Có nguồn lực lớn cho truyền thông chính sách, nhưng chưa đo đếm được hiệu quả
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm, các Bộ ngành, địa phương đã dành nguồn lực lớn cho truyền thông chính sách nhưng hiệu quả đem lại cũng chưa đo đếm, đánh giá được.
Sáng 1/11, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cùng Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và Tạp Chí Cộng sản tổ chức hội thảo khoa học quốc tế nguồn lực cho truyền thông chính sách (TTCS).
Dự hội thảo có Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Lê Văn Lợi, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm, PSG, TS. Phạm Minh Tuấn - Phó tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Công sản, Giám đốc quốc gia KOICA Việt Nam Lee Byung Hwa cùng lãnh đạo Học viện Báo chí và Tuyên truyền và lãnh đạo các cơ quan báo chí.
Làm tốt TTCS sẽ mở ra nguồn lực lớn
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, năm 2023 là năm chuyển động mạnh mẽ trong nhận thức, tư duy về hoạt động TTCS, từ Chính phủ đến các Bộ ngành và các địa phương.
Ông Lê Văn Lợi dẫn lại kết luận của Thủ tướng tại hội nghị về TTCS vào tháng 11/2022: TTCS có vai trò quan trọng, là một trong những chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, Bộ ngành, địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị. Làm tốt công tác TTCS sẽ mở ra nguồn lực lớn, tạo lên sức mạnh lớn, hiệu quả cao trong thực thi chính sách.
Theo ông Lợi, TTCS không chỉ cung cấp thông tin, thực hiện trách nhiệm giải trình của Chính phủ, các Bộ ngành, còn bảo đảm lợi ích chính đáng của người dân và lấy lợi ích của nhân dân là mục tiêu.
“Chính vì vậy chúng ta cần trả lời một số câu hỏi như cần xây dựng chiến lược TTCS quốc gia như thế nào? Đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nguồn nhân lực TTCS ở các Bộ ngành, cơ quan báo chí như thế nào? Cần có chính sách, chế độ gì đối với nhà báo, nhà TTCS? Các câu hỏi này cần được trả lời qua hội thảo”, ông Lợi nói.
Theo ông Lee Byung Hwa - Giám đốc quốc gia KOICA Việt Nam, khi xã hội ngày càng phát triển thì mức độ tiếp nhận chính sách của người dân sẽ quyết định sự thành công hay thất bại trong các chính sách của Chính phủ.
“Vì vậy, cần chia sẻ ý kiến và thông tin giữa các bên liên quan trong việc xây dựng và thực hiện chính sách thông qua TTCS để từ đó tạo ra sự đồng thuận và hợp tác nhằm đặt nền tảng cho việc hình thành cộng đồng và hiện thực hóa các giá trị xã hội”, ông Lee Byung Hwa chia sẻ.
Nêu ý kiến tham luận tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Tri Thức - đại diện Tạp chí Cộng sản cho rằng, thực thi chính sách là quá trình huy động, bố trí, sắp xếp các nguồn lực để đưa chính sách vào cuộc sống.
Theo ông, việc huy động các nguồn lực để TTCS phải được thực hiện ở tất cả các bước. Nhưng thực tế thời gian qua việc này được đầu tư hơn ở giai đoạn sau của quy trình chính sách được ban hành.
Làm thế nào để giải phóng được nguồn lực cho TTCS?
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, sau khi Thủ tướng ban hành chỉ thị 07 về tăng cường công tác TTCS, thì các cơ quan Nhà nước đã làm công tác TTCS rất mạnh mẽ, đặc biệt trong đó là kiện toàn đội ngũ cán bộ.
Các cơ quan Nhà nước đã phân công nhiệm vụ cán bộ làm TTCS rõ ràng hơn, cho cán bộ đi học TTCS, đầu tư nguồn lực tập trung hơn và nhận thấy truyền thông như một đối tác đồng hành, như một cơ hội để làm tốt công việc của mình.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, có rất nhiều câu hỏi cho việc làm thế nào để giải phóng được nguồn lực cho TTCS. “Việt Nam không thiếu nguồn lực cho rất nhiều việc, trong đó có TTCS. Nhưng có lẽ thông qua những hội thảo để có được câu trả lời cho việc sử dụng nguồn lực như thế nào cho hiệu quả và tiêu nó vào đâu”, ông Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ.
Cụ thể, các cơ quan Nhà nước đã dành nguồn lực rất lớn cho TTCS như quảng bá hình ảnh địa phương, Bộ ngành nhưng đang sử dụng phân tán, hiệu quả đem lại cũng chưa đo đếm, đánh giá được.
“Tôi nghĩ rằng, chúng ta phải quan tâm, lo lắng nhiều hơn về hiệu quả chứ không phải không có nguồn lực cho TTCS”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nói.
Trước những băn khoăn về nguồn lực TTCS nên được dùng vào đâu, theo Thứ trưởng Bộ TT&TT, việc quan trọng nhất là dùng vào đào tạo nhân lực, đào tạo con người.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết, Chỉ thị 07 của Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ TT&TT và Bộ Nội vụ phải xây dựng bằng được vị trí việc làm (cán bộ làm TTCS) trong hệ thống cơ quan nhà nước.
Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, nguồn lực dành cho TTCS phải là nguồn lực của Nhà nước. Và để nguồn lực này đảm bảo hiệu quả, chúng ta có thể hướng đến mô hình cơ chế thị trường mà Hàn Quốc đang vận hành. Nhưng để gọi được đúng thuật ngữ ‘quảng cáo Chính phủ’ thì Hàn Quốc phải xây dựng khung pháp lý để kiểm soát và vận hành.
“Điều quý báu của hội thảo như thế này là chúng ta nhìn ra được hướng và mô hình để thử nghiệm chính sách”, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh.