Cỏ ngoại lai có thể là nguyên nhân gây cháy thảm khốc tại Hawaii

Theo The Guardian, các nhà khoa học đã cảnh báo suốt nhiều năm về nguy cơ hỏa hoạn lớn từ các loại cỏ không phải bản địa bao phủ 1/4 quần đảo Hawaii (Mỹ).

Các ý kiến chuyên gia đều có chung nhận định, các loại cỏ ngoại lai đã góp phần thúc đẩy sự lan rộng và cường độ của những đám cháy bùng phát dữ dội trên đảo Maui từ ngày 8-8, cướp đi mạng sống của ít nhất 106 người, phá hủy thị trấn lịch sử Lahaina và gây thiệt hại tài sản ước tính hơn 5,5 tỷ USD.

Cháy rừng gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tại thị trấn Lahaina. Ảnh: New York Times

Cháy rừng gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tại thị trấn Lahaina. Ảnh: New York Times

Trong báo cáo được công bố vào tháng 7-2021 về phòng, chống cháy rừng, giới chức hạt Maui đã cảnh báo về các loại cỏ không phải bản địa đang khiến Hawaii đối diện nhiều nguy cơ hỏa hoạn nghiêm trọng. Báo cáo cũng nêu rõ, sự xâm lấn của các loại cỏ ngoại lai, đặc biệt trên những cánh đồng mía bỏ hoang, cung cấp nguồn nhiên liệu dễ cháy.

Các vùng đất xung quanh thị trấn Lahaina đều được sử dụng để trồng mía từ những năm 1860 đến cuối những năm 1990. Trauernicht, chuyên gia về hệ sinh thái và hỏa hoạn tại Đại học Hawaii cho biết, do cỏ hoàn toàn không được xử lý nên đã gây ra nguy cơ hỏa hoạn. Vào thời điểm ẩm ướt trong năm, nhiều thảm thực vật, đặc biệt là cỏ, phát triển rất nhanh. Khi bước vào thời kỳ khô hạn, cỏ khiến những đám cháy có sức tàn phá lớn hơn.

Các loại cỏ ngoại lai như Cenchrus Setaceus và Guinea, ban đầu được trồng để nuôi gia súc và trang trí, đều đã thích nghi để cháy mạnh hơn khi gặp lửa.

Nguồn gây cháy chính xác vẫn chưa được xác định, nhưng Giáo sư Khí hậu học Abby Frazier cho biết, nguyên nhân chung của những đám cháy nghiêm trọng là do cỏ xâm lấn hiện bao phủ khoảng 25% diện tích bang Hawaii. Do đó, nếu giảm phạm vi bao phủ của các loại cỏ này có thể đã chế ngự được sự tàn khốc của các đám cháy.

Sự phát triển mạnh mẽ của các loại cỏ ngoại lai còn xuất phát từ tình trạng biến đổi khí hậu. Theo Giáo sư Môi trường Camilo Mora của Đại học Hawaii, cỏ xâm lấn phát triển nhanh hơn các loại cây bản địa và được hưởng lợi từ sự gia tăng của lượng khí thải CO2.

Hiện tại, nhà chức trách hạt Maui vẫn chưa đưa ra bình luận về vai trò của các loại cỏ ngoại lai.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/co-ngoai-lai-co-the-la-nguyen-nhan-gay-chay-tham-khoc-tai-hawaii-638407.html