Có nhiều cách tiếp nhận tri thức, tại sao ta vẫn cần đọc sách?

Dù có nhiều phương tiện nghe nhìn cung cấp tri thức, sách vẫn luôn là nguồn kiến thức sâu rộng, thúc đẩy tư duy phản biện, phát triển kỹ năng ngôn ngữ, tạo ra trải nghiệm cá nhân độc đáo.

 Hình ảnh hoa hậu Kỳ Duyên thuyết trình về tầm quan trọng của việc đọc sách. Ảnh: Miss Universe Vietnam 2024.

Hình ảnh hoa hậu Kỳ Duyên thuyết trình về tầm quan trọng của việc đọc sách. Ảnh: Miss Universe Vietnam 2024.

Trong tập hai chương trình Miss Universe Vietnam 2024, hoa hậu Kỳ Duyên đã thuyết trình rằng cho tới tận bây giờ cô chưa đọc hết một cuốn sách nào. Vì là người thực tế, cô thích trau dồi kiến thức thông qua hình ảnh. Những phát ngôn của người đẹp xứ Nam Định đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ từ một bộ phận cộng đồng mạng.

Tuy nhiên, nhìn từ góc độ khác, phần thuyết trình của hoa hậu Kỳ Duyên đã gợi mở ra câu hỏi rằng sách có giá trị như nào khi đặt trong tương quan với các phương tiện truyền thông mới khác. Phải chăng đọc sách là không thực tế?

Muôn hình vạn trạng của sách

Theo chia sẻ của ông Trịnh Minh Tuấn (Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất bản và Giáo dục Quảng Văn), 58% bộ phim hiện nay trên Netflix là được chuyển, cảm tác hoặc dựa trên kịch bản gốc là tác phẩm văn học. Không chỉ vậy, các nội dung của sách còn được chuyển thể theo nhiều hình thức khác nhau, nội dung ngắn trên mạng xã hội, banner, biển hiệu. Sách là nền tảng của nhiều nội dung đang được lan truyền trong không gian số mà có thể nhiều người đã bỏ qua điều này.

Sách là nền tảng của nhiều nội dung số mà có thể nhiều người đã bỏ qua điều này.

Trước đó, theo thống kê của nhà xuất bản Frontiers, kể từ năm 1968-2002, khoảng một phần ba các bộ phim dùng ngôn ngữ Anh được phát hành đều được chuyển thể từ các tác phẩm văn học. Hơn hết, doanh thu của các bộ phim chuyển thể cao hơn 30% so với bộ phim chưa từng xuất bản dưới dạng sách.

Xu hướng này vẫn đang tiếp tục được lan rộng bởi các nhà làm phim tin rằng kịch bản chuyển thể từ một tác phẩm văn học có chất lượng tốt hơn so với kịch bản gốc ở một số tiêu chí nhất định. Một số nhà xuất bản khi lên kế hoạch ra mắt sách cũng đã chuẩn bị kết hợp với các đơn vị khác trong ngành công nghiệp sáng tạo để làm ra những sản phẩm phái sinh.

 Các bạn trẻ đang sử dụng sách nói. Ảnh: Duy Hiệu.

Các bạn trẻ đang sử dụng sách nói. Ảnh: Duy Hiệu.

Với sự phát triển của công nghệ, sách còn được tồn tại dưới hình thức âm thanh - sách nói. Theo chia sẻ từ ông Lê Hoàng Thạch - CEO của VoizFm - ứng dụng này đã ghi nhận 2 triệu người dùng với 3.000 nội dung khác nhau đã được đăng tải trên nền tảng. Do đó, một công dân kỹ thuật số có thể tiêu thụ nhiều nội dung từ sách, dẫu rằng họ không thực sự động đến một cuốn sách in nào trong cả năm.

Trên mạng xã hội, có rất nhiều câu chuyện, câu nói được rút ra từ sách thông qua những chiến dịch quảng cáo, truyền thông từ phía nhà xuất bản hay các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp sáng tạo.

Chẳng hạn, chiến dịch quảng cáo của cuốn sách Nghệ thuật tinh tế của việc "đếch" quan tâm (Mark Manson) đã sử dụng các trích đoạn nổi bật từ sách để tạo ra những hình ảnh và video ngắn trên mạng xã hội. Các trích đoạn này thường là những câu nói đầy tính châm biếm và thực tế, được trình bày trên nền hình ảnh sáng tạo, thu hút hàng triệu lượt xem và chia sẻ. Vào năm 2023, cuốn sách đã trở thành chất liệu cho một bộ phim cùng tên trên Netflix.

Một ví dụ khác là cuốn sách Chất Michelle của cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama. Chiến dịch này đã tận dụng tối đa các nền tảng mạng xã hội như Instagram và Twitter để chia sẻ những trích dẫn truyền cảm hứng từ sách kèm theo hình ảnh của Michelle Obama trong những khoảnh khắc quan trọng của cuộc đời. Ngày nay các hình ảnh, câu quote vẫn còn rất nhiều trong dữ liệu tìm kiếm của Google, Facebook.

Tại sao cần phải đọc sách?

Trong bối cảnh các phương tiện truyền thông mới tạo ra nhiều khả năng trau dồi tri thức hơn, việc đọc sách vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng con người. Đầu tiên, đọc sách giúp ta tiếp cận nguồn cấp tri thức sâu rộng. Nội dung trong sách hoàn toàn khác hình thức thông tin nhanh trên môi trường số.

Từ góc nhìn của nhà văn Hà Thủy Nguyên, thông tin nhanh có một vấn đề là luôn thiếu bằng chứng và cơ sở lập luận. Do đó, người tiếp nhận nó cũng thiếu một loạt các thao tác như kiểm chứng, đối chiếu, liên hệ, cấu trúc hóa, ứng dụng thực tế. Tiêu thụ thông tin nhanh có thể giúp người đọc nhanh chóng nắm bắt thông tin, nhưng về lâu dài, não trạng bị huấn luyện theo lối lười biếng, không có khả năng kiểm chứng và suy nghĩ liền mạch.

“Đọc sách, nhất là những tác phẩm có tính hệ thống hay có giá trị tinh thần cao..., có thể còn khó hơn năng lực đọc của bản thân, giúp rèn luyện khả năng này. Đương nhiên, đó là một quá trình rèn luyện dài lâu và cũng đòi hỏi quyết tâm”, nhà văn Hà Thủy Nguyên cho biết.

Thứ hai, sách có một giá trị văn hóa và lịch sử đáng kể, dù đó là tác phẩm hư cấu hay phi hư cấu. Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, ông Nguyễn Quang Thiều cũng từng khẳng định: “Văn học có tính dự báo”. Nhà văn luôn là người nhạy cảm với các biến đổi của xã hội vì vậy mỗi tác phẩm họ viết nên đều mở ra những suy ngẫm về cuộc sống của con người, một viễn cảnh nào hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai.

 Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, ông Nguyễn Quang Thiều tại buổi báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị 42 CT-TW. Ảnh: Đức Huy.

Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, ông Nguyễn Quang Thiều tại buổi báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị 42 CT-TW. Ảnh: Đức Huy.

Cùng đó, nhà văn Hà Thủy Nguyên cũng cho rằng việc cập nhật tri thức từ sách không dẫn đến việc phi thực tế. Mọi cuốn sách vốn được đúc rút từ cuộc sống, kể cả những cuốn siêu tưởng nhất hay lãng mạn nhất cũng vậy. Vì thế, khi đọc sách, độc giả sẽ cần hiểu về những trải nghiệm thực tế mà tác giả đi qua. Để nắm bắt được thực tế ấy, người đọc cũng cần kinh nghiệm sống nhất định, nếu không người đọc chỉ hiểu được con chữ mà không thực sự hiểu ý của tác giả.

Đọc sách không phải là cách để thoát ly thực tế, tìm đến sách là để thoát khỏi một điểm nhìn để thấy cuộc sống từ các góc độ khác nhau. Đọc sách còn được dịch giả Tùng Lam ví như việc tập thể dục, nếu được duy trì đều đặn, mỗi độc giả đều có thể phát triển bản thân.

“Thích đọc sách cần một sự tò mò. Có thể do tự nhiên. Có thể do được nuôi dưỡng. Bạn không thích đọc sách, có lẽ, do lòng tò mò chưa được khơi, hơn là do sách vô dụng. Do đó, thờ ơ với sách nên được xem là một nỗi khổ tâm, thẹn thùng, một sự thiếu thốn”, dịch giả Tùng Lam cho biết.

Có thể thấy, mỗi người có một cách khác nhau để trau dồi tri thức, hoa hậu Kỳ Duyên cũng vậy. Nhưng sách vẫn luôn là nguồn cung tri thức sâu rộng, thúc đẩy tư duy phản biện, phát triển kỹ năng ngôn ngữ, tạo ra trải nghiệm cá nhân độc đáo và gìn giữ giá trị văn hóa lịch sử. Do đó, sách vẫn là một công cụ không thể thiếu trong quá trình học tập và phát triển của con người.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/thay-gi-tu-vu-hoa-hau-ky-duyen-noi-ve-doc-sach-post1495343.html