Cơ ngơi 'khủng' của đại gia xăng dầu Hải Hà Petro

Cơ quan điều tra đã phát hiện nhiều sai phạm tại Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà (Hải Hà Petro). Không chỉ kinh doanh bán lẻ, đại gia xăng dầu Thái Bình này còn trúng nhiều gói thầu giá trị lớn trước khi chủ tịch bị bắt.

Cơ ngơi của đại gia xăng dầu Thái Bình

Trước khi lãnh đạo doanh nghiệp bị bắt, Công ty TNHH Vận tải Thủy bộ Hải Hà (Hải Hà Petro) được biết đến là một trong những "đại gia" trong ngành xăng dầu.

Thành lập năm 2003 tại thị trấn Diêm Điền, Thái Thụy, Thái Bình, đầu năm 2012, Hải Hà Petro được Bộ Công thương cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu.

Tính đến tháng 6/2023, vốn điều lệ của Hải Hà Petro là 454,3 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm: Bà Trần Tuyết Mai - Chủ tịch HĐTV kiêm người đại diện theo pháp luật (nắm 69%), bà Trần Thị Thu Hằng (nắm 21,3%) ông Trần Văn Chín (nắm 9,7%).

Ngày 23/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, ra lệnh bắt bà Trần Tuyết Mai, Chủ tịch Hải Hà Petro.

Quá trình điều tra bước đầu xác định Trần Tuyết Mai, Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiêm Tổng giám đốc Công ty Hải Hà đã chỉ đạo nhân viên thực hiện các hành vi sai phạm:

Không nộp số tiền trích lập Quỹ bình ổn giá (BOG) vào tài khoản tiền gửi theo quy định, sử dụng tiền Quỹ BOG trái quy định của pháp luật, gây thất thoát tài sản Nhà nước trên 317 tỷ đồng; Lập, sử dụng 2 hệ thống sổ kế toán, khai man, để ngoài sổ kế toán, không kê khai nộp thuế bảo vệ môi trường đối với trên 3,8 triệu lít xăng A95 đã bán ra trong năm 2020, gây thiệt hại (tạm tính) cho ngân sách Nhà nước trên 15 tỷ đồng.

Với ngành nghề chính là kinh doanh xăng dầu, năm 2018 Hải Hà Petro có 36/40 đại lý bán lẻ xăng dầu; năm 2019 có 34/40 đại lý bán lẻ; năm 2020 có 39/40 đại lý bán lẻ và năm 2021 có 38/40 đại lý bán lẻ xăng dầu.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng sở hữu tổng kho xăng dầu với diện tích đất 66.664m2, tổng sức chứa 63.000m3 tại tỉnh Thái Bình.

Tháng 8/2017, Hải Hà Petro đã có đề nghị bổ sung dự án Kho xăng dầu Hải Hà – Nghi Sơn quy mô 52.600m3 (giai đoạn 1 là 12.600m3) tại khu kinh tế Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa vào quy hoạch hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối xăng dầu giai đoạn 2010-2020, định hướng đến năm 2025.

Tháng 6/2019, doanh nghiệp cũng đã khởi công xây dựng kho cảng xăng dầu Hải Hà - Quảng Trị với quy mô gần 32.000m2, tổng mức đầu tư 270 tỷ đồng.

Hải Hà Petro năm 2021 có 38/40 đại lý bán lẻ xăng dầu. Ảnh minh họa.

Hải Hà Petro năm 2021 có 38/40 đại lý bán lẻ xăng dầu. Ảnh minh họa.

Đặc biệt, Hải Hà Petro còn nắm hệ thống vận chuyển xăng dầu với Cảng xăng dầu Hải Hà, chiều dài 55m, tại xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình; 15 xe chuyên dụng vận tải xăng dầu có tải trọng từ 8 - 35m3 và hệ thống 16 tàu chuyên dụng vận tải xăng dầu có tải trọng các loại từ 598 - 4.813 tấn, với sức chứa luân chuyển 26.000 tấn.

Ngoài hạt nhân Hải Hà Petro, hệ sinh thái nhóm này còn có Công ty TNHH Xăng dầu Hải Hà Thái Bình.

Pháp nhân này thành lập vào tháng 9/2017 với vốn điều lệ ban đầu 18 tỷ đồng, trong đó Hải Hà Petro sở hữu 52% vốn, phần vốn còn lại do bà Trần Tuyết Mai nắm giữ. Cuối năm 2020, cơ cấu cổ đông Hải Hà Thái Bình có sự thay đổi với ông Nguyễn Mạnh Linh sở hữu 52% và bà Trần Thị Thu Hằng (cổ đông nắm 21,3% vốn Hải Hà Petro) sở hữu 48%.

Trúng nhiều gói thầu mua sắm xăng dầu giá trị lớn

Không chỉ kinh doanh bán lẻ, đầu mối xăng dầu, Hải Hà Petro đang dần tiến chân vào các hoạt động đấu thầu trước khi chủ tịch bị bắt.

Dù được thành lập rất sớm, song Hải Hà Petro chỉ mới "để ý" tới các gói thầu ngân sách từ năm 2017.

Khá trùng hợp khi đây cũng là thời điểm doanh nghiệp đề nghị bổ sung dự án Kho xăng dầu Hải Hà – Nghi Sơn quy mô 52.600m3 (giai đoạn 1 là 12.600m3) tại khu kinh tế Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa vào quy hoạch hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối xăng dầu.

Hải Hà Petro trúng nhiều gói thầu mua sắm xăng dầu giá trị lớn. Ảnh minh họa.

Hải Hà Petro trúng nhiều gói thầu mua sắm xăng dầu giá trị lớn. Ảnh minh họa.

Theo dữ liệu, Hải Hà bắt đầu dự thầu và trúng vào năm 2017 với 1 gói thầu. Năm 2020, doanh nghiệp tham gia thêm 2 gói thầu và đều trúng hết.

Tương tự, năm 2021, Hải Hà tham gia 5 gói thầu với tỷ lệ trúng 100%.

Tính chung, từ năm 2017 - 2023, Hải Hà Petro đã trúng tổng cộng 13 gói thầu (trên 17 gói tham gia). Mặc dù số lượng thầu không nhiều, nhưng tổng giá trị thu về lại không hề là con số nhỏ.

Chỉ thông qua 13 gói thầu, Hải Hà Petro đã trúng 868 tỷ đồng, trung bình hơn 66 tỷ đồng/gói. Tỷ lệ tiết kiệm trung bình các gói thầu là 5,66%.

Gần đây nhất, trong năm 2023, doanh nghiệp đã trúng 2 gói thầu và đều là hình thức chỉ định thầu rút gọn.

Cụ thể, tháng 4/2023, Công ty nhiệt điện Thái Bình đã chỉ định thầu Gói HH01-XLSC2023: Cung cấp dầu DO phục vụ xử lý sự cố với giá trị 880 triệu đồng cho Hải Hà Petro.

Ngoài ra, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Thái Bình cũng chỉ định doanh nghiệp cho Gói thầu số 01: Thử nghiệm chất lượng Xăng, Nhiên liệu Điêzen (DO). Được biết, đơn vị này cũng thường xuyên chọn Hải Hà Petro cho các gói thử nghiệm của mình.

Bên cạnh địa bàn Thái Bình, Hải Hà Petro cũng trúng nhiều gói thầu mua sắm xăng dầu tại các đơn vị khác.

Tại Cục Vận tải/Tổng cục Hậu cần, Hải Hà Petro đã "một mình một ngựa" trúng gói thầu Mua sắm Diesel 0,05S năm 2022 của Cục Vận tải với giá 20,038 tỷ đồng (giá trúng thầu 20,053 tỷ đồng).

Hay tại Cục Hậu cần/Tổng cục Hậu cần, Hải Hà Petro đã tham gia 3 gói thầu với tỷ lệ trúng 100%, tổng giá trị gần 28 tỷ đồng.

Đơn cử như Gói thầu số 01: Mua sắm nhiên liệu bảo đảm cho các cơ quan, đơn vị năm 2022, Hải Hà đã trúng thầu với giá 18,5 tỷ đồng, sát sao với giá gói thầu là 18,79 tỷ đồng.

Hay tại Bộ Tư lệnh vùng 5 Hải Quân, Hải Hà Petro cũng trúng 2 gói mua sắm nhiên liệu với giá trị lên tới hơn 20 tỷ đồng.

Tại Công ty Nhiệt điện Uông Bí – Chi nhánh Tổng công ty Phát điện 1, Hải Hà đã trúng 2 gói Cung cấp dầu DIESEL 0,05S (DO) với giá trị hơn 187 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tại gói thầu SXKD2022-HH06: Cung cấp dầu DIESEL 0,05S (DO) cho khởi động đốt lò và ô tô xe gạt, Hải Hà Petro đã trúng thầu với giá gần 160 tỷ đồng, vượt giá gói thầu gần 10 tỷ đồng.

Trong gói thầu này, Hải Hà không phải là nhà thầu duy nhất tham gia, nhưng các đối thủ khác như Công ty Cổ phần xăng dầu khí Hà Nội, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đông Dương và Công ty Cổ phần Thương mại đầu tư Tài chính Toàn Cầu đều bị loại vì lý do đánh giá tài chính và hồ sơ.

Có thể nhận thấy, giai đoạn 2020-2022 là thời điểm Hải Hà Petro trúng nhiều thầu nhất.

Tuy nhiên, mặc dù liên tục được chọn và vượt mặt các đối thủ về mặt tài chính, song tình hình kinh doanh cùng thời điểm của công ty này lại khá mâu thuẫn.

Theo đó, doanh thu của Hải Hà Petro luôn trên mức 10.000 tỷ đồng và đến năm 2022 đã lên đến con số 31.694 tỷ đồng. Kinh doanh càng mở rộng, tài sản ngày một tăng nhưng công ty lại liên tục báo lỗ và âm vốn chủ sở hữu.

Công ty lỗ ròng 787 tỷ đồng năm 2020, lỗ 1.113 tỷ đồng năm 2021 và tiếp tục lỗ 2.049 tỷ đồng năm 2022. Tính đến cuối năm 2022, vốn chủ sở hữu công ty âm đến 4.692 tỷ đồng. Đây là con số rất cao so với năm 2021 (-1.470 tỷ đồng) và năm 2020 (-693 tỷ đồng).

Thậm chí, Hải Hà Petro (cập nhật đến tháng 7/2024) còn đứng đầu danh sách chậm nộp thuế của tỉnh Thái Bình với tổng số tiền lên đến hơn 1.915 tỷ đồng.

Còn tiếp

Bài sau: Lấn sân y tế, bất động sản, hệ sinh thái Hải Hà Petro "mạnh" cỡ nào?

Thanh Thắng

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/co-ngoi-khung-cua-dai-gia-xang-dau-hai-ha-petro-192240729131255048.htm