Cố nhạc sĩ Bắc Sơn dành trọn một đời cho âm nhạc và gia đình
Trong 'Vẫn hát lời tình yêu', khán giả có những phút giây đầy cảm xúc khi lắng nghe về câu chuyện cuộc đời cũng như những bản nhạc mang âm hưởng dân ca Nam Bộ do cố nhạc sĩ Bắc Sơn sáng tác.
Cố nhạc sĩ Bắc Sơn (1931 - 2005) được biết đến là một nhạc sĩ và còn là diễn viên nổi tiếng tại Việt Nam. Trong sự nghiệp của mình, ông đã viết khoảng 500 ca khúc nhạc nhẹ, nhạc không lời, đặc biệt những ca khúc âm hưởng dân ca Nam Bộ, tham gia góp mặt trong 60 bộ phim điện ảnh, là tác giả của khoảng 80 kịch bản phim và 100 vở kịch nói.
Ông ghi dấu trong lòng khán giả với những bài hát như “Em đi trên cỏ non”, “Sa mưa giông”, “Còn thương rau đắng mọc sau hè”, “Gió đưa bông sậy”... Năm 1997, nhạc sĩ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Những sáng tác của nghệ sĩ Bắc Sơn sống mãi trong lòng người yêu nhạc qua nhiều thế hệ.
Chia sẻ về “Em đi trên cỏ non”, ca sĩ Hạ Châu - con gái của cố nhạc sĩ tiết lộ, ca khúc được ông sáng tác trong vòng một ngày dành tặng người con trai kỹ sư nông nghiệp. “Ba viết ca khúc này và trên chiếc xe đạp để lên Đoàn Văn công Quân khu 7 để tập, chỉ với cây đàn bầu, tôi và ba ghi âm lại thu vào băng cát sét. Sau đó gửi lên công ty của em tôi hội diễn, may mắn bài hát đạt giải và trở nên nổi tiếng đến bây giờ”.
Trong khi đó, doanh nhân Bích Thủy bật mí, mới đây chị đã cho dựng lại vở kịch “Bông bí vàng” và quay MV cùng với ca sĩ Nghi Tâm, đó cũng chính là bài hát mà chị yêu thích nhất. Đây là vở kịch gắn liền với câu chuyện về những định kiến trong xã hội lúc bấy giờ của những gia đình giàu có, cô gái là con của địa chủ nhưng yêu phải anh làm vườn cho nhà mình. Chuyện tình của đôi uyên ương gặp nhiều trắc trở, chàng trai làm vườn và mang những món ngon trồng được mang sang cho người yêu luộc lên cho cha mẹ dùng thay vì đem đi bán. Nhưng nhạc sĩ Bắc Sơn chỉ cho tình yêu này dừng lại ở “tình chỉ đẹp khi còn dang dở”.
“Bông bí vàng” đã làm nên tên tuổi biết bao ca sĩ và nhạc phẩm này cũng được ca sĩ Bích Phượng tái hiện vô cùng sâu lắng này. Ý nghĩa đặc biệt trong ca khúc được con gái của cố nhạc sĩ cho biết là ông dựa trên câu chuyện có thật của một đôi uyên ương trẻ nhưng vì sự phân hóa giàu nghèo nên không thể đến được với nhau. Nhạc sĩ không chỉ viết nhạc để ca ngợi tình yêu mà còn muốn phản ánh thay đổi quan niệm đã lỗi thời của xã hội lúc bấy giờ.
Nhạc của nghệ sĩ Bắc Sơn được viết theo ngũ cung nên giọng ca Bích Phượng và Thùy Trang rất hợp với những sáng tác của ông. Chia sẻ trong chương trình, cả 2 ca sĩ đều có những kỷ niệm đẹp cùng “người thầy” của mình. Ca sĩ Bích Phượng chia sẻ: “Gia đình tôi đã có rất nhiều năm gắn bó với nhạc sĩ Bắc Sơn, chú xếp cho mình hát bài gì là sẽ tự tập nhưng khi vào phòng thu thì chú chỉ dẫn rất tận tình”. Còn với Thùy Trang, cô hạnh phúc chia sẻ: “Trang được chú Sơn gọi đến nhà để tập hát, chú chỉ dạy tận tâm đến nỗi quên thời gian và được chú cho ăn cơm rồi tiếp tục tập”.
Trong kho tàng âm nhạc của nhạc sĩ Bắc Sơn, phải kể đến tác phẩm “Sa mưa giông” của ông, ca khúc không chỉ được đón nhận của khán giả Nam Bộ mà người yêu nhạc Bắc Bộ cũng rất yêu thích. Ca khúc được sáng tác trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt, đó là mùa nước nổi của những ngày mưa tháng 7 - tháng 8. Vì mưa dữ dội nên những ngày đi quay ở Đồng Tháp không được diễn ra, khi đó nhạc sĩ đã “tức cảnh sinh tình”, từ hình ảnh những hạt mưa rơi trên hiên nhà tung bọt thành bọt bong bóng, đến những đứa trẻ chăn trâu ướt sũng dắt trâu lội mưa đi về, rồi hình ảnh những người cầm câu trong buổi chiều mưa, tất cả làm nên bức tranh không gian làng quê vô cùng sinh động tạo nên ý nghĩa đặc biệt trong lời bài hát.
Có thể nói, cả cuộc đời của nghệ sĩ Bắc Sơn chỉ dành cho nghệ thuật và một lòng với tình yêu gia đình. Ông được đánh giá là người nghệ sĩ chân chính, yêu nghề, cả khi nằm trên giường bệnh ông vẫn sáng tác, nhưng có những bài sáng tác dở dang vì cơn đau. Bích Thủy chia sẻ: “Ba là người nghệ sĩ nghèo, người thầy giáo nghèo, có những khi ba đi đóng phim, tiền cát-xê không đủ cho má đi chợ một tuần. Có những khi tưởng chừng như ba đã bỏ mạng vì nghề trong bộ phim 'Người tìm vàng', ba Thủy sốt tận 39,5 độ và phải nhập viện cấp cứu”.
Tác giả “Còn thương rau đắng mọc sau hè” được con gái Bích Thủy biếu tiền để chơi thể thao nhưng nhạc sĩ dành dụm khoản tiền đó để sản xuất đĩa CD và in sách. Tác phẩm còn đó nhưng nhạc sĩ đã ra đi mãi mãi.
Thực hiện tâm nguyện của ba lúc sinh thời, ca sĩ Bích Thủy - con gái thứ 9 của cố nhạc sĩ Bắc Sơn - quyết định dựng lại 100 kịch bản tâm đắc của ba đưa lên truyền hình và YouTube. Đồng thời, cô còn đi hát từ thiện để phục vụ cho khán giả yêu thích dòng nhạc của ông. Đặc biệt, hằng năm quỹ học bổng mang tên nhạc sĩ Bắc Sơn được trao cho con em nghệ sĩ nghèo, công nhân hậu đài có hoàn cảnh khó khăn nhằm tiếp bước cho con em đến trường.