Có nhiều thuốc y học cổ truyền giả đang lưu hành trên thị trường
Sở Y tế vừa có thông báo gửi đến các cơ sở kinh doanh, sử dụng, bán buôn, bán lẻ thuốc y học cổ truyền về một số thuốc giả đang lưu hành trên thị trường.
Thông tin từ Cục Quản lý Y - Dược cổ truyền cho biết, có một số mẫu thuốc được trung tâm kiểm nghiệm các tỉnh lấy tại các cơ sở bán lẻ thuốc đông y, thuốc từ dược liệu để kiểm nghiệm và phát hiện là thuốc giả. Cụ thể: Thuốc viên hoàn cứng nhức khớp Tê bại hoàn; số lô không có; ngày sản xuất 25-1-2024, hạn dùng 25-1-2028; số đăng ký VD-93312-13. Thuốc viên hoàn cứng nhức khớp Tê bại hoàn; số lô không có; ngày sản xuất 10-1-2024, hạn dùng 10-1-2028; số đăng ký VD-93312-13. Thuốc viên hoàn cứng nhức khớp Tê bại hoàn; số lô không có; ngày sản xuất 28-8-2022, hạn dùng 28-8-2027; số đăng ký VD-93312-13. Thuốc viên hoàn cứng Nhức khớp tê bại hoàn; số lô không có; số đăng ký VD-9331-19. Thuốc viên hoàn cứng Gai cốt hoàn; số lô không có; ngày sản xuất 5-4-2023, hạn dùng 5-4-2027, số đăng ký VD-93312-13. Thuốc viên hoàn cứng Nhức khớp tê bại hoàn gold; số lô không có; ngày sản xuất 16-3-2024, hạn dùng 16-3-2028, số đăng ký VD-93312-13. Thuốc viên hoàn cứng Viêm xoang mũi; số lô không có; ngày sản xuất 19-2-2022, hạn dùng 19-2-2025, số đăng ký VD-93312-13. Tất cả các loại thuốc trên do cơ sở Đông Nam Dược Đại An, địa chỉ 40 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội sản xuất và đều chưa được cấp giấy đăng ký lưu hành; thuốc có trộn với Paracetamol và Diclofenac natri. Căn cứ quy định tại khoản 33 Điều 2 Luật Dược, các loại thuốc nêu trên là thuốc giả.
Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Sở Y tế đề nghị các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc y học cổ truyền không kinh doanh, phân phối và sử dụng các sản phẩm là thuốc giả nêu trên. Thanh tra sở phối hợp với phòng y tế các huyện, thị xã, thành phố, cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, truy tìm nguồn gốc về sản phẩm thuốc giả, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định.
THẢO TÂM