Có nhất thiết phải ăn sáng?
Nhiều ý kiến cho rằng bữa sáng rất quan trọng song cũng có người không muốn ăn, lười ăn và cho rằng bữa sáng không cần thiết, vậy đâu mới là quan điểm đúng?
Theo TS Từ Ngữ, Tổng Thư ký Hội dinh dưỡng Việt Nam, bữa sáng cơ thể cần được ăn nhiều nhất, vì cả đêm và rạng sáng con người mất khoảng 15 giờ không ăn gì, dạ dày luôn trống rỗng.
Về nguyên lý hoạt động dinh dưỡng cho cơ thể, sau thời gian này cơ thể cần bổ sung năng lượng, chưa kể còn cả một ngày dài lao động trước mắt sẽ phải cần rất nhiều năng lượng. Vì thế, bữa sáng là rất cần thiết.
Bữa sáng bạn có thể lựa chọn một gói xôi xéo làm bữa ăn sáng là đã bao gồm protein, lipid, và gluxit. Còn nếu bạn chọn ăn một bát bún vịt, bún chả thì ngoài các chất dinh dưỡng kể trên còn có thêm chất xơ trong hành, rau thơm.
Câu nói "Ăn sáng như vua, ăn trưa như hoàng tử, ăn tối như một kẻ ăn mày" - khẳng định vai trò quan trọng của bữa sáng. Tuy nhiên, hiện việc ăn sáng tùy vào nhu cầu, sở thích của từng người, không phải cứ ăn sáng thật no là tốt.
Nguyên tắc là cần phân chia lượng calo nạp vào hợp lý, ăn theo nhu cầu. Một người trưởng thành trung bình cần nạp 1.600 - 2.000 Kcal một ngày, tập trung vào ba bữa chính. Năng lượng cân đối sẽ là 500 Kcal một bữa, số còn lại từ các nguồn khác như trái cây, bữa phụ, ăn vặt. Nếu nạp nhiều Kcal vào bữa trưa và bữa tối thì cần giảm năng lượng bữa sáng lại, đảm bảo sự cân đối.
Mặt khác, mọi người cần đảm đa dạng thực phẩm, đầy đủ 4 nhóm chất là đường bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.
Nhìn chung, việc ăn uống là tùy mỗi người, nhưng không nên ăn quá nhiều vào một bữa và không nên bỏ bữa. Mỗi bữa đều có vai trò riêng, không phải chỉ bữa sáng mới quan trọng và các bữa còn lại không quan trọng.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/co-nhat-thiet-phai-an-sang-ar891539.html