong phòng thí nghiệm, và các đợt thực tập. Tích cực tham gia các hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học, đó là cơ hội tốt để hiểu và nắm vững kỹ năng khi được làm việc với sự hướng dẫn trực tiếp của các giảng viên kinh nghiệm. Luôn lưu tâm đến phát triển kỹ năng mềm, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, thuyết trình và viết báo cáo để truyền đạt ý tưởng và kết quả học tập một cách hiệu quả.

Đồng thời sinh viên phải luôn tự học và nâng cao trình độ, đọc thêm sách, báo cáo nghiên cứu và các tài liệu chuyên ngành để mở rộng kiến thức, đặc biệt tận dụng hiệu quả nguồn tài nguyên mạng. Học cách làm việc nhóm, quản lý thời gian và kế hoạch công việc tốt”.

 Giảng viên Bộ môn Địa chất công trình, Trường Đại học Mỏ - Địa chất. (Ảnh website trường)

Giảng viên Bộ môn Địa chất công trình, Trường Đại học Mỏ - Địa chất. (Ảnh website trường)

Như vậy, việc theo đuổi ngành Địa kỹ thuật xây dựng không chỉ đòi hỏi kiến thức chuyên môn mà còn yêu cầu kỹ năng thực hành, tư duy sáng tạo và tinh thần học hỏi không ngừng. Người học ngành Địa kỹ thuật xây dựng hãy tận dụng mọi cơ hội để phát triển bản thân và trở thành một kỹ sư địa kỹ thuật xây dựng chuyên nghiệp.

Thái Vân

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/co-nganh-dia-ky-thuat-xay-dung-doanh-nghiep-bot-phai-tim-nhan-luc-nuoc-ngoai-post244476.gd