Cố Nghệ sĩ nhân dân Út Trà Ôn với vai diễn cuối đời - Tám Khỏe
Có lẽ, khi nói đến danh hiệu 'Đệ nhất danh ca Vọng cổ', ai cũng biết đó là cố Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Út Trà Ôn.
Ông tên thật Nguyễn Thành Út, SN 1918, tại huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Ông xuất thân từ gia đình nông dân và từ nhỏ đã mê đờn ca tài tử nên tự học lỏm bạn bè, qua đĩa hát,... Lối xóm biết ông ca vọng cổ hay số 1 trong vùng nên động viên ông theo gánh hát. Đó là chuyện thời trai trẻ của ông.
Sau này, cố NSND Út Trà Ôn khi đã gần 60 tuổi vẫn để lại trong lòng khán giả mộ điệu cải lương một vai diễn rất ấn tượng trên sân khấu truyền hình (Đài Truyền hình TP.HCM - 1976). Đó là vai diễn Tám Khỏe trong kịch bản Người ven đô do Đoàn Cải lương Sài Gòn 1 trình diễn.
Những cống hiến nghệ thuật
Một hôm, có gánh cải lương Tiến Hóa của bầu Trúc Viên từ Sa Đéc qua Trà Ôn diễn, ông Út gặp ông bầu và xin theo gánh hát. Ban đầu, bầu Trúc Viên không nhận nhưng hôm sau, ông Út vẫn đến gánh hát chơi và xin ca thử. Bầu Trúc Viên đang nằm võng gần đó, nghe ông Út ca, chạy lại nghe và nói với mọi người “Tôi lầm rồi, chút nữa là bỏ lỡ một tài năng, giọng ca cậu này trong gánh mình không ai qua được đâu”... Thế là sau đó, ông Út theo gánh Tiến Hóa, khởi đầu cho sự nghiệp sân khấu.
Khi tôi đến nhà riêng của ông năm 1999 thì ông đã 81 tuổi nên những hoạt động nghệ thuật lúc nhớ, lúc quên. Ông chỉ nhớ theo cải lương năm 19 tuổi, vào gánh Tiến Hóa vài tháng là ông hát kép chánh, vai đầu tiên là Mã Khắc Sinh trong Mắt em là bể oan cừu. Sau đó, ông về hát kép chánh cho gánh Thủ Đô của bầu Ba Bản và vai nổi nhất giai đoạn này là Thằng Gù trong Thằng Gù đi hái trái mơ. Sau đó, ông rời gánh Thủ Đô và lập gánh Thống Nhất (làm bầu và hát kép chánh), rồi hát chánh nhiều gánh khác.
Khi tuổi gần 60, ông vẫn nổi lên với vai chánh Cảnh sát trưởng (ông Cò) trong Tuyệt tình ca của soạn giả Hoa Phượng - Ngọc Điệp, là vai để đời trước năm 1975. Sau năm 1975, ông có vai để đời là ông Tám Khỏe trong Người ven đô của Minh Khoa, được công diễn trên Đài Truyền hình TP.HCM (năm 1976).
Khi nói về cố NSND Út Trà Ôn, nhiều thế hệ công chúng biết ông qua giọng ca độc đáo, được trong giới tôn tặng là “Đệ nhất danh ca” và nghệ thuật ca ngâm của ông đã tạo ảnh hưởng đến khá nhiều giọng ca kế thừa chuyên và không chuyên qua mấy thế hệ.
Cố NSND Út Trà Ôn có chất giọng đồng chính cống và khi ông ca cũng vậy, không lai, không pha. Ông lại có làn hơi khỏe mạnh, âm vực cao và rộng, âm điệu phong phú khi xử lý ngân nga các thanh điệu của ca từ (ngang, huyền, hỏi, ngã, sắc, nặng). Kỹ thuật xử lý hơi - giọng của cố NSND Út Trà Ôn rất độc đáo, nổi bật là cách buông hơi và chẻ nhịp.
Cố NSND Út Trà Ôn nổi danh và được công luận tặng danh hiệu “Đệ nhất danh ca Vọng cổ” từ bài vọng cổ nhịp 16 Tôn Tẩn giả điên vào cuối thập niên 40, đầu thập niên 50 của thế kỷ trước. Đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, cố NSND Út Trà Ôn lại khẳng định danh hiệu “Đệ nhất” của ông hơn nữa, đó là giai đoạn ông ca hàng loạt bài vọng cổ 6 câu - nhịp 32 của soạn giả Viễn Châu trên đài phát thanh và hãng dĩa ASia như Ông lão chèo đò, Tình anh bán chiếu, Trúc Lan Phương Tử, Gánh nước đêm trăng, Tần Quỳnh khóc bạn,...
Vai diễn cuối đời
Từ sau năm 1975, thính giả cả nước đều biết đến bài vọng cổ Đài hoa dâng Bác của tác giả Trần Nam Dân, do NSND Út Trà Ôn ca, là một kiệt tác để đời của cả người sáng tác lẫn người ca. Ông Út thêm một lần nữa khẳng định “ngôi vị” của mình, cho đến bây giờ chưa ai thế nổi; làm phong phú thêm kỹ thuật về hơi - giọng, buông hơi lại tinh xảo và đặc biệt là chẻ nhịp sắc bén hơn trước đây. Về vai diễn trong giai đoạn này, có lẽ vai Tám Khỏe là vai diễn cuối đời của ông trong nghệ thuật cải lương.
Mặc dù lúc ông thủ diễn vai Tám Khỏe trong Người ven đô, tuổi đã xấp xỉ 60. Không hẳn độ tuổi của ông vừa với tuổi của nhân vật mà quan trọng, ông đã mô tả tính cách và tâm lý nhân vật rất cụ thể qua từng sự kiện kịch và tình tiết giao đãi của nhân vật.
Có thể thấy, cố NSND Út Trà Ôn hóa thân vào nhân vật Tám Khỏe với phong cách ca diễn kết hợp với nhiều sáng tạo. Chẳng hạn, lúc Tám Khỏe và Bảy Đờn - hai người bạn già cũng là thông gia, cùng đàm đạo. Bảy Đờn rao đờn độc huyền, Tám Khỏe nói thơ Vân Tiên với khẩu ngữ chân chất kiểu ông già Nam bộ. Nhưng kế đó là lớp ông Tám Khỏe đối mặt với tên trung úy lính Việt Nam cộng hòa và tên cố vấn Mỹ thì lời thoại ông rất cứng rắn, đanh thép, điệu bộ diễn theo lời thoại như một người ngoài đời bộc lộ trạng thái gay gắt với kẻ địch.
Nhân vật Tám Khỏe thể hiện bản lĩnh cương trực và thẳng thắn trước kẻ thù qua hành động sân khấu, nét mặt căm thù với đôi mắt giận dữ, châu mày và cắn môi...; với hành động ca nhấn nhá, gằn mạnh từng câu chữ qua câu vọng cổ: Nợ nhiều lắm chứ, cộng sản đã giải phóng cho dân cho nước, cái khoản nợ này to lớn như biển như... trời, cả một đời Tám Khỏe này cũng trả không xong ơn nghĩa. Cộng sản lãnh đạo nhân dân là cách mạng... Nhưng khi ông gặp Công là con rể đang đi lính Việt Nam cộng hòa (người của cách mạng cài vào) thì nhân vật đối đáp có vẻ phân trần và trách móc.
Phong cách diễn lúc này thay đổi, một Tám Khỏe trầm tĩnh, phát ngôn ôn tồn hơn, thể hiện tính cách của một người cha nói với con, bộc lộ tâm trạng khẩn khoản và giải thích với Công qua vọng cổ câu 1: Công ơi, mới có một trăm ngày mà ba thấy con trở thành kẻ khác, từ một nông dân thật thà chất phác, con khoác lên mình áo lính trở thành tên bội bạc quên nghĩa quên... tình. Ba bị lính đánh rách da rách thịt mà chưa từng khóc một lần. Nay ba nhìn thấy con cúi đầu khuất phục, ba thấy nhục thấy đau, thấy tâm hồn mình như bị một vết thương máu đào giọt chảy. Công ơi, ba già rồi mà còn chịu nổi trăm ngàn tra tấn, còn con sức trai mà mong sống được an thân. Con vui được không? Nếu như vườn trầu đã bị người ta giẫm nát.
Từng câu ca, vai diễn biểu đạt tâm trạng nhân vật từng lúc khác nhau, lúc thì đối thoại, phân trần, lúc thì tự sự như đang trách móc. Từng câu ca được gằn những âm giọng đầy cảm xúc của người cha tâm sự với con dù là lời lẽ hờn trách,... Nét mặt nhân vật lúc này rũ rượi như buồn buồn, lúc thì quắc thước như giận dữ. Đó là phong cách lối diễn đặc tả của ông Út hóa thân vào Tám Khỏe.
Khi Tám Khỏe đối đầu với tên cố vấn Mỹ lần hai, cũng là lớp kịch cao trào, vai diễn thay đổi tâm lý và tính cách nhân vật. Nghĩa là nhân vật cứng rắn hơn, nét mặt giận dữ cùng với lời lẽ không khuất phục trước giặc. Chúng bắt Sáu Nghĩa và một số cô gái trinh trắng trong làng cho bọn lính dọa cưỡng hiếp và cho chó bẹc-giê xé xác để uy hiếp Tám Khỏe, chúng buộc Tám Khỏe phải thét lên lời phản cách mạng: Tôi là Tám Khỏe, tôi xin tuyên bố ly khai với Việt Cộng! và chúng thu âm lời tuyên bố này. Chúng uy hiếp ông, nếu không nói câu ly khai với Việt Cộng thì chúng sẽ ra tay độc ác với các cô gái. Không còn lựa chọn nào khác để cứu con mình và các cô gái nên Tám Khỏe đành phải thốt lên câu nói mà lương tâm ông không muốn và đầy đau xót. Sáu Nghĩa và các cô gái được an toàn, giặc tưởng là đã chiến thắng Tám Khỏe...
Sau đó, Tám Khỏe như điên như dại vì đã trót lỡ thốt lên lời mà lương tâm không muốn. Một sự đấu tranh tâm lý dằn vặt, đau đớn, ông bứt tóc, gào lên thê thảm như một người mất trí. Nghĩa là từ một Tám Khỏe cứng cỏi, bây giờ trở nên điên loạn tâm thần. Một lối diễn nội tâm từ trạng thái này sang trạng thái khác để bộc lộ tâm trạng nhân vật.
Cố NSND Út Trà Ôn đã hóa thân vào Tám Khỏe hoàn toàn theo thủ pháp tả thật. Nghĩa là lúc này, không còn là một NSND Út Trà Ôn nữa, mà khán giả đã nhìn thấy một Tám Khỏe đang đau khổ và điên dại,... Và mỗi lần chúng cho phát loa phát thanh lời tuyên bố thì Tám Khỏe càng điên dại và tự giày vò bản thân mình hơn.
Qua sự kiện đó, cách mạng hiểu tâm trạng và tình cảnh mà Tám Khỏe thốt lên lời tuyên bố ly khai với Việt Cộng, mà người đại diện là Sáu Hộ - Bí thư vùng Bà Điểm, Hóc Môn gửi lời cảm thông cùng chia sẻ hoàn cảnh với Tám Khỏe để ông yên tâm. Cũng từ đó, ông giả điên, giặc không chú ý, ông tìm hiểu đường đi nước bước để dẫn bộ đội đánh vào các đồn, bót giặc và chiến thắng. Nhân vật bây giờ là một ông già Nam bộ của Mười tám thôn vườn trầu Bà Điểm, Hóc Môn mà cố NSND Út Trà Ôn đã để lại trong lòng khán giả cho đến nay.
Khi cách mạng chiến thắng cũng là lúc Tám Khỏe hết “bệnh tâm thần”. Phong cách diễn của vai diễn lại thay đổi trạng thái mới, từ điên dại chuyển sang hào hứng, nét mặt rạng rỡ, vẻ hân hoan, mừng vui trước chiến thắng của cách mạng./.